BẮC TRIỀU TIÊN

Bắc Triều Tiên bàn "biện pháp tấn công" để bảo vệ chủ quyền

Tình hình bán đảo Triều Tiên lại nóng lên những ngày cuối năm với hội nghị Trung ương đảng Lao Động Bắc Triều Tiên. Hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay, 30/12/2019, loan báo trong ngày họp thứ hai của hội nghị, trung ương Đảng đã bàn về "các biện pháp tấn công" để bảo đảm chủ quyền và an ninh của đất nước.

Hội nghị toàn thể lần thứ V của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Lao Động Triều Tiên. Ảnh không ghi ngày do hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA công bố ngày 29/12/2019.
Hội nghị toàn thể lần thứ V của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Lao Động Triều Tiên. Ảnh không ghi ngày do hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA công bố ngày 29/12/2019. KCNA via REUTERS
Quảng cáo

Hội nghị toàn thể ban chấp hành Trung ương đảng được triệu tập vài hôm trước ngày đầu năm mới mà như thông lệ, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ có bài diễn văn đang được cả thế giới chờ đợi. Đó có thể sẽ là những thông báo về thay đổi lớn trong chính sách hạt nhân và chủ trương ngoại giao của Bình Nhưỡng.

Theo KCNA, trong ngày họp thứ hai Hội Nghị Trung Ương lần này, Kim Jong Un đã nhấn mạnh "sự cần thiết phải có những biện pháp tích cực và mang tính tấn công nhằm bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và an ninh đất nước. Trước tình hình cấp thiết hiện nay, lãnh đạo Kim Jong Un đã đề ra nhiệm vụ của khối ngoại giao, công nghiệp vũ khí và lực lượng vũ trang của nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên".

Kim Jong Un cũng đã định hướng cụ thể để có được bước ngoặt quyết định trong việc phá triển đất nước, cải thiện đời sống nhân dân, với « lập trường độc lập, chống đế quốc rõ ràng và quyết tâm vững chắc ».

Bộ Thống Nhất Hàn Quốc đánh giá kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền cuối năm 2011, đây là lần đầu tiên chế độ Bình Nhưỡng triệu tập một hội nghị trung ương dài ngày, vì vậy Seoul đang theo dõi sát phiên họp này của miền Bắc.

Sau một loạt các động thái lên gân, khiêu khích của Bình Nhưỡng trong tháng này, có nhiều đồn đoán cho rằng Bắc Triều Tiên có thể tuyên bố chấm dứt đàm phán giải trừ hạt nhân với Mỹ và quay trở lại các vụ thử tên lửa liên lục địa (ICBM) hoặc hạt nhân.

Cách đây hơn hai năm Bình Nhưỡng tự tuyên bố ngừng các hoạt động nói trên tạo tiền đề để cuộc đối thoại Mỹ -Bắc Triều Tiên mở ra với biểu tượng lớn là thượng đỉnh Trump-Kim, lần thứ nhất tại Singapore tháng 6/2018 và lần thứ 2 tại Hà Nội tháng 2/2019, chưa kể đến cuộc gặp chớp nhoáng tại biên giới hai miền Triều Tiên hồi tháng 6 năm nay.

Tuy nhiên từ đó đến nay các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân rơi vào bế tắc và căng thẳng lại nhen nhúm trở lại. Washington từng cảnh cáo Bình Nhưỡng nếu khiêu khích sẽ bị "mất tất", trong khi đó Bắc Triều Tiên đáp lại họ không có gì để mất cả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế