Covid-19: Dịch bệnh bớt hẳn, Trung Quốc khởi động lại cỗ máy kinh tế
Hôm nay, 22/03/2020, Trung Quốc cho biết là trong 24 tiếng đồng hồ vừa qua, chỉ có thêm vỏn vẹn một ca nhiễm “nội địa” trong số 46 ca nhiễm mới, chủ yếu là “ngoại nhập”. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh bắt đầu cho khởi động lại guồng máy kinh tế, tuyên bố giảm thuế để kích thích đầu tư, thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng nhằm phục hồi nền kinh tế thứ hai thế giới thứ hai, bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh bùng lên tại Vũ Hán hơn hai tháng trước đây.
Đăng ngày:
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde phân tích:
Đây là lần thứ hai trong một tuần lễ mà cơ quan kế hoạch hóa kinh tế đầy uy lực của Trung Quốc công bố các biện pháp khởi động lại nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Theo Reuters, Ủy Ban Cải Cách và Phát Triển Quốc Gia chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng các “cơ sở hạ tầng mới”, đặc biệt là các dự án “thành phố thông minh”, kèm theo việc mở rộng mạng 5G.
Đây là một cách để trấn an Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, đang lo ngại trước tình trạng suy thoái đang tiến lại gần với tốc độ cực cao và hôm thứ Ba vừa qua đã lên tiếng kêu gọi một chủ trương “dùng ngân sách để kích thích tăng trưởng một cách đồng bộ và có phối hợp ở cấp độ toàn cầu”.
Giới hoạch định chính sách tại Trung Quốc như vậy là đã trả lời sẵn sàng. Theo họ, gần 90% các dự án cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc đã được thực hiện trở lại, ngoại trừ tại tỉnh Hồ Bắc bị dịch bệnh tác hại nặng nề.
Trước mắt, Bắc Kinh đang chủ yếu dựa vào chính quyền các tỉnh, được yêu cầu hỗ trợ tiêu dùng thông qua việc phát hành các loại trái phiếu để “giúp người tiêu dùng tăng phần chi tiêu”. Điều này rất quan trọng vì doanh số bán lẻ, động lực tăng trưởng của Trung Quốc, đã giảm hơn 20% kể từ đầu năm nay.
Câu hỏi đặt ra là liệu người tiêu dùng lo sợ trước dịch bệnh, có sẽ mua sắm trở lại hay không? Một số người cho rằng biện pháp khuyến khích tiêu thụ phiếm diện ở cấp địa phương sẽ không đủ để khởi động lại cỗ máy kinh tế, nhưng một số người khác thì ngược lại chủ trương không cần đáp ứng ngay lập tức lời kêu gọi của quốc tế.
Theo ông Dư Vĩnh Định (Yu Yong Ding), cựu cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc, thì Bắc Kinh cần kiên nhẫn, không nền dùng các biện pháp “đại pháo” để cứu nền kinh tế.
Đối với chuyên gia này, trước khi đáp ứng lời kêu gọi của quốc tế, Trung Quốc trước hết cần phải đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn dịch bệnh, khôi phục hoàn toàn các nhà máy trước khi tung ra các biện pháp ngân sách và tiền tệ.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký