"Đất hiếm", một thứ vũ khí mới của Bắc Kinh
Kể từ cuối tháng chín trở lại đây khi quan hệ Trung Nhật trở nên căng thẳng thì người ta thấy Trung Quốc đã tung ra một chiêu mới hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Có vẻ như thứ "vũ khí" này tỏ ra có hiệu quả ngay, khiến Tokyo phải nháo nhào đi tìm nguồn cung ứng đất hiếm mới, một nguyên vật liệu không thiếu được cho lĩnh vực công nghệ cao cấp.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Là quốc gia chiếm 95% sản lượng đất hiếm, Trung Quốc hiểu được thế mạnh có thể biến đất hiếm thành một thứ công cụ gây sức ép với bên ngoài. Trang kinh tế báo Le Figaro hôm nay chạy tựa "Trung Quốc mở cuộc chiến đất hiếm". Le Figaro nhắc lại rằng, có lần cha đẻ của công cuộc mở cửa kinh tế Trung Quốc ngày nay là Đặng Tiểu Bình đã tuyeen bố rằng nếu Trung Đông có dầu mỏ thì Trung Quốc có « đất hiếm », ý muốn nói đến tầm quan trọgn chiến lược của loại khoáng sản rất dồi dào này ở Trung Quốc.
Đất hiếm chứa tới 17 nguyên tố quan tối quan trọng có mặt trong hầu hết các sản phẩm công nghệ cao ngày nay từ chiếc máy nghe nhạc bỏ túi iPod cho đến xe hơi, tên lửa , tàu vũ trụ… Giờ đây Bắc Kinh cung cấp cho 95% nhu cầu sử dụng đất hiếm của cả thế giới. Cũng giống như dầu mỏ, các kim loại hiếm này có thể trở thành một thứ vũ khí kinh tế, mà như người ta đã thấy trong vụ xích mích giữa Nhật Bản và Trung Quốc vừa mới đây. Còn giờ đây, theo Le Figaro thì đến lượt Hoa Kỳ và thậm chí cả châu Âu nữa cũng đang bị thứ vũ khí này nhắm tới.
Tờ báo nhắc lại, khi căng thẳng ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm hồi tháng chín.Từ ngày 21 tháng chín hơn ba chục công ty của Nhật thực sự hoang mang vì bị Bắc Kinh cắt nguồn cung cấp đất hiếm. Sự việc nghiêm trọng đến mức mà Tokyo đã phải lên tiếng yêu cầu mở đàm phán chính thức giữa hai nước về vấn đề « đất hiếm ». Tác giả bài báo còn nhận thấy « cuộc chiến đất hiếm » này đã vượt ra ngoài Thái Bình Dương.
Theo báo New York Times, từ đầu tuần này để đáp trả một cuộc điều tra của Mỹ trên vấn đề trợ cấp không hợp lệ cho ngành công nghiệp xanh ở Trung Quốc, Bắc Kinh đã thắt lại xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Trong khi đó Đức cũng vội vàng đi tìm cho mình một « chiến lược cung ứng đất hiếm ». Còn Nhật Bản và Việt Nam tuyên bố từ nay đến cuối tháng muốn có được thỏa thuận về cùng khai thác loại nguyên liệu này tại Việt Nam.
Le Figaro cho rằng chuyện Trung Quốc sử dụng con bài điều tiết nguồn đất hiếm đâu có gì là mới. Từ năm 2005 Bắc Kinh đã bắt đầu giảm 10% lượng đất hiếm xuất khẩu mỗi năm. Nhưng tháng 7 vừa qua Trung Quốc đột ngột cắt giảm 72% định mức xuất khẩu cho cuối năm 2010. Quyết định này ngay lập tức đã thổi giá đất hiếm lên cao.
Về phần mình Bắc Kinh giải thích việc siết chặt cung cấp đất hiếm ra bên ngoài là nhằm mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước cũng đang rất cần đến các kim loại hiếm. Tuy nhiên theo nhận định của một doanh nhân phương tây được trích dẫn : « chắc hẳn trong việc này Bắc Kinh có ý đồ buộc các công ty đa quốc gia phải sản xuất các mặt hàng cần đến đất hiếm tại Trung Quốc. Như vậy sẽ tạo thêm công ăn việc làm góp phần tăng trưởng của Trung Quốc ».
Tại hội nghị Thượng đỉnh Châu Âu - Trung Quốc gần đây, thủ tướng Ôn Gia Bảo quả quyết với vác nước châu Âu rằng không hề có chuyện « cấm vận » hay dùng đất hiếm để bắt bí mà Trung Quốc chỉ muốn kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn tài nguyên vì lợi ích của Trung Quốc. Thế nhưng từ chuyện của Nhật Bản, cả thế giới phải suy nghĩ cách. Tokyo một mặt lên kế hoạch quốc gia tìm cách bảo đảm đa dạng hóa nguồn cung ứng và nghiên cứu các loại vật liệu thay thế. Washington thì bắt đầu tính chuyện khai thác trở lại ở trong nước. Bộ Quốc phòng Mỹ còn bỏ công nghiên cứu cả mức độ lệ thuộc quân đội của Mỹ vào đất hiếm.
Bài báo nhận xét là chính thái độ của Trung Quốc trên vấn đề đất hiếm đã tăng các dự án khai thác đất hiếm trên thế giới. Thực ra tên gọi là « đất hiếm » nhưng trên thực tế loại khoáng sản này cũng không hiếm lắm. Việc khai thác lại chủ yếu tập trung tại Trung Quốc, phần do giá thành khai thác chế biến rẻ, phần thì do các ràng buộc về mặt môi trường ở đây cũng lỏng lẻo.
Thực tế thì nhiều mỏ đất hiếm lớn đang được triển khai ở Úc, Canada và ở Hoa Kỳ. Nhiều nơi khác cũng có các mỏ có trữ lượng lớn như ở Nga, Ấn Độ, Brasil hay Mông Cổ. Nhật Bản và Hàn Quốc, tiêu thụ 1/5 sản lượng đất hiếm thế giới, giờ đây cũng đang tìm kiếm thăm dò những dự án tại Kazakhstan hay Việt Nam.
Nhưng tất cả các mỏ kể trên chỉ có thể thực sự đi vào khai thác sau năm 2014. Từ nay đến đó các nhà công nghiệp phương tây có lẽ sẽ phải đôi ba lần toát mồ hôi hột vì nhu cầu của thế giới về đất hiếm sẽ còn tăng gấp đôi trong 5 năm tới.
Dự luật cải cách hưu bổng : Thông qua nhưng chưa phải đã xong
Hôm nay, cả nước Pháp bắt đầu kỳ nghỉ lễ « Các Thánh », tối qua, Thượng viện đã bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách hưu trí. Nhưng hưu bổng vấn là đề tài nóng trên các báo Pháp ra hôm nay. Nhật báo Liberation đưa lên trang nhất hàng tựa lớn « Các vụ phong tỏa không có kỳ nghỉ ». Theo tờ báo trong khi dự luật cải cách hưu bổng đã được Thượng viện bỏ phiếu thông qua tối thứ sáu, thì việc cung cấp nhiên liệu ở các trạm xăng dầu vẫn gặp rất nhiều khó khăn và đây là lúc nhu cầu đi lại của người dân trong kỳ nghỉ lễ này rất lớn.
Bên trang trong, Libération chạy tựa « việc phong tỏa vẫn chạy tốt ». Cho dù ngày hôm qua, chính phủ đã phải dùng lực lượng giữ gìn trật tự giải tỏa một nhà máy lọc dầu lớn ở gần Paris bị người biểu tình chiếm giữ, và ban hành lệnh trưng dụng buộc công nhân trở lại làm việc và vẻ như tình trạng cạn kiệt nhiên liệu đã giảm nhiệt nhưng phong trào đình công của nhiều nhà máy lọc dầu khác vẫn tiếp tục.
L’Humanité, tờ báo cộng sản cũng muốn tin rằng « Không có nghỉ trong cuộc tranh chấp » này, tựa trang nhất của tờ báo. L’Humanité đưa ra kết qura thăm dò để chứng minh là có 69% người dân Pháp ủng hộ phong trào phản đối cải cách hưu bổng. Đồng thời tờ báo cũng nhận thấy là phong trào đang lan tỏa khắp các vùng, còn chính phủ đã mất bình tĩnh.
Theo tờ báo thì kết quả thăm dò dư luận 69% người Pháp ủng hộ tiếp tục đình công và biểu tình là một lời đáp trả mạnh mẽ với hành động của chính phủ áp đặt bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách hưu trí tại Thượng viện và dùng cảnh sát giải tỏa nhà máy lọc dầu Grandpuits bất chấp quyền đình công. Tờ báo còn đưa ra những con số để chứng minh phong trào không hề suy yếu đi, như là 52% người Pháp ủng hộ đình công trong ngành giao thông công cộng (tăng thêm 2 điểm so với ban đầu), việc phong tỏa các nhà mát lọc dầu cũng nhận được sự cảm thông của 46% người dân, cũng tăng so với trước 2 điểm. Vì thế không có chuyện nghỉ ngơi trong dịp lễ này.
Trong khi đó thì tờ báo thân hữu Le Figaro chạy tựa lớn : Đình công, biểu tình, phong tỏa « Người Pháp chán ngấy ». Tờ báo cũng đưa ra một số liệu thăm do dư luận do viện Opinion Way thực hiện riêng cho Le Figaro, cho thấy 56% người dân Pháp muốn phong trào chấm dứt sau khi dự luật được bỏ phiếu thông qua.
Theo ông François Sergent của báo Liberration thì các cuộc thăm cho thấy người dân Pháp cho là cần phải cải tiến hệ thống hưu bổng hiện nay. Điều mà những người biểu tình không chịu được đó là thái độ « giả điếc, ngoan cố của phủ tổng thống ».
Chiến dịch tư nhân hóa ồ ạt trong nền kinh tế Nga
Báo Le Monde quan tâm đến tình hình ở nước Nga qua bài báo : «Nga muốn trở thành một nền kinh tế tự do thực sự » nhân vừa mới đây Matxcova đưa ra chương trình tư nhân hóa lớn nhất kể từ khi chế độ xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ.
Tác giả bài báo viết: Thế là hết việc quốc hữu hóa tứ tung dưới thời Poutine, nước Nga đang chuyển hướng. Hôm 20 tháng mười vừa qua, chính phủ đã thông qua một chương trình tư nhân hóa rộng lớn chưa từng có kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Giới ngân hàng và công nghiệp phương tây đang theo dõi rất kỹ lưỡng tình hình tại đây. Chương trình đưa ra khá rất hấp dẫn ; 900 doanh nghiệp sẽ được tư nhân hóa từng phần, trong đó đáng chú ý là : Rosneft , tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga, Sberbank, ngân hàng lớn nhất mà trong đó nhà nước nắm 60,3%, tiếp đến ngân hàng thứ hai VTB 85% của nhà nước, tập đoàn vận tải biển Sovkomflot, tập đoàn lớn thứ hai thế giới trong lĩnh vực thủy điện Rus-Guidro, rồi đến RJD nắm giữ 85 nghìn km đường sắt của Nga. Các tập đoàn lớn nêu trên đều sẵn sàng nhượng lại từ 4 đến 50% tài sản của mình. Đây quả là một quyết định dũng cảm của nhà nước. Đến năm 2015, chính phủ có thể sẽ không còn kiểm soát được tập đoàn Rosneft nữa.
Nhưng theo phân tích của bài báo thì với việc bán ra thị trường một phần tài sản do nhà nước nắm giữ, chính phủ hy vọng từ nay đến năm 2015 sẽ thu được 42 tỷ euros, một khoản có thể bù đắp phần nào cho thâm hụt ngân sách hiện lên tới 5,3%.
Sau 10 năm tăng trưởng một cách khá dễ dàng, nước Nga cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua. Giờ đây Nga ý thức được cơ sở hạ tầng công nghiệp của mình còn lạc hậu, đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp, và nề kinh tế Nga vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu cơ bản. Hiện đại hóa hay là chết đó là khẩu hiệu cho nước Nga lúc này. Ông Igor Iourgens, giám độc Viện nghiên cứu phát triển của Nga cho biết : « Nền kinh tế của chúng tôi đang mất cân dối. Nhà nước thì có tất cả, khu vực tư nhân thì chẳng có gì. Phần kinh tế quốc doanh chiếm 50% GDP, đây là điều hiếm thấy trong một nền kinh tế tự do ». Vấn đề đầu tư nước ngoài vào Nga thấp là do các doanh nhân thường gặp phải nhiều vấn đề khi đầu tư vào Nga như : tham nhũng, cơ sở hạ tầng xuống cấp, cạnh tranh không trung thực và nguồn nhân lực khôgn được đào tạo đầy đủ.
Đây chính là điều mà hội đồng tư vấn đầu tư Nga đã rút ra trong phiên họp cách đây ít ngày. Tờ báo đưa ra nhận định rằng với việc tư nhân hóa Nga sẽ tìm được cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài.Một chuyên gia về thị trường Nga nhấn mạnh : « Tổng thống và thủ tướng Nga ý thức được không có đầu tư và kỹ năng ngoại quốc, Nga không thể vươn tới vị trí các cường quốc. Giờ đây thực sự Nga đang có quyết tâm chính trị để cải thiện bầu không khí đầu tư, văn hóa doanh nghiệp, minh bạch trong làm ăn ». Có một điều các nhà đầu tư ngần ngại nữa là liệu có gì bảo đảm để việc đầu tư của họ không bị rơi vào chung số phận của tập đoàn dầu mỏ Ioukos.
Cũng nên nhắc lại, Ioukos là tập đoàn tư nhân lớn nhất Nga cho tới khi bị Krelin « xẻ thịt » tạo lợi thế cho hai người khổng lồ ngành dầu khí của nhà nước là Rosneft và Gazprom. Ông chủ của Ioukos, Mikhail Khodorkovski đã bị kết án 8 năm tù từ năm 2005 vì gian lận tài chính, thậm chí đến giờ còn có nguy cơ bị thêm 15 năm tù vì tội danh khác. Tờ báo đặt câu hỏi, liệu Kremlin có biết được rằng vụ Ioukos là một tín hiệu đáng chú ý cho các nhà đầu tư nước ngoài ?
Tính đãng trí chết người của cựu tổng thống Clinton
Cuối cùng trở lại với báo Le Figaro trong mục « câu chuyện trong ngày » với bài : « Khi Nhà Trắng bị mất mật mã hạt nhân ». Câu chuyện tưởng như đùa này mới đây được viên tướng về hưu Hugh Shelton của Mỹ tiết lộ. Chiếc thẻ có chứa mật mã cực mật cho phép tổng thống Mỹ, khi đó là Bil Clinton, mở chiếc va-li hạt nhân khởi động cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ đã bị ông Clinton làm thất lạc. Bốn tháng sau khi người ta phải thay mã số khác thì chính tướng Hugh Shelton đã tìm thấy chiếc thẻ nằm trong chậu hoa hồng. Từ đó trở đi cách quản lý mã số hạt nhân của Mỹ cũng phải thay đổi. Thế mới biết bệnh đãng trí không phải của riêng ai.
Bài báo đưa ra một loạt các giả thuyết, nếu như vụ khủng hoảng tên lửa với Cuba diễn ra vào năm 2000 thì không biết nó đã đi tới đâu, hay nếu Bắc Triều Tiên hay Iran đã có vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm xa và họ có ý đồ sử dụng vào thời điểm đó thì tai họa sẽ khôn lường cho Nhà Trắng cho nước Mỹ.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký