Ấn Độ - Trung Quốc : Đụng độ quân sự hàng chục lính chết ở biên giới Himalaya
Đăng ngày:
Sáng ngày 16/06/2020, trong vùng biên giới Ladakh, trên dãy Himalaya đã xảy ra vụ đụng độ chết người giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ. Theo New Delhi, vụ chạm súng đã làm 20 lính Ấn thiệt mạng và con số thương vong của phía bên Trung Quốc có thể lên tới 43 người. Vụ nổ súng xảy ra sau những gia tăng căng thẳng giữa hai nước ở vùng biên giới trong Himalaya từ nhiều tuần nay.
Thông tín viên Come Bastin tại Ấn Độ tường trình:
Giữa đại dịch, lần đầu tiên trong vòng 45 năm qua đã xảy ra đụng độ chết người giữa hai đội quân lớn nhất châu Á đều có trang bị vũ khí hạt nhân.
Từ một tháng nay căng thẳng gia tăng xung quanh tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong vùng núi Himalaya. Các ngày 5 và 9 tháng Năm vừa rồi đã xảy ra các vụ đánh nhau bằng gậy trong một vụ quân đội Trung Quốc đi tuần trên phần đất Ấn Độ. Ngày 07/06, các cuộc đối thoại giữa quân đội hai nước đã không làm xuống thang căng thẳng.
Tại Ấn Độ, xúc động và phẫn nộ bao trùm. Một binh sĩ của Tamoul đã dự định rời quân ngũ, nay tuyên bố sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc. Thẻ #TeachLessonToChina ( Dạy cho Trung Quốc bài học) xuất hiện khắp trên Twitter. Dân mạng cũng bàn cãi về con số thương vong của đối thủ.
Khó có thể biết được điều gì đã thực sự xảy ra trong vùng đất nằm lọt bên trong mà cả hai bên vẫn tố cáo nhau xâm lấn lãnh thổ. Lãnh đạo đảng Quốc Đại, Rahul Gandhi sáng nay kêu gọi thủ tướng lên tiếng và hỏi làm sao mà Trung Quốc lại dám giết các binh sĩ Ấn trong Ấn Độ.
Như để làm rối thêm tình hình, Nepal đã công bố một bản đồ mới về lãnh thổ của mình mà chính phủ Ấn Độ phản đối. Quyết định này được xem là một tín hiệu nữa của chính sách đế quốc của Bắc Kinh, đang ngày càng có trọng lượng đối với quốc gia được coi như vùng đệm lọt giữa hai nước lớn.
Thông tin về vụ chạm súng ở biên giới với Trung Quốc phủ kín truyền thông Ấn Độ hôm nay, che khuất cả diễn biến dịch virus corona đang hoành hành dữ dội tại đất nước nam Á này. Hầu hết các báo đều bày tỏ sự phẫn nộ coi đó là hành động « khiêu khích nghiêm trọng » của Bắc Kinh. Trong khi đó, báo chí tại Trung Quốc chủ yếu đăng thông cáo của bộ Quốc Phòng nước này kêu gọi Ấn Độ kiềm chế nhưng tránh đưa chi tiết vụ việc.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký