MIẾN ĐIỆN

Dân Rohingya: Miến Điện mời Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đến tìm hiểu 'sự thật'

Tờ báo chính thức của Miến Điện, New Light of Myanmar hôm nay 10/08/2012 cho biết, Tổng thống Thein Sein đã ngỏ lời mời Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) - người vừa tố cáo nạn « thanh lọc chủng tộc » đối với người thiểu số Hồi giáo Rohingya - đến Miến Điện để thấy được « sự thật ».

Cảnh bạo động ở bang Rakhine, làm khoảng 80 người chết trong tháng Sáu 2012. Ảnh chụp ngày 10/06/2012
Cảnh bạo động ở bang Rakhine, làm khoảng 80 người chết trong tháng Sáu 2012. Ảnh chụp ngày 10/06/2012 REUTERS/Staff
Quảng cáo

Các cuộc bạo động giữa người Phật giáo vào Hồi giáo hồi tháng Sáu tại bang Rakhine đã làm cho khoảng 80 người chết, theo số liệu chính thức. Chủ nhật 5/8 vừa rồi lại có thêm bảy người khác thiệt mạng do bạo động, theo chính quyền bang này.

Tuy nhiên các tổ chức bảo vệ nhân quyền lên án lực lượng an ninh Miến Điện đã lạm dụng quyền lực, trước và sau các cuộc bạo động sắc tộc, đặc biệt là để trấn áp người Rohingya ; và cho rằng con số nạn nhân thực sự lớn hơn nhiều. Liên Hiệp Quốc cũng lo ngại cộng đồng người Hồi giáo bị đàn áp.

Đầu tháng Tám, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) Ekmeleddin Ihsanoglu đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra Hồi giáo, tố cáo các vụ « thảm sát », « áp bức », « thanh lọc chủng tộc đối với người Hồi giáo Rohingya ».

Chính phủ Miến Điện đã « cực lực » bác bỏ những lời lên án trên đây, cam đoan rằng đã « kìm chế tối đa ». Tổng thống Thein Sein khẳng định « chỉ có 77 người chết » do bạo động. Trong cuộc gặp gỡ Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm qua, ông Thein Sein nhấn mạnh là các sự kiện này « không liên quan gì đến vấn đề tín ngưỡng hay sắc tộc ».

Khoảng 800.000 người Rohingya, được Liên Hiệp Quốc xem là một trong những sắc dân thiểu số bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới, hiện đang sống tại bang Rakhine. Họ không nằm trong số các nhóm thiểu số được chính quyền Naypyidaw công nhận. Nhiều người Miến Điện vẫn coi người Rohingya là người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp, và không che giấu sự thù địch đối với họ.

Vào giữa tháng Bảy, Tổng thống Thein Sein cho rằng giải pháp duy nhất cho tương lai người Rohingya là tập trung vào các trại tị nạn, hay trục xuất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế