Pháp cũng nhức đầu vì vấn đề bạo lực cảnh sát
Đăng ngày:
Phong trào chống kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát tại Mỹ sau vụ George Floyd tiếp tục thu hút sự chú ý của báo chí Pháp ra ngày 10/06/2020. Tuy nhiên, các nhật báo vừa nêu tình hình Mỹ vừa đề cập đến những gì diễn ra tại Pháp, nơi các cuộc biểu tình ủng hộ phong trào chống kỳ thị đã chen lẫn hay hòa nhập với những cuộc xuống đường phản đối bạo lực cảnh sát ngay trong nước.
Trên trang nhất của mình, Le Monde đã dành hai tựa quan trọng nhất cho chủ đề xã hội nói trên, với tựa chính nói về tình hình Pháp: “Bạo lực cảnh sát: Hành pháp trong tình thế chênh vênh”. Ngay bên dưới là phần nói về Mỹ: Trên nền một tấm ảnh chụp tmột bức bích họa ở Houston, vẽ George Floyd trong đôi cánh thiên thần, tờ báo chạy tựa "Bất bình đẳng chủng tộc: Nước Mỹ thức giấc”.
Bạo lực cảnh sát tại Pháp: Chính quyền bị buộc phải đổi giọng
Le Monde ghi nhận trước tiên là chính phủ của tổng thống Macron đã bị buộc phải thay đổi giọng điệu dưới sức ép của dư luận và quần chúng. Cuộc họp báo của bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner ngày 08/06 vừa qua về bạo lực cảnh sát và kỳ thị chủng tộc, theo yêu cầu đặc biệt của Điện Élysée, đã đánh dấu một khúc quanh đối với chính phủ, trong lúc mà phong trào quốc tế Black Lives Matter (“Sinh mạng người da đen cũng có giá trị”) đã có tiếng vang lớn ở Pháp, nhất là trong các khu phố nhạy cảm.
Đối với tờ báo Pháp, bạo lực cảnh sát luôn luôn là một mối quan ngại trong các khu phố bình dân, nhưng phải chờ đến những cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng và các chiến dịch duy trì trật tự đi kèm theo, thì vấn đề mới trở thành một mối quan ngại cấp quốc gia. Đường lối của chính phủ lúc ấy rất rõ ràng: Không hề có bạo lực cảnh sát.
Sau đó, với dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa kèm theo, vấn đề đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, cũng như vấn đề các ngoại ô mà các chiến dịch cảnh sát luôn luôn là nguồn gốc gây nên căng thẳng.
Thế nhưng cái chết của George Floyd ở Mỹ, cộng với hồ sơ về cái chết của Adama Traoré từ năm 2016 khi bị cảnh sát Pháp bắt giữ nổi lên trở lại, hai yếu tố này đã làm dấy lên phong trào biểu tình phản đối tệ nạn kỳ thị chủng tộc trong hàng ngũ lực lượng an ninh Pháp, cộng thêm với vấn đề bạo lực cảnh sát.
Sợ rằng tình hình có thể nổ to, nhất là khi các phương tiện truyền thông như Médiapart, Arte StreetPress liên tiếp tiết lộ những lời lẽ kỳ thị của thành viên các lực lượng an ninh trên các mạng xã hội, chính phủ Pháp đã phải phản ứng nhanh chóng.
Trong buổi họp báo, bộ trưởng Nội Vụ dĩ nhiên đã bảo vệ định chế cảnh sát, nhưng đã tỏ thái độ kiên quyết đối với những sai trái cá nhân, cho rằng “Thốt ra những lời kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử là điều không thể chấp nhận được”.
Bên cạnh đó, ông Castaner cũng loan báo những quyết định cụ thể nhằm cải thiện tình hình, trong đó có việc nghiêm cấm dùng phương thức chẹn cổ khi bắt giữ (biện pháp đã cướp đi mạng sống của George Floyd), bên cạnh một loạt biện pháp chống phân biệt đối xử…
Khẩu hiệu Black Lives Matter đã trở thành phổ quát
Về tình hình tại Mỹ, Le Monde đặc biệt nêu bật một hệ quả của vụ George Floyd: “Khẩu hiệu ‘Sinh mạng của người da đen cũng có giá trị’ đã trở thành phổ quát”.
Từ một khẩu hiệu thường chỉ được người da đen hô vang, câu nói “Black Lives Matter” đã được mọi giới - không phân biệt màu da - hô vang khắp nơi, không chỉ trên đất Mỹ, mà cả ở nước ngoài.
Về chính trị Mỹ, đối với Le Monde, phản ứng của hai chính khách tiêu biểu hiện nay trước tình hình rất đáng suy ngẫm.
Vào lúc thành phố Houston quê hương của George Floyd làm lễ tưởng niệm nạn nhân của hành vi bạo lực cảnh sát, thì tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục né tránh chủ đề này.
Trong khi đó thì đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới đây, ứng viên Joe Biden của đảng Dân Chủ thì không ngần ngại đến gặp gỡ gia đình của người quá cố.
Le Figaro cũng nói về sư kiện nước Mỹ vào hôm qua đã tưởng niệm George Floyd, nhưng nêu bật ý nghĩa là người da đen này đã được tôn lên thành một vị “thánh tử vì đạo”, đã hy sinh cho chính nghĩa chống phân biệt chủng tộc.
Le Figaro: Dân Pháp muốn chính quyền tăng tốc độ giảm phong tỏa
Tình hình kinh tế xã hội Pháp thời hậu phong tỏa cũng là chủ đề quan trọng trên các báo, được Le Figaro dùng làm tựa chính trang nhất: “Áp lực gia tăng đòi tăng tốc độ dỡ bỏ phong tỏa”
Đối với tờ báo thiên hữu Pháp, trong lúc dịch bệnh ngày càng giảm cường độ, những biện pháp cẩn trọng để chống dịch càng lúc càng ít được chấp nhận, với nhiều tiếng nói vang lên đòi bãi bỏ trước thời hạn những ràng buộc về vệ sinh dịch tễ.
Theo Le Figaro, sau nhiều tuần lễ phải chịu những gò bỏ để tránh virus corona lây lan, người Pháp bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Những tuyên bố gần đây của chủ tịch Hội Đồng Khoa Học, theo đó giờ đây mọi người có thể tìm lại được một cuộc sống bình thường, đã lại càng khiến người ta kêu gọi tăng tốc dỡ bỏ phong tỏa.
Các công ty, xí nghiệp, nhà hàng được hậu thuẫn của đảng Những Người Cộng Hòa (cánh hữu), đã liên tục đòi hủy bỏ ngay lập tức các hạn chế về mặt y tế, bị cho là đang cản trở hoạt động kinh tế.
Trong lãnh vực giáo dục, trước việc các trường học vẫn giới hạn việc thu nhận học sinh trở lại, các gia đình, những bậc phụ huynh cũng bắt đầu mất kiên nhẫn.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Le Figaro, giáo sư dịch tễ học Antoine Flahault, giám đốc Viện Y Tế Toàn Cầu tại Đại Học Genève (Thụy Sĩ), đã cho rằng phải có một chiến lược giảm thiểu rủi ro đi kèm theo việc bãi bỏ những ràng buộc y tế cuối cùng.
Đối với nhà nghiên cứu này, dịch bệnh quả là đang lùi bước rõ rệt tại Pháp, nhưng không nên lơ là vì trong thực tế, vẫn còn từ 2.000 đến 5.000 ca nhiễm mỗi ngày, kéo theo một số tử vong từ 20 đến 50 ca.
Les Échos: Giới chủ nhân kêu gọi nhanh chóng làm việc trở lại
Trang nhất nhật báo kinh tế Pháp đã giới thiệu bài phỏng vấn chủ tịch hiệp hội các chủ nhân Pháp Medef.
Ông Geoffroy Roux de Bézieux nhân dịp này đã yêu cầu chính phủ xem xét lại các quy định y tế chống dịch theo chiều hướng cởi mở hơn để hỗ trợ sản xuất. Ông đồng thời bày tỏ mong muốn chính phủ giảm thuế đánh trên sản xuất ngay vào tháng 9 năm nay.
La Croix: Phong tỏa giảm, nhưng tiêu thụ vẫn cầm chừng
La Croix cũng nêu bật chủ đề nước Pháp thời hậu phong tỏa trên trang nhất, nhưng nhấn mạnh đến thái độ thận trọng của người Pháp, chưa tiêu xài trở lại: “Trong khi chờ đợi kinh tế hồi phục”, tựa chính trang nhất.
Theo tờ báo Công Giáo Pháp, nếu các sinh hoạt đã trở lại mạnh mẽ từ khi phong tỏa bắt đầu được dỡ bỏ, kinh tế Pháp vẫn còn bị ảnh hưởng nặng do các biện pháp y tế và thái độ thận trọng của người tiêu thụ.
La Croix ghi nhận các tín hiệu lạc quan: Vỉa hè các quán cà phê chật người, những hàng người dài dằng dặc trước các cửa hiệu, công nhân viên đã trở lại văn phòng và nhà máy… Thế nhưng, dù đã thức dậy, kinh tế Pháp vẫn chưa vận hành được theo tốc độ bình thường.
Nếu có những lãnh vực đã hồi phục, thậm chí còn mạnh mẽ hơn thời trước khủng hoảng, thì đó vẫn là điều ngoại lệ. Benoit Gruet, chủ nhân một công ty chuyên thống kê việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng cho rằng dĩ nhiên là “có kẻ được nhưng rất nhiều người thua… Người ta đã đổ xô đi mua giầy dép, như muốn chạy nhảy sau thời kỳ bị bó chân ở nhà, nhưng các cửa hiệu quần áo thì vắng hoe”.
Cũng như thế, nếu doanh số ngành xe đạp tăng cao, thì ngành xe hơi vẫn chưa đạt được mức trước đây.
Nhìn chung, theo La Croix, người Pháp chưa vội đi mua sắm trở lại. Theo một cuộc thăm dò gần đây, hai tuần sau khi phong tỏa được dỡ bỏ, chỉ có 40% người Pháp là đã ghé một cửa hàng không bán lương thực!
Libération: Nhà nước phục hận!
Cũng trong lãnh vực kinh tế, Libération đã nêu bật một chuyển biến ở cấp vĩ mô mà dịch Covid-19 đã mang đến: Vai trò của Nhà nước được coi trọng trở lại.
Dưới tựa đề lớn trên trang nhất: “Đối phó với suy thoái: Nhà nước phục hận”, tờ báo thiên tả Pháp ghi nhận trong một hồ sơ 5 trang vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc chống khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ khủng hoảng y tế.
Theo Libération, với gần 500 tỷ euro tung ra từ đầu dịch, chính quyền Pháp hầu như nhắm mắt vung tiền để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, một sự khôi phục vai trò trung tâm của Nhà nước trái ngược hẳn với lập luận trước đó.
Tờ báo nhắc lại hai thông điệp cách nhau hơn 20 năm: Cựu thủ tướng Jospin trước đây từng thốt lên trước công nhân của hãng chế tạo lốp xe hơi Michelin rằng “không nên trông chờ mọi thứ từ Nhà nước”; còn giờ đây, trong miệng của tổng thống Macron ngày 13/02/2020, thông điệp đã trở thành: “Tất cả sẽ được thực hiện để bảo vệ nhân công và xí nghiệp của chúng ta, bất kể tốn kém”.
Đã qua rồi thời kỳ mà vai trò Nhà nước trong kinh tế bị đả kích nặng nề. Giờ đây người ta chỉ nói đến nào là Nhà nước – cứu hỏa, Nhà nước – cổ đông, nào là Nhà nước – chiến lược gia, Nhà nước xanh…
Vai trò thiết yếu của Nhà nước trong thời gian tới đây sẽ còn tăng mạnh khi nhìn vào các con số của Ngân Hàng Trung Ương Pháp: GDP sẽ tuột giảm ít ra 10% trong năm nay và thất nghiệp vọt lên đỉnh lịch sử 11,5% vào năm tới.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký