ẤN ĐỘ - COP26

COP26: Ấn Độ cam kết cắt giảm 45% khí thải trước năm 2030

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại COP26, Glasgow, Scotland, Anh quốc, ngày 01/11/2021.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại COP26, Glasgow, Scotland, Anh quốc, ngày 01/11/2021. REUTERS - POOL

Cam kết khí hậu của Ấn Độ, quốc gia phát thải thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ, rất được trông đợi. Hôm qua, 01/11/2021, trong ngày thứ hai của thượng đỉnh Khí hậu COP26 ở Glasgow, thủ tướng Ấn Độ công bố mục tiêu « trung hòa về khí thải » trước 2070, và cam kết sẽ nỗ lực gấp bội để cắt giảm 45% khí thải từ đây đến 2030, thay cho cam kết 30% trước đó.

Quảng cáo

AFP dẫn lời thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, theo đó Ấn Độ sẽ tăng công suất điện tái tạo lên 10 lần so với hiện nay, từ 50 Gigawatt (GW) lên 500 GW, và bảo đảm là đến năm 2030, 50% nhu cầu năng lượng của Ấn Độ sẽ do năng lượng tái tạo. Để đạt được các mục tiêu này, thủ tướng Ấn Độ cho biết một số biện pháp cụ thể. Mạng lưới đường sắt khổng lồ của Ấn Độ dự kiến sẽ trung hòa về khí thải vào năm 2030, cho phép giảm 60 triệu tấn khí thải/năm, chương trình bóng đèn tiết kiệm cho phép giảm 40 triệu tấn/năm. 

Theo nhiều nhà quan sát, để đạt được mục tiêu này, Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, các nước phát triển phải tôn trọng các cam kết. Từ 10 năm nay, các nước giàu cam kết đóng góp hàng năm 100 tỉ đô la (từ 2020), hỗ trợ các nước đang phát triển thành công tiến trình chuyển sang nền kinh tế xanh, nhưng cam kết nói trên còn xa mới trở thành hiện thực. Việc thất hứa của nhóm các nước giàu gây bất bình lớn, và được coi là một trong những nguyên nhân có thể làm thất bại thượng đỉnh COP26.

Sáng kiến mạng lưới truyền tải năng lượng mặt trời toàn cầu

Thủ tướng Ấn Độ công bố hôm nay kế hoạch khởi động một mạng lưới truyền tải năng lượng mặt trời toàn cầu ... Dự án này có thể giúp năng lượng mặt trời ở một quốc gia truyền sang nhiều quốc gia khác. Dự án mang tên One Sun One World One Grid (OSOWOG). Mạng lưới này sẽ được giám sát bởi Liên minh quốc tế International Solar Alliance, một tổ chức có trụ sở tại Ấn Độ.

Thông tín viên Sébastien Farcis tường trình từ New Delhi :

« Việc thu được năng lượng mặt trời có được tại một quốc gia vào ban ngày, để chuyển đến một nước khác đang là ban đêm : Đó là ý tưởng về mạng lưới điện mặt trời toàn cầu. Lợi thế đầu tiên của dự án này là cho phép nhiều quốc gia hơn được hưởng lợi từ loại năng lượng tái tạo rẻ tiền này, mà không cần phải tích trữ. Ông Ajay Mathur, giám đốc của Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế, chịu trách nhiệm khởi động dự án này, cho biết :

‘‘Chúng tôi đang nghiên cứu 4 tuyến đường truyền, giữa vùng Bắc Phi và Châu Âu, giữa Singapore và Úc, giữa khu vực Đông Á và Ấn Độ, và giữa Ấn Độ và các nước Vùng Vịnh. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi đã yêu cầu công ty điện Pháp (Electricité de France / EDF), nghiên cứu tính khả thi về mặt kỹ thuật và cho chúng tôi biết cần có những định chế điều hành nào’’. 

Những câu hỏi này thực sự sẽ rất nhạy cảm: bởi vì việc truyền tải điện trên hàng nghìn cây số có thể rất tốn kém, đặc biệt nếu nó đi qua cáp ngầm - và điều này sẽ làm cho năng lượng mặt trời trở nên kém cạnh tranh hơn. Và trên hết, các đối thủ trong khu vực có thể tạo ra những rào cản không thể vượt qua. Để kết nối Ấn Độ với Vùng Vịnh chẳng hạn, nếu chúng ta muốn tránh đi dưới biển, một đường dây truyền cáp sẽ phải vượt qua Pakistan, quốc gia vốn được coi là kẻ thù truyền kiếp của Ấn Độ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế