Toà án Khmer Đỏ : Thêm một thẩm phán quốc tế từ chức
Số phận Tòa án Liên Hiệp Quốc nhằm xét xử tội ác diệt chủng Khmer Đỏ tại Cam Bốt quả thật rất long đong. Không chỉ bị cảnh thiếu tiền, nhân viên đình công, định chế này gần đây còn bị một loạt những vụ thẩm phán quốc tế từ chức khuấy động. Vào hôm nay, 09/09/2013, đến lượt một thẩm phán công tố then chốt người Anh bất ngờ xin từ nhiệm.
Đăng ngày:
Từ Phnom Penh, Thông tín viên Phạm Phan giải thích :
« Ông Andrew Cayley, công tố viên chính yếu của Tòa án Xét xử Tội ác Diệt chủng, hôm nay tuyên bố trước báo giới là ông từ chức vì lý do cá nhân. Như để biện minh cho công luận thấy rằng không phải ông chán nản trước một Tòa Án đang lâm vào cảnh bế tắc, công tố viên Andrew Cayley nhấn mạnh việc ông đột ngột rời bỏ khỏi công việc hiện nay không có liên hệ gì đến vấn đề đình công hay thiếu hụt tài chính của tòa.
Công tố viên Andrew, một người mang quốc tịch Anh, đến Cam Bốt nhận nhiệm vụ công tố viên từ tháng 12 năm 2009. Trong 2 năm qua, đã có 3 luật sư và hai thẩm phán quốc tế từ chức khi Tòa án ngày càng bị chính quyền can thiệp chính trị, và bị vấn đề thiếu hụt tài chính cứ đeo theo từ lúc thành lập vào năm 2006 cho đến nay.
Thời gian gần đây, dù tình hình chính trị sau bầu cử đã lấn áp mọi diễn biến quan trọng bên trong Cam Bốt, nhưng các tin tức liên hệ đến hoạt động của Tòa án Xét xử Tội ác Diệt chủng cũng phơi bày ra nét tiêu cực. Cuộc đình công của 250 nhân viên người Cam Bốt của Tòa đã bước qua tuần thứ hai vì họ không được trả lương từ hồi tháng 6.
Trên nguyên tắc hoạt động, các nhân viên quốc tế thì được Liên Hiệp Quốc trả lương, còn các nhân viên Cam Bốt thì được chính quyền trả lương. Tuy nhiên, chính quyền Cam Bốt đã ngưng đóng góp cho Tòa Án theo thỏa thuận trước đây.
Chính quyền Cam Bốt hiện nay đang quá bận tâm để tìm cách giải quyết sự bất đồng với đảng đối lập đang ngày càng lớn thêm sau bầu cử, cho nên họ không chú ý đến hoạt động của Tòa.
Tình hình tài chính của Tòa án đang lâm nguy. Hồi tháng rồi, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi các nước hảo tâm nên tiếp tục đóng góp vào ngân quỹ của Tòa, vì sự tồn tại của Tòa đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Úc, nước có đóng góp nhiều cho Tòa án Xét xử Tội ác Diệt chủng, mới đây cũng nói họ chưa sẳn sàng đóng góp thêm.
Các nước hảo tâm thì lại không lạc quan về tiến trình xét xử, bi họ cho là chậm chạp, lại còn bị chi phối nặng nề bởi chính quyền Cam Bốt mà trong đó có nhiều viên chức cao cấp của Khmer Đỏ tham gia. Và 7 năm qua, tốn hàng chục triệu Mỹ Kim mà chỉ truy tố có mỗi một thủ phạm là Duch. »
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký