Trung Quốc dựng tượng nhà cải cách Hồ Diệu Bang
Báo chí Trung Quốc số ra ngày 07/01/2013 cho biết, thành phố duyên hải Đài Châu (Taizhou) - tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, đã dựng một bức tượng của cố tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Hồ Diệu Bang, người được coi là có tư tưởng cải cách.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Hồ Diệu Bang là lãnh đạo số một của đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1980 đến 1987. Sau đó, ông bị Đặng Tiểu Bình gạt khỏi bộ máy lãnh đạo vì đã tỏ ra khoan dung đối với những cuộc biểu tình của sinh viên vào mùa đông năm 1986-1987.
Hai năm sau, vào tháng Tư năm 1989, Hồ Diệu Bang qua đời. Nhân sự kiện này, giới trẻ Trung Quốc đã dấy lên một phong trào đấu tranh đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn, ở Bắc Kinh. Phong trào đã bị trấn áp và dìm trong biển máu, ngày 04/06/1989.
Theo tờ Trung Quốc Thanh Niên Báo (Zhongguo Qingnian Bao), việc dựng tuợng Hồ Diệu Bang tại thành phố Đài Châu nhằm tưởng nhớ công lao của ông trong việc phát triển kinh tế đảo Đại Trần (Dachen) năm 1956, khi ông là lãnh đạo Liên đoàn Thanh niên của đảng Cộng sản tại đây.
Năm 1985, khi làm tổng bí thư đảng Cộng sản, ông Hồ Diệu Bang có quay trở lại nơi thành phố Đài Châu, nhưng tờ báo không bình luận gì thêm về ý nghĩa chính trị của sự kiện này.
Tuy vậy, theo giới quan sát, Hồ Diệu Bang vẫn được đánh giá là một trong những lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc mong muốn tiến hành cải tổ chính trị và từ năm 1989 đến nay, tiến trình này đã bị chặn lại.
Nhà phân tích chính trị Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng), thuộc đại học Trung Hoa ở Hồng Kông nhấn mạnh là những người này nhắc đến Hồ Diệu Bang trong khuôn khổ chiến dịch vận động tiến hành cải cách.
Việc Trung Quốc có ban lãnh đạo mới và ông Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư Đảng, tạo ra nhiều hy vọng là sẽ có những cải cách mạnh mẽ về chính trị tại Trung Quốc.
Trong thời gian qua, nhiều kiến nghị, thư ngỏ được gửi đến giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, kêu gọi chính quyền tôn trọng các quyền cơ bản được bảo đảm trong bởi Hiến pháp năm 1982, như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, biểu tình. Điều đáng chú ý là những lời kêu gọi này không bị chính quyền trấn áp như trước đây.
Chuyên gia Trịnh Vũ Thạc tỏ ra thận trọng. Theo ông, có thể chính quyền Bắc Kinh cho phép dựng tượng Hồ Diệu Bang để tránh gây ra những tranh cãi và thể hiện một sự khoan dung nào đó. Nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là có một sự thay đổi trong đánh giá về quá khứ, cụ thể là Bắc Kinh không thay đổi quan điểm về vụ đàn áp phong trào Thiên An Môn, năm 1989.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký