THƯỢNG ĐỈNH CHÂU Á

Tham vọng lãnh thổ Trung Quốc và hối đoái sẽ là hai đề tài bao trùm

Các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông và giọng điệu cứng rắn của Bắc Kinh đang gây lo ngại cho các nước châu Á. Đây sẽ là một trong hai đề tài bao trùm hội nghị thượng đỉnh ASEAN, khai mạc thứ năm tới tại Hà Nội. Hội nghị diễn ra trong hai ngày và đến thứ bảy sẽ mở rộng thành thượng đỉnh Đông Á.

Về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, chính quyền Bắc Kinh luôn có giọng điệu cứng rắn (REUTERS / Jason Lee)
Về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, chính quyền Bắc Kinh luôn có giọng điệu cứng rắn (REUTERS / Jason Lee)
Quảng cáo

Theo nhận định của một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, các nước ASEAN nghĩ rằng trên vấn đề chủ quyền, Trung Quốc sẽ không bao giờ nhân nhượng. Cho nên, hơn bao giờ hết, khối Đông Nam Á cần những đối trọng như Mỹ và Nga để kềm chế tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.

Sự tham dự của hai ngoại trưởng Hillary Clinton và Serguei Lavrov tại cuộc họp ở Hà Nội lần này càng có ý nghĩa quan trọng, nhất là vì kể từ năm 2011, hai tổng thống Hoa Kỳ và Nga sẽ chính thức được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Đặc biệt sự can dự của Mỹ giúp ASEAN tìm ra các giải pháp đa phương cho những tranh chủ quyền mà cho tới nay, Trung Quốc chỉ muốn giải quyến trên cơ sở song phương. 

Trong bối cảnh mà tỷ giá hối đoái tăng vọt, hội nghị thượng đỉnh ASEAN cũng sẽ phải bàn cách đối phó với nguy cơ một cuộc chiến tranh tiền tệ làm mất ổn định nền kinh tế các nước châu Á. 

Trong khi Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ đồng nhân dân tệ, Nhật Bản và các nền kinh tế đang trỗi dậy của châu Á đang gặp tình trạng tỷ giá đơn vị tiền tệ của họ so với đôla tăng vọt, làm giảm đi sức cạnh tranh của xuất khẩu và khiến vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào nước họ. 

Chính các luồng vốn đầu tư này khiến cho các đồng tiền châu Á tăng giá thêm, dẫn đến tình trạng giá chứng khoán và giá địa ốc tăng cao, càng làm mọi người lo ngại lạm phát phi mã. Nguy cơ thứ hai là bong bóng đầu cơ sẽ bị vỡ, do vốn đầu tư bị rút đi một cách ào ạt giống như khi đổ vào các nước châu Á. 

Trong một báo cáo công bố vào tuần trước, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo là vấn đề này cần phải được bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN, cũng như tại cuộc họp ASEAN+6 ( Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand ). 

Theo lời ông Callum Henderson, trưởng nhóm nghiên cứu hối đoái của ngân hàng Standard Chartered, được AFP trích dẫn hôm nay, chính sách ngoại hối của Trung Quốc là rất quan trọng đối với ASEAN, vì nhiều nước ASEAN đang cạnh tranh với Trung Quốc ở các thị trường thứ ba. 

Một số nước trong ASEAN đã thi hành các biện pháp đối phó, chẳng hạn như Thái Lan, trước tình trạng đồng baht tăng giá 10% trong năm ngoái, đã chặn bớt luồng vốn đầu tư, bằng cách ra một loại thuế đối với những người ngoại quốc đầu tư vào trái phiếu. Singapore gần đây cũng đã thông báo một chính sách thắt chặt tiền tệ để giảm bớt áp lực lạm phát. 

Nhưng vấn đề là ngay trong nội bộ ASEAN nói riêng và châu Á nói chung, các nước không có cùng ưu tiên về mặt kinh tế. Một chuyên gia về mậu dịch tại trường Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, được AFP trích dẫn, cũng lưu ý rằng các nước ASEAN sẽ khó mà có một hành động phối hợp, mà thay vào đó, mỗi nước sẽ thi hành những biện pháp để bảo vệ nền kinh tế của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế