Virus corona phơi bày những lỗ hổng của ngành y tế Trung Quốc
Đăng ngày:
Nghe - 08:48
Y tá, bác sĩ làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn dụng cụ y khoa, hệ thống y tế bất cập… dịch bệnh virus corona mới (Covid-19) làm lộ rõ những lỗ hổng của ngành y tế tại cường quốc thứ nhì thế giới.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong số tám bác sĩ gióng chuông báo động về sự nguy hiểm của chủng virus corona mới, nhưng lại bị chính quyền trấn áp, đã qua đời ngày 06/02/2020 (chứ không phải là ngày 7/2 như thông báo của chính phủ Trung Quốc) do bị nhiễm virus corona mới khi chăm sóc các bệnh nhân.
Cái chết của ông cho thấy rõ những điều kiện làm việc ngặt nghèo của các bác sĩ tại Vũ Hán, tâm dịch bệnh. Theo tường thuật của South China Morning Post, « ít nhất có khoảng 500 bác sĩ và y tá đã bị nhiễm bệnh ». Và theo như cách tính mới được Trung Quốc công bố hôm 13/02/2020, trong số hơn 1.300 người chết, là có 6 bác sĩ.
Là tâm dịch bệnh, Vũ Hán là khu vực gánh hậu quả thiệt hại nặng nề nhất : Số người chết chiếm đến hơn 2/3 trong tổng số và số ca nhiễm là hơn 43%. Trên tuyến đầu chống dịch bệnh, các y bác sĩ ở đây lại phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thiết bị y tế và dụng cụ bảo hộ nghiêm trọng, trong khi ngành sản xuất các dụng cụ và thiết bị y khoa chỉ mới hoạt động được có 2/3 công suất.
Làm thế nào có thể ngăn chận dịch bệnh một cách hiệu quả khi mà chính bản thân các bác sĩ cũng không được phòng hộ tốt ? Để tiết kiệm, khẩu trang khử trùng lại, mặc đồ bảo hộ công nhân thay vì là y tế, nếu có chỉ được thay bộ đồ bảo hộ một lần sau mỗi 4, 6, thậm chí là 8 tiếng… theo như xác nhận của một bác sĩ xin giấu tên với AFP.
Trong thời gian trực, các y bác sĩ cũng không có thời gian để ăn cơm, uống nước, kể cả đi toa-lét. Một số người phải mặc tã dành cho người lớn trong suốt những giờ trực bệnh dài dằng dặc. Ngay cả khi bị ốm, nếu phát hiện bị sốt, họ sẽ bị cách ly. Nhưng nếu sau 7 ngày, sốt không còn nữa, bệnh viện hối thúc họ quay trở lại làm việc ngay, theo như tâm sự của một nữ bác sĩ khác, cũng xin giấu tên vì sợ bị trừng phạt.
Dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản
Hãng tin Pháp AFP trích dẫn các con số ấn tượng do trợ lý thị trưởng Vũ Hán, ông Hu Yabo, đưa ra để minh họa cho những khó khăn của các y bác sĩ tại Vũ Hán. Trong tổng số 59.900 bộ đồ bảo hộ cần thiết mỗi ngày, giới y tế ở đây chỉ nhận được có 18.500 bộ. Tương tự, đối với loại khẩu trang N95 để phòng virus : nhu cầu mỗi ngày là 119.000 chiếc, nhưng họ chỉ có được 62.200 chiếc.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã huy động các chuyên gia trên toàn quốc để đối phó với dịch bệnh tại Vũ Hán, nhưng các bệnh viện tại đây vẫn bị quá tải. Mỗi một bác sĩ phải tiếp đến 400 bệnh nhân trong vòng 8 tiếng và phải thường xuyên đối mặt « với những bệnh nhân bị nhiễm bệnh rất nặng, hay tình trạng sức khỏe đã bị suy biến và đi đến tử vong rất nhanh ».
Trên mạng xã hội, một số người thổ lộ về điều kiện làm việc tại Vũ Hán, nhưng cũng có nhiều người lại sợ bày tỏ, vì đảng Cộng Sản Trung Quốc giám sát và kiểm duyệt mọi thông tin có khả năng làm dấy lên sự bất mãn của người dân.
Những lỗ hổng này của ngành y tế tại tỉnh Hồ Bắc đã được một nhà báo độc lập, Chen Qiushi tố cáo ngay từ ngày 30/01/2020. Thế nhưng, sự biến mất của nhà báo trẻ tuổi này từ hôm 06/02 đến nay đang khiến cho ủy ban chuyên trách về Nhân Quyền Trung Quốc của Quốc Hội Mỹ phải lo lắng.
Những bất cập trong hệ thống y tế Trung Quốc
Dịch bệnh virus corona mới xảy còn làm lộ rõ những bất cập trong hệ thống y tế Trung Quốc bất chấp những cải tổ sau trận dịch SARS năm 2002-2003.
Chữa trị bệnh tại Trung Quốc là cả một con đường « gian nan khổ ải ». Ngạn ngữ Trung Quốc đã có câu « Bác sĩ càng hiếm và giỏi, giá phải trả càng cao ». Hình ảnh dòng người đông đảo trước cổng bệnh viện chỉ để chờ xét nghiệm xem có nhiễm virus hay không phản ảnh rõ tình trạng quá tải tại các bệnh viện, các cơ sở y tế của Trung Quốc.
Nhà báo Dominique Baillard, trong chuyên mục Kinh Tế Hôm Nay của RFI, trước hết đưa ra các con số ấn tượng cho thấy rõ sự khác biệt về điều kiện chăm sóc và chữa trị bệnh nhân giữa Trung Quốc và các nước phương Tây.Một bác sĩ Trung Quốc phải khám trung bình mỗi ngày khoảng 100 người bệnh.
« Thậm chí là gấp đôi ở một số bệnh viện. Tại Trung Quốc, trung bình có một bác sĩ cho từ 5.000 - 6.000 bệnh nhân, tỷ lệ này tại các nước giầu nằm trong khoảng 1/1.500 - 2.000. Những bệnh viện chuyên khoa chỉ cung cấp 4 giường/1.000 cư dân. Con số này ở Hàn Quốc cao gấp ba. Tại Mỹ, khi mỗi một người dân chỉ trả có 10% chi phí khám chữa bệnh, thì người dân Trung Quốc phải trả hơn 30%.
Tại đất nước tư bản xã hội chủ nghĩa này, chăm sóc sức khỏe thuộc lãnh vực tư nhân. Khi ông Đặng Tiểu Bình mở cửa nền kinh tế đất nước, ông để cho thị trường tự quản lý rủi ro này, nhưng không làm tổn hại mấy đến các năng lực y tế khác. Với việc mức sống của người dân được nâng cao, sức khỏe của người dân Trung Quốc cũng được cải thiện và sự thay đổi đó nhìn chung đã được chấp nhận. 95% người dân Trung Quốc đều mua bảo hiểm bệnh tật ».
Vẫn theo nhà báo Dominique Baillard, ẩn sau những con số ấn tượng đó là một thực tế rất phũ phàng :
« Tùy theo vùng địa lý, quy chế xã hội, thẻ định cư, việc tiếp cận hệ thống y tế là rất bất bình đẳng. Các vùng nông thôn và những người nghèo nhất là những đối tượng kém may mắn nhất, khác xa cả về hình thức lẫn tài chính trong việc chăm sóc sức khỏe. Rồi do khan hiếm bác sĩ, thị trường lấy hẹn khám chợ đen nở rộ và hối lộ là thông lệ thường nhật mới được khám chữa bệnh.
Gần một nửa hộ gia đình bị rơi vào tình trạng nghèo khổ (44% theo số liệu chính thức) đã khuynh gia bại sản vì phải đi vay mượn để chữa bệnh. Sức khỏe đã trở thành đối tượng bị hy sinh cho công cuộc phát triển duy ý chí của đế chế Trung Hoa. Cường quốc thứ hai thế giới này chỉ dành có 5% GDP cho lĩnh vực y tế, trong khi tại Liên Hiệp Châu Âu mức trung bình là 10% ».
« Parasite » đoạt giải Oscar : Kỷ nguyên mới cho điện ảnh Hàn Quốc ?
Ngày 09/02/2020, ban tổ chức giải Oscar, giải điện ảnh danh giá nhất của M,ỹ đã có một quyết định bất ngờ khi trao giải thưởng « phim nước ngoài hay nhất » cho bộ phim « Parasite » của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho.
Vượt qua các bộ phim do những gương mặt gạo cội của làng điện ảnh Hollywood dàn dựng như « 1917 » của đạo diễn Sam Mendes, « The Irishman » của Martin Scorsese, hay như « Once Upon a Time… in Hollywood » của Quentin Tarantino, bộ phim « Parasite » của Bong Joon Ho đã gây bất ngờ khi đoạt bốn giải Oscar : Phim hay nhất, đạo diễn giỏi nhất, kịch bản phim hay nhất và phim nước ngoài hay nhất.
Vì sao việc trao giải Oscar cho « Parasite » khiến nhiều nhà phê bình phải sửng sốt ? Ông Alberic de Gouville, nhà bình luận điện ảnh của kênh truyền hình quốc tế France 24, giải thích :
« Đó thật sự là một bất ngờ lớn. Bởi vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử giải Oscar, một bộ phim được thực hiện bằng một ngôn ngữ không phải là tiếng Anh và được trao giải Oscar ‘‘phim hay nhất’’. Trước đây cũng từng có những bộ phim được nhiều đạo diễn nước ngoài dàn dựng nhưng những bộ phim đó được quay trực tiếp bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ năm 2012, đó là phim « The Artist » của đạo diễn Michel Hazanavicius. Bộ phim này cũng được trao giải Oscar, một phim của Pháp, nhưng đó lại là phim câm. Bộ phim hốt hết các giải thưởng là vì giữa những đoạn chuyển cảnh có chú thích bằng tiếng Anh, và cuối phim chỉ có hai từ : My pleasure viết bằng tiếng Anh.
Lần này, đây thật sự là lần đầu tiên một bộ phim được thực hiện hoàn toàn bằng một thứ tiếng nước ngoài, đó là tiếng Triều Tiên ».
Có thể nói, bộ phim bi hài kịch này đoạt giải Oscar đã làm nức lòng người dân Hàn Quốc khi đã lột tả và cho thế giới thấy được những hố sâu ngăn cách giữa các giai tầng xã hội Hàn Quốc. Người nghèo sống bám vào người giầu. Nhưng kẻ giầu cũng ỷ vào người nghèo. Tuy nhiên, với ông Kim Kyoungman, giám đốc đối ngoại Hội Đồng Điện Ảnh Hàn Quốc, thành công này của « Parasite » đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khởi đầu một kỷ nguyên mới cho ngành điện ảnh Hàn Quốc.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký