Miến Điện sắp bước vào một giai đoạn quyết định trong tiến trình cởi mở chính trị. Bầu cử quốc hội bổ khuyết với sự tham gia của lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi diễn ra vào chủ nhật 01/04/2012. Cuộc bầu cử này là tiếp nối của một loạt biện pháp cải cách do chính phủ Thein Sein ban hành từ tháng 03 năm 2011.Tổng cộng 160 ứng cử viên tranh 45 ghế.
Hơn 20 năm sau chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử quốc hội 1990 mà kết quả bị tập đoàn quân sự Miến Điện tước đoạt, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi trở lại chính trường. Từ một tù nhân chính trị, khôi nguyên Nobel hòa bình 1991 tìm cách chinh phục chiếc ghế dân biểu qua cuộc bầu cử bổ khuyết vào chủ nhật tới mà nếu thành công, bà sẽ giữ được vai trò quan trọng hàng đầu trong sinh hoạt chính trị Miến Điện và mở đường cho đất nước thoát khỏi cấm vận quốc tế.
Viện lẽ tình hình vùng cực bắc thiếu an ninh, chính quyền Miến Điện không tổ chức bầu cử bổ khuyết tại 3 đơn vị ở bang Kashin. Còn lại 45 ghế sẽ được 17 đảng tranh đua, nhưng giới quan sát tập trung vào đơn vị Kawhmu, ngoại ô Miến Điện, nơi bà Aung San Suu Kyi tranh cử.
Thế trận trên bàn cờ chính trị vô cùng quan trọng cho Miến Điện lẫn cộng đồng quốc tế.
Sau nhiều năm dùng biện pháp trừng phạt kinh tế chế độ quân sự không mang lại kết quả, Tây phương đã thay đổi chiến thuật. Từ khi Barack Obama vào Nhà Trắng cách nay ba năm, đối thoại đã được mở lại. Tại Miến Điện, tập đoàn quân sự được thay thế bằng một chính phủ « dân sự » mà đứng đầu là Tổng thống Thein Sein. Ông đã ban hành một loạt biện pháp cởi mở chính trị và các quyền tự do. Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ được quyền tái hoạt động, lãnh đạo Aung San Suu Kyi và nhiều thành viên được trả tự do.
Những cử chỉ cải cách của chính phủ Thein Sein được Tây phương khuyến khích và ủng hộ có điều kiện.
Trong thông điệp gửi lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi hôm thứ ba vừa qua của ngoại trưởng Pháp Alain Juppé có đoạn : « phương thức mà giai đoạn (bầu cử) này vượt qua sẽ cho thấy phía chính quyền có thực tâm đến đâu trong việc theo đuổi động lực cải cách ».
Vào năm 1990, chính quyền quân sự lúc đó cũng đã tổ chức bầu cử tự do. Nhưng sau khi Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ giành được 80% ghế dân biểu thì phe quân đội trở giọng, không bàn giao quyền hành lại cho dân sự. Chuyện tiếp theo thì ai cũng rõ : tự do bị ngăn cấm, đại học bị đóng cửa, lãnh đạo đối lập và hàng ngàn nhà tranh đấu, từ giáo sư đến tu sĩ, từ nhà báo đến sinh viên, giới bảo vệ nhân quyền hay nghệ sĩ chế riễu lãnh đạo lần lượt theo nhau vào tù.
Đến năm 2010 , dù Tây phương đã đổi chiến thuật, bà Aung San Suu Kyi còn bị quản thúc, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ tẩy chay cuộc bầu cử dàn dựng vào tháng 11.
Sau cuộc bầu cử nặng phần hình thức này, chính quyền được trao cho một nhóm tướng lãnh trẻ cởi áo nhà binh. Tuy nhiên, sau khi nắm quyền thì họ làm cho thế giới ngạc nhiên qua một loạt biện pháp cải cách .
Tổng thống Thein Sein hội kiến với lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi tại thủ đô chính trị Naypyidaw hồi tháng 8 năm ngoái và bà đã trở lại chính trường. Hàng trăm tù nhân chính trị được thả, báo chí được tự do hơn và có thể thông tin đa chiều. Hoạt động chính trị hay nhân quyền trong nước không còn bị chụp mũ « cấu kết với thế lực thù địch gây bất ổn định ».
Theo AFP, ngày nay, bà Aung San Suu Kyi trở thành « thần hộ mệnh » cho đối lập và các ứng cử viên quốc hội với « đèn xanh của … kẻ thù cũ ».
Trong những tuần qua, dáng vóc thanh nhã của người phụ nữ 66 tuổi này đến đâu là có hàng chục ngàn , hàng trăm ngàn dân chào đón.
Chuyên gia chính trị đại học HongKong Renaud Egreteau nhận định là chưa có thể nói đến « dân chủ » tại Miến Điện vào thời điểm này.
Sau 50 năm sống trong chế độ độc tài, đa số dân chúng vẫn còn sợ hãi, và trông cậy vào lãnh đạo đối lập như một phép nhiệm mầu. Bà Aung San Suu Kyi ý thức rõ là một mình bà không thể đem lại dân chủ cho Miến Điện và đã không ngừng kêu gọi dân chúng mỗi người phải đóng góp phần nhỏ nhoi của mình vào đại cuộc.
Bầu cử 01/04 chỉ mới là cuộc trắc nghiệm đầu tiên, nhưng là một cuộc trắc nghiệm quan trọng cho tương lai của Miến Điện và Đông Nam Á.
Mời quý thính giả theo dõi sau đây phần phân tích của thông tín viên Arnaud Dubus trong khu vực.
RFI : Thân chào Arnau Dubus, câu hỏi đầu tiên là giữa cuộc bầu cử bổ khuyết vào chủ nhật này với tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Miến Điện có mối liên hệ nhân quả như thế nào và quan trọng đến đâu ?
Có tất cả 48 ghế còn trống trên tổng số 600 đại biểu của quốc hội và nghị viện địa phương. Điều đó chứng tỏ rõ ràng là dù Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi có chiếm hết tất cả thì cũng không thể nào đảo ngược đa số tại quốc hội thuận lợi cho đối lập.
Tuy nhiên, cuôc bầu cử vào ngày 01 tháng tư này sẽ trắc nghiệm thực tâm cải cách của chính quyền Thein Sein. Các quốc gia Tây phương sẽ theo dõi chặt chẽ diễn tiến cuộc bỏ phiếu và kiểm phiếu. Nếu các nhà quan sát nhận thấy cuộc bầu cử này tương đối trong sạch và tự do hơn cuộc bầu cử tháng 11 năm 2010, thì Tây phương sẽ phải từng bước bãi bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Bà Cathrine Ashton , đặc trách đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu sẽ đến Miến Điện 15 ngày sau đó . Nếu bầu cử diễn ra nghiêm túc, không có gian lận thì rất có thể bà sẽ nhân dịp này thông báo giải tỏa một phần cấm vận.
RFI : Nói đến bầu cử Miến Điện, người ta không quên cuộc tuyển cử hồi tháng 11 năm 2010 đã bị quốc tế lên án là « trò hề chính trị ». Là phóng viên trong khu vực, theo anh, bầu cử lần này có thể trong sạch hay không ?
Rất có thể, nhưng bối cảnh của cuộc bầu cử lần này khác lần trước rất nhiều. Trước hết là báo chí : truyền thông Miến Điện bắt đầu được tự do hơn trước.Thêm vào đó, thì khác với cuộc bầu cử tháng 11 năm 2010, phóng viên Miến Điện và đồng nghiệp nước ngoài có quyền tự do đi lại, tự do tác nghiệp dù là ở các phòng phiếu hay ở trung tâm kiểm phiếu. Kế đến còn có nhiều quan sát viên đại diện của các đảng chính trị, của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ theo dõi từng giai đoạn một. Ngoài ra còn phải tính đến sự hiện diện của 30 quan sát viên quốc tế mà đa số đến từ Liên Hiệp Châu Âu và Đông Nam Á.
Phải nhắc lại rằng bầu cử bổ khuyết ngày 01 tháng 04 không diễn ra trên toàn lãnh thổ mà chỉ tập trung vào 48 đơn vị bầu cử. Do vậy việc kiểm soát cũng dễ dàng. Dĩ nhiên chúng ta không loại trừ những vụ bê bối rất có thể sẽ xảy ra, nhưng nếu có những sự sai trái này thì sẽ được báo cáo, được tường thuật.
Thông thường thì gian lận sẽ xảy ra trong giai đoạn kiểm phiếu như trong kỳ bầu cử tháng 11 năm 2010.
RFI : Theo thẩm định của giới quan sát thì chắc chắn bà Aung San Suu Kyi và nhiều thành viên đối lập sẽ đắc cử dân biểu quốc hội. Bằng cách nào để sự hiện dienej của bà trong nghị trường có thể có ảnh hưởng tác động đến đời sống chính trị
Do được dân chúng trong nước và công luận ngoài nước thương yêu tin tưởng, vai trò của bà Aung San Suu Kyi sẽ không giới hạn trong phạm vi đơn thuần của một dân biểu đối lập. Như chúng ta đã thấy trong quá trình vận động tranh cử, bà là nhân vật lịch sử trong chế độ quân phiệt. Phóng viên Miến Điện từ đây có thể theo dõi tường thuật sinh hoạt tại quốc hội. Do vậy, mỗi lần lãnh đạo đối lập đưa ra một lập trường, một quan điểm thì những lời tuyên bố của bà sẽ được truyền thông loan tải rộng rãi. Điều này càng có tầm quan trọng hơn trong bối cảnh nhiều dự luật « nhạy cảm » sắp được đưa ra thảo luận tại quốc hội mà điển hình là dự luật phát triển truyền thông báo chí.
RFI : Bước đầu của tiến trình đổi mới này xảy đến sau 50 năm chế độ độc độc tài quân phiệt. Công luận nên vui mừng hay thận trọng trước tình thế mà giới quan sát gọi là « sự chuyển động của dân chủ ».
Đúng vậy, chúng ta phải thận trọng và không nên lạc quan hưng phấn một cách vội vã. Cho đến nay, đúng là có nhiều thay đổi tại Miến Điện nhưng khung hiến định qua bản hiến pháp 2008 vẫn còn hiệu lực. Phe quân đội vẫn chiếm một phần tư số ghế quốc hội, họ kiểm soát ngân sách quốc gia và hiện diện áp đảo trên toàn bộ cơ chế chế chính trị. Thực tế là quân đội thi hành triệt để cái gọi là « lộ đồ dân chủ hóa » do chính họ ban hành năm 2003.
RFI : Câu hỏi cuối cùng liên quan đến hệ quả của cuộc bầu cử này, theo anh, nếu mọi việc tốt đẹp như lời hứa của chính phủ Miến Điện thì tác động của nó đối với Asean ra sao ?
Hệ quả đầu tiên là Miến Điện sẽ chinh phục được niềm tin và có thể đảm nhận vai trò chủ tịch hiệp hội Asean năm 2014 trong điều kiện tốt đẹp. Cuộc bầu cử lần này sẽ giúp cho chính quyền quen với cách tiếp đón phóng viên nước ngoài đến hoạt động một cách tự do hơn. Chính phủ có thoải mái hơn khi phải mở cửa cho hàng trăm nhà báo quốc tế theo dõi Thượng đỉnh Asean do Miến Điện chủ tọa trong hai năm tới đây.
Một hệ quả khác liên quan đến tương lai của những chế độ độc đoán khu vực như Lào và Việt Nam cũng rất quan trọng. Cho đến nay, Miến Điện vẫn bị xem là « con chiên ghẻ » trong hiệp hội Asean. Nhưng Miến Điện có thể tạo được uy tín là quốc gia đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải cách dân chủ hơn hai nước cộng sản kia. Áp lực buộc Việt Nam và Lào phải cải cách hệ thống chính trị sẽ mạnh hơn.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký