Đối lập Miến Điện bác bỏ đàm phán với quân đội
Đăng ngày:
Nỗ lực khẳng định một chính quyền đối lập với tập đoàn quân sự tiếp tục tại Miến Điện. Theo báo chí đối lập hôm nay, 10/05/2021, « Chính phủ Đoàn kết Dân tộc » (NUG) chống chính quyền quân sự bắt đầu xây dựng một « nền giáo dục song song », chống lại ảnh hưởng của tập đoàn quân sự trong giới trẻ. Trước đó, thứ Bảy, 08/05, đối lập Miến Điện khẳng định sẽ không đàm phán với giới tướng lĩnh, nếu việc đối thoại này đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân Miến Điện.
Theo báo Irrawady, phó tổng thống « Chính phủ Đoàn kết Dân tộc » Miến Điện, ông Duwa Lashi La, người đứng đầu lực lượng đối lập, có một bài phát biểu đáng chú ý, nhấn mạnh hiện tại « con đường đàm phán được thống nhất tại hội nghị cấp cao của khối ASEAN không phải là điều mà người dân Miến Điện mong muốn ». Lãnh đạo lực lượng chống tập đoàn quân sự hoan nghênh các nỗ lực của khối ASEAN trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng Miến Điện, nhưng khẳng định ASEAN nên lắng nghe người dân Miến Điện, đồng thời nhấn mạnh là đối lập Miến Điện sẽ chỉ đàm phán với tập đoàn quân sự, khi nào dân chúng muốn.
Đây là lần thứ hai Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện từ chối đối thoại với tập đoàn quân sự, nhưng với những lời lẽ dường như kiên quyết hơn. Tuyên bố đầu tiên được thủ tướng của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc đưa ra ngày 27/04. Với NUG, tập đoàn quân sự là « thủ phạm duy nhất » của tình trạng bạo lực hiện nay. Tuyên bố của lãnh đạo NUG lần này được đưa ra cùng ngày với việc chính quyền quân sự liệt Chính phủ Đoàn kết Dân tộc và lực lượng tự vệ của đối lập (People's Defense Forces - PDF), vừa thành lập (ngày 05/05), vào diện « các tổ chức khủng bố ».
Theo Irrawady, đông đảo dân chúng tại Miến Điện thất vọng trước việc khối ASEAN không mời NUG tham gia hội nghị về Miến Điện tại Indonesia hôm 24/04. Việc các lãnh đạo ASEAN không yêu cầu trả tự do cho những người bị giam giữ cũng đã khiến nhiều người Miến Điện thất vọng, và cho rằng ASEAN không hiểu được thực chất tình hình tại Miến Điện. Rất ít người hy vọng ASEAN có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện nay.
Lực lượng chống tập đoàn quân sự nỗ lực khẳng định vị thế, trong lúc chờ đợi các điều kiện cho phép đối thoại với chính quyền quân sự. Trả lời báo Myanmar Now, ông Ja Htoi Pan, một người phụ trách Giáo Dục của NUG, cho biết lực lượng đối lập đang có kế hoạch xây dựng một hệ thống đào tạo song song, với đối tượng là các sinh viên không muốn học tại các trường do Quân Đội kiểm soát. Phương thức « đào tạo ngay tại nhà » sẽ là một trong các giải pháp thay thế chính.
Về phía quốc tế, có thêm vận động yêu cầu công nhận Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện. Hôm nay, nhiều chuyên gia hàng đầu về Miến Điện tại Pháp, trong đó có nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher, đã công bố thư ngỏ trên Le Monde, kêu gọi nước Pháp « công nhận ngay tức khắc Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện ». Hôm 08/06, theo CNBC, cựu đại sứ Mỹ tại Miến Điện, Scot Marciel, khẳng định Hoa Kỳ và Trung Quốc nên phối hợp tìm giải pháp chấm dứt bạo lực tại Miến Điện.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký