CHÂU Á - VŨ KHÍ

Trung Quốc và Ấn Độ còn nhiều gian nan trong việc chế tạo máy bay tiêm kích

Triển lãm Hàng không và Không gian Quốc tế Paris Bourget đã kết thúc ngày 26/06/2011. Bên cạnh nhiều hợp đồng ký kết mua phi cơ dân dụng, có một điểm thu hút sự chú ý của giới chuyên gia quân sự : Đó là sự chậm trễ, yếu kém của Trung Quốc và Ấn Độ về công nghệ chế tạo máy bay tiêm kích. Sự hiện diện của hai cường quốc đang trỗi dậy này tại triển lãm Bourget năm nay chỉ mang tính biểu tượng.

Một chiếc máy bay tiêm kích JF-17 được trưng bày trong cuộc triển lãm hàng không IDEAS 2008 tại Pakistan
Một chiếc máy bay tiêm kích JF-17 được trưng bày trong cuộc triển lãm hàng không IDEAS 2008 tại Pakistan Paki90/Wikipedia
Quảng cáo

Trong thời gian qua, có nhiều thông tin nói về khả năng của Trung Quốc chế tạo tiêm kích JF-17. Thực ra, đây là sản phẩm của sự hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan : JF-17 là máy bay đa năng, nhẹ, có một động cơ.

Theo dự kiến ban đầu, loại máy bay này của không quân Pakistan sẽ tham gia bay trình diễn tại Bourget. Thế nhưng, đến giờ phút chót, kế hoạch này bị hủy bỏ. Cuối cùng, trong triển lãm năm nay, JF-17 chỉ hiện diện dưới dạng một mô hình trong gian hàng của Trung Quốc bên cạnh mô hình một loại máy bay hai động cơ và một loại máy bay không người lái có trang bị vũ khí, giống hệt máy bay Predator của Mỹ.

Trên mạng chuyên về hàng không FlightGlobal, lãnh đạo công ty xuất nhập khẩu hàng không dân sự và quân sự Trung Quốc – CATIC, giải thích sự vắng mặt của JF-17 tại Bourget là do tình hình mất ổn định ở Pakistan.

Một chuyên gia quân sự, xin giấu tên, cho AFP biết là JF-17 khá thô thiển, tương đối rẻ, được tranh bị động cơ Klimov RD-33 của Nga vì Trung Quốc chưa sản xuất được động cơ máy bay. JF-17 còn thua xa cả tiêm kích Mirage 2000 mà Pháp thiết kế trong những năm 1970 và không quân Pháp sử dụng từ 1984.

Để phát triển không quân, chính quyền Pakistan đã từng tìm cách hợp tác với tập đoàn Thales của Pháp trong việc chế tạo radar và với tập đoàn châu Âu MBDA để chế tạo tên lửa Mica. Tuy nhiên, có nhiều khả năng Paris sẽ phản đối việc bán các thiết bị quân sự này cho Islamabad vì lo ngại các công nghệ nhậy cảm này bị đánh cắp.

Hơn nữa, Pháp cũng đang muốn bán tiêm kích Rafale của hãng Dassault Aviation cho Ấn Độ, nước luôn luôn cảnh giác trong quan hệ với Pakistan.

Mối lo ngại của Ấn Độ lại càng gia tăng trước sự phát triển của không quân Pakistan, được Trung Quốc hỗ trợ. Không quân Trung Quốc từng gây ngạc nhiên khi cho bay thử một loại máy bay tàng hình hồi tháng Giêng năm nay.

Để đáp lại, New Delhi tìm cách chế tạo máy bay Tejas. Thế nhưng, tại triển lãm Bourget, không có gian hàng hay mô hình máy bay Tejas của Ấn Độ.

Theo một chuyên gia quân sự, Ấn Độ vất vả mất tới 20 năm để chế tạo được loại máy bay này, với tính năng thấp hơn tiêm kích Mirage F1 nhưng cao hơn Mirage 2000. Cũng giống như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn chưa hoàn thiện được công nghệ chế tạo động cơ và dường như đang tìm kiếm sự trợ giúp của phương Tây.

Trong khi chờ đợi, New Delhi đã tổ chức đấu thầu hợp đồng mua 126 tiêm kích. Có nhiều khả năng máy bay Rafale của Pháp sẽ cạnh tranh với loại tiêm kích do tập đoàn châu Âu Eurofighter chế tạo.

Giới chuyên gia quân sự nhấn mạnh, bên cạnh sự yếu kém về công nghệ động cơ máy bay, trở ngại chính đối với cả Trung Quốc và Ấn Độ trong cuộc phiêu lưu chế tạo tiêm kích là việc lắp đặt đồng bộ, tương thích hóa các thiết bị điện tử trên máy bay, như hệ thống radar, liên lạc, điều khiển tên lửa v.v.

Đây thực sự là vấn đề cốt lõi của công nghệ hàng không và không gian đương đại mà cho đến nay, mới chỉ có một số ít quốc gia làm chủ được như Hoa Kỳ, Pháp, Nga. Trong lĩnh vực này, không thể đối cháy giai đoạn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế