HỘI NGHỊ NAGOYA

Kế hoạch chặn đà diệt vong của các loài sinh vật

Tại Nagoya (Nhật Bản), một kế hoạch mang tính chiến lược từ đây đến năm 2020, đã được thông qua hôm qua, nhằm ngăn lại tốc độ diệt vong của các loài sinh vật trên trái đất. 193 nước tham gia, ngoài Mỹ, đã thông qua chương trình hành động nhằm tăng diện tích các khu vực được bảo vệ trên đất liền, từ 13% đến 17 % so với tổng diện tích, và từ 1% lên đến 10% diện tích biển.

Hội nghị Nagoya bế mạc sau hơn 10 ngày họp (©Reuters)
Hội nghị Nagoya bế mạc sau hơn 10 ngày họp (©Reuters)
Quảng cáo

Các nước tham gia cũng thông qua một nghị định thư, quy định cách thức chia sẻ lợi nhuận của các ngành công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm cho các nước phía Nam, nơi tồn tại các nguồn gen động, thực vật, vi sinh vật chủ yếu của hành tinh. Bên cạnh vấn đề bảo vệ một số loài động vật đang trên đà biến mất, rất được quan tâm, như : cá voi hay gấu trúc, hội nghị Nagoya đã đưa ra ánh sáng vấn đề bảo vệ các hệ sinh thái, bao gồm các yếu tố như : nước sạch, thực phẩm, sức khỏe, ...

Là nước bảo tồn đến 10% các chủng loại động vật trên thế giới, Brazil đã kiên quyết gây áp lực để một quyết định như vậy được đưa ra tại hội nghị Nagoya. Tổng thư ký của Quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF) đã ca ngợi nghị định thư Nagoya như là một « thành công mang tính lịch sử ».

Hiện tại, theo số liệu của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên (UICN), một phần ba các loài lưỡng cư, một phần năm các động vật có vú, một phần tám các loài chim đang có nguy cơ biến mất. Theo một chuyên gia Mỹ, trả lời phỏng vấn AFP, 70-80% các loài cá mà con người dùng để ăn, đang được khai thác quá mức so với khả năng sinh sản của chúng.

Chương trình hành động chiến lược đến năm 2020 không mang tính bắt buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, theo chủ tịch của Hiệp hội Conservation International, thông điệp gửi đến các nước thật rõ ràng : Cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các loài sinh vật trên trái đất. 10 tháng sau kết thúc gây thất vọng tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Copenhagen 12/2009, thành công tại Nagoya mang lại cho tiến trình thương thuyết về môi trường một sinh khí mới.

Tuy nhiên, trong hai tuần thương thuyết tại Nagoya, không hề có các cuộc biểu tình, điều này là hết sức khác với sự tham gia đông đảo của xã hội dân sự bên lề hội nghị Copenhagen. Nhiều người mong ước sẽ xuất hiện một nhân vật có tầm cỡ, đại diện cho cuộc đấu tranh bảo vệ đa dạng sinh thái, để lay động mạnh mẽ ý thức của công chúng, tương tự như cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế