Thủ tướng Nhật thông báo ý định sửa đổi Hiến pháp hiếu hòa
Như đã hứa trong chiến dịch tranh cử, hôm nay 31/01/2013, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người được cho là bảo thủ, đã thông báo ông mong muốn sửa đổi lại bản Hiến pháp hiếu hòa được sọan thảo sau khi kết thúc thế chiến thứ 2. Đề xuất này khó có thể tìm được sự đồng thuận hoàn toàn bởi những lo ngại gây thêm căng thẳng với các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đăng ngày:
Trước khi trở lại nắm quyền, ông Shinzo Abe vẫn nổi tiếng là một nhân vật cứng rắn trong chính sách đối ngoại. Mặc dù trong bối cảnh cần phải ưu tiên vực dậy nền kinh tế, thủ tướng Nhật không quên khơi dậy tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.
Trước Quốc hội ngày hôm nay, ông Abe đã cho biết dự định sửa đổi lại bản Hiến pháp của nước Nhật, được sọan ra dưới sự áp đặt của Hoa Kỳ sau khi quân Nhật thất trận năm 1945. Không chỉ cụ thể muốn sửa đổi nội dung nào nhưng mọi người đều hiểu ông Abe muốn nhắm tới điều 9 của Hiến pháp quy định nước Nhật không bao giờ được quyền tham chiến mà chỉ được phép tự vệ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật nói ông muốn thay đổi điều 96, điều khoản quy định mọi tu chính khác của Hiến pháp do người Mỹ áp đặt và có hiệu lực từ năm 1947. Theo các chuyên gia tại Nhật Bản thì đây là một bước đi dần dần để tiến tới thay đổi nội dung của điều 9 nói trên. Thủ tục sử đổi Hiến Pháp ở Nhật không mấy dễ dàng vì mọi đề nghị tu chính hiến pháp đều phải do hai viện Quốc hội đưa ra dựa trên ít nhất 2 phần 3 phiếu thuận của thành viên Thượng và Hạ viện.
Thực tế hiện nay đảng Tư do Dân chủ (PLD) cầm quyền và liên minh có nắm đa số ở Hạ viện nhưng Thượng viên thì họ lại không có được ưu thế này. Các sửa đổi Hiến pháp sau đó phải được thông qua trưng cầu dân ý. Theo các thăm dò dư luận không có gì bảo đảm người dân Nhật ngày nay có thể dễ dàng từ bỏ tinh thần hiếu hòa của bản Hiến pháp hiện hành.
Dù kết quả cuối cùng ra sao thì đề xuất của Thủ tướng Shinzo Abe cũng có được một ý nghĩa biểu tượng cao, nhất là vào thời điểm quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đang căng thẳng vì tranh chấp biển đảo, đồng thời Trung Quốc vẫn không quên nhắc lại quá khứ quân phiệt của Nhật như là món nợ với các nước láng giềng.
Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Shinzo Abe đã không ít lần nói đến việc phải định nghĩa lại khái niệm « lực lượng phòng vệ », tên gọi chính thức và cũng là hàm ý giới hạn hành động của quân đội Nhật.
Trong một động thái khác, ngày 29/1 vừa rồi chính phủ Nhật đã thông qua ngân sách quốc phòng trong năm 2013-2014 lên gần 50 tỷ đô la, điều chưa từng có trong hơn một thập kỷ qua.
Chính ông Shinzo Abe là người khi là thủ tướng năm 2007 đã đưa ra sáng kiến chuyển tên gọi « Cơ quan Quốc phòng » thành « Bộ Quốc phòng ». Lần này ông hứa sẽ đổi tên « Lực lượgn phòng vệ » thành « Quân đội quốc gia ».
Với Trung Quốc, ông Abe không ngần ngại tuyên bố « việc gia tăng sức mạnh quân sự không minh bạch và các họat động của hải quân Trung Quốc là mối quan ngại cho tòan bộ khu vực, trong đó có nước Nhật ».
Để « kiềm chế » Trung Quốc, bên cạnh đồng minh thân hữu Hoa Kỳ, ông Shinzo Abe chủ trương tăng cường quan hệ với các nước như Úc và Asean. Chuyến công du Đông Nam Á mở đầu nhiệm kỳ cầm quyền của ông là một minh chứng.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký