TRUNG QUỐC

Các nhà máy điện chạy bằng than ở Trung Quốc ngày càng gây ô nhiễm

Các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Trung Quốc ngày càng trở thành nguồn ô nhiễm độc hại, buộc chính quyền phải cho di tản dân làng chung quanh. Báo Le Monde đã nêu bật tình hình trên trong một bài phóng sự dài với ví dụ làng Shuimotou, tỉnh Sơn Tây, mà theo tờ báo ''bị tro than bao phủ''

Quảng cáo

Bài báo mô tả cảnh một bãi đất rộng lớn, hằng cây số vuông, nhìn từ xa lấp lánh dưới ánh mặt trời. Lại gần thì đây chính là bãi đổ tro của nhà máy nhiệt điện lớn trong vùng. Những gò tro nhỏ đã mọc lên trên con đường đất dẫn đến làng Shuimotou, nằm cách bãi khoảng vài trăm mét.

Phóng viên tờ Le Monde đã đến đây vào một ngày đẹp trời, và được người dân làng cho biết là khi trời quang mây tạnh thì không sao, nhưng khi có gió lớn vào mùa đông và mùa xuân, thì không thể nào chịu nổi, không thấy gì ở khoảng cách 50 mét. Tro bị gió bốc lên vbay vào mắt, vào tai, không kể là vào nhà, vào các tủ, phủ lên quần áo. Tro rất độc. Đất chung quanh làng không mang lại nguồn lợi gì nữa, trồng gì cũng không kết quả. Súc vật thường bị bệnh, bị chết, cho nên dân làng phải bán đi hết. Cả làng chỉ còn một con bò, vài con dê. Không chỉ có súc vật, một phụ nữ trong làng kể lại với nhà báo là họ bị nhiều chứng bệnh, nào là huyết áp tăng, nào bị viêm khớp v.v..Rất nhiều người bị bệnh như thế và không ai hiểu nguyên nhân.

Tuy không độc hại bằng chất thải hoá học, tro than này có tác hại không nhỏ : nó tản ra không khí, và nhất là gây ô nhiễm nguồn nước, như một báo cáo của tổ chức Greenpeace Trung Quốc đã nêu lên. Tổ chức này đã lấy mẫu thử nghiệm tại gần 14 địa điểm như ở làng Shuimotou.

Bãi tro gần làng Shuimotou đã có cách đây hơn 20 năm và cứ ngày rộng lớn hơn và ngày đầu độc vùng chung quanh.

Theo Le Monde,  dân làng đã đệ đơn lên chính quyền tỉnh. Họ được tập đoàn điện lực nhà nước State Grid Corporation of China, chủ nhân trung tâm nhiệt điện Sơn Tây đền bù 1,3 triệu nhân dân tệ mỗi năm cho mỗi hộ gia đình trong vòng năm năm, và cung cấp gạo, bột mì v.v..

Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, hơn 270 gia đình làng Shuimotou được biết là họ phải bỏ làng di dời lên thành phố Shuozou lân cận. Thông cáo di tản này được dán trên tường của làng, và giải thích mục tiêu là để cho họ có được một cuộc sống bình thường , xa các nguồn gây ô nhiễm. Tuy nhiên trả lời phóng viên Le Monde, bí thư tỉnh ủy vẫn khẳng định là việc dời dân này không có liên can gì đến ô nhiễm cả, vấn đề bãi tro phế thải theo ông là một vấn đề địa chất. Viên chức này còn giải thích là người dân làng muốn được đền bù cho nên đã viện lẽ bãi tro gây ô nhiễm tác hại đến sức khoẻ của họ, nhiều điều này không có thật.

Quỹ Tiền tệ Quốc  tế lo ngại một cuộc chiến tiền tệ

Trên bình diện kinh tế, Trung Quốc hôm nay cũng được nhắc đến. Báo giới Pháp đặc biệt chú ý đền lời cảnh báo của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss - Kahn lo ngại về ''một cuộc chiến tiền tệ '', một tít của tờ Le Monde ở trang nhất.

Trả lời tờ báo, ông Strauss Kahn thúc dục Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình thả nổi đổng nhân dân tệ, tăng giá đòng tiền của mình để tránh '' một cuộc khủng hoảng mới ''.

Những lời quy tội Bắc kinh đã khiến tờ Libération chạy một tựa hóm hỉnh, nói đến '' cái bóng của đồng nhân dân tệ hung ác '', tờ Les Echos thì ghi nhận là tuy kêu gọi như trên, nhưng Tổng giám đốc IMF tỏ ra không mấy hy vọng là sẽ có được thỏa thuận trên vấn đề ngoại tệ hiện nay.

Trong bài xã luận tờ báo cho là trước cuộc bầu cử bán nhiệm kỳ ở Mỹ, Bắc Kinh và đồng nhân dân tệ là một mục tiêu mà Mỹ dễ dàng sử dụng và châu Âu đã đi theo. Nhưng vấn đề ở đây theo tờ báo, là đồng nhân dân tệ không hoàn toàn bị đánh giá quá thấp.

Thứ hai nữa, theo Les Echos, một đồng nhân dân tệ cao hơn không thay đổi về cơ bản tình hình. Điều này đã được chứng minh trong giai đoạn 2005-2008. Đồng tiền này đã tăng giá nhưng không làm thay đổi tương quan lực lượng về sức cạnh tranh. Và Mỹ và châu Âu đã phải trả đắt hơn các mặt hàng mà công ty của họ cho sản xuất, lắp ráp tại Trung Quốc với những linh kiện đến từ khắp nơi trên thế giới.

Tổng thống Pháp công du Vatican nhằm tái chinh phục cử tri công giáo

Về tình hình nước Pháp, dĩ nhiên chuyến công du Vatican của tổng thống Nicolas được theo dõi và bình luận rộng rãi.

Tờ La Croix trong hàng tựa đầu tìm hiểu những lý do của chuyến đi. Tờ báo nhận thấy có lẽ Tổng thống Pháp hy vọng lấy lại uy tín đối với cử tri công giáo đã ủng hộ mạnh mẽ ông trong cuộc bầu cử năm 2007, nhưng đã bất bình với các chính sách của ông thời gian qua trên nhiều hồ sơ, như vấn đề trục xuất người du cư Rom.

Tờ Libération cũng đặt chuyến đi trong bối cảnh cử tri người công giáo ngày càng giữ khoảng cách với ông Sarkozy, và chạy một hàng tựa mỉa mai về dụng ý của Tổng thống Pháp : '"Ông Sarkozy đến Roma để thu về các con cừu thất lạc''.

Giải Nobel văn học 2010 Mario Vargas Llosa: Một nhà văn vĩ đại

Bên cạnh các chủ đề thời sự quan trọng về kinh tế chính trị, sự kiện được chú ý rất rộng rãi là giải Nobel Văn học được trao hôm qua cho nhà văn Tây Ban Nha gốc Peru, Mario Vargas Llosa. Báo giới Pháp nhất loạt hoang nghênh việc chọn lựa này. Le Figaro đăng ảnh to trên trang nhất, và vui mừng là giải thưởng được trao cho một nhà văn vĩ đại, "một chàng khổng lồ trong nền văn học thế giới'", rất được độc giả biết đến tại nhiều quốc gia.

Tờ báo cũng nhắc lại là từ gần 20 năm qua tên tuổi của ông luôn được nhắc đến, được xem là có triển vọng nhất được giải Nobel, rốt cuộc lại không, đến nỗi không ai còn tin tưởng nữa. Đối với Le Figaro, trao giải Nobel cho ông Vargas Llosa, Ủy ban Thụy Điển đã không phải chỉ trao thưởng cho sự nghiệp văn học của một nhà văn mà cũng cho ý tưởng và công cuộc dấn thân đãu tranh của ông. Ông Vargas Llosa, theo tờ báo, đã nhiều lần ''trực diện đối đầu với một trong những hung thần ở Châu Mỹ La Tinh : chế độ độc tài''.

Tờ Libération nhìn thấy đây là một nhà văn tài tình, có một cái nhìn thực tế cay đắng. Đối với L'Humanité, khía cạnh đáng chú ý của ông Llosa, và cũng là sợi chỉ xuyên suốt tác phẩm của ông, đó là việc truy tìm trong các nhân vật của ông phần đen tối của con quái vật tiềm ẩn trong mỗi người, như trong tập chuyện ''Los Jefes''.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế