THÁI LAN - ĐỐI LẬP - BẮT CÓC

Một nhà đối lập Thái Lan bị bắt ở Cam Bốt : Biểu tình phản đối ở Bangkok

Ảnh nhà đối lập trẻ Thái Lan Wanchalearm Satsaksit  trong cuộc biểu tình ở Bangkok, ngày 05/06/2020.
Ảnh nhà đối lập trẻ Thái Lan Wanchalearm Satsaksit trong cuộc biểu tình ở Bangkok, ngày 05/06/2020. REUTERS - ATHIT PERAWONGMETHA

Wanchalearm Satsaksit, một nhà đấu tranh dân chủ Thái Lan, tị nạn tại Cam Bốt, đã bị một nhóm người có vũ trang bắt cóc gần nhà riêng ở Phnom Penh vào tối 04/06/2020, theo tin của tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch).

Quảng cáo

Wanchalearm Satsaksit đã phải chạy khỏi Thái Lan năm 2014, sau cuộc đảo chính của quân đội do tướng Prayut Chan-o-Cha, hiện là thủ tướng, cầm đầu. Theo thông tín viên RFI Juliette Buchez tại Phnom Penh, nhà đối lập bị Thái Lan truy nã từ năm 2018 nhưng tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Bangkok.

Tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền lo ngại cho tính mạng của nhà đấu tranh và yêu cầu mở điều tra ngay lập tức. Trong khi đó, hàng trăm người đã biểu tình tại Bangkok ngày 05/06, bất chấp tình trạng khẩn cấp chống dịch Covid-19, để đòi chính phủ giải thích.

Tường thuật từ Bangkok của thông tín viên RFI Carol Isoux :

« Gần 100 người biểu tình đã tập hợp sau khi được thông báo về vụ bắt cóc nhà đối lập trẻ, rất nổi tiếng trong giới đấu tranh.

Vụ bắt cóc không xảy ra ở Bangkok mà ở thủ đô Phnom Penh của nước láng giềng Cam Bốt, nơi ông tị nạn từ vài năm nay. Vừa rời khỏi nhà vào chiều thứ Năm 04/06, Wanchalerm, 37 tuổi, thấy một chiếc ô tô đen lao tới. Theo một số nhân chứng, nhiều người đàn ông mặc trang phục giống nhau ra khỏi xe, bóp cổ nhà đối lập rồi bắt ông vào trong xe. Từ lúc đó không còn bất kì tin tức nào về nhà đấu tranh này.

Từ hơn hai năm nay và kể từ khi quốc vương mới lên ngôi ở Thái Lan, có ít nhất 8 nhà đối lập với chế độ quân chủ đã mất tích. Họ gần như không có cơ may sống sót, theo giải thích của một nhà báo Thái Lan : “Mọi người còn nhớ các vụ tương tự xảy ra ở Lào, trong đó người ta đã tìm thấy 2 thi thể, 6 người khác mất tích. Không một ai nhìn thấy họ từ lúc đó và cũng không hề được nghe nói về họ. Có thể là người ta đã không tìm thấy thi thể của những người đó, nhưng rõ ràng là họ đã bị ám sát”.

Cách đây vài tháng, hai thi thể bị đổ xi măng lên đã được tìm thấy trên sông Mêkông. Nhiều trường hợp mất tích tương tự đã xảy ra ở Lào, Việt Nam và Cam Bốt. Chủ đề này vô cùng nhạy cảm. Đề cập những vụ mất tích như vậy trên truyền thông Thái Lan đã là tự chuốc lấy rủi ro ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế