Tạp chí kinh tế

Châu Âu lo ngại kịch bản giảm phát kiểu Nhật Bản

Đăng ngày:

Ngày 07/11/2013 Ngân hàng Trung ương Châu Âu – BCE bất ngờ hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu hoạt động. Quyết định trên làm dấy lên nhiều hy vọng và lo âu. Tránh cho khu vực đồng euro bị giảm phát tương tự như trường hợp của Nhật Bản là động cơ đã thúc đẩy BCE can thiệp.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi trong cuộc họp báo hàng tháng tại trụ sở ở Frankfurt, 07/11/2013
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi trong cuộc họp báo hàng tháng tại trụ sở ở Frankfurt, 07/11/2013 REUTERS/Ralph Orlowski
Quảng cáo

Vì sao Ngân hàng Trung ương Châu Âu lại bất ngờ hạ lãi suất cơ bản ? Và đâu là những tác động với việc BCE điều chỉnh lãi suất cơ bản nói trên.

Tuần trước, trái với mọi dự báo, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi thông báo hạ lãi suất cơ bản 25 điểm, đang từ 0,5 % xuống còn 0,25 %. Đây là mức thấp chưa từng thấy. Biện pháp này chính thức có hiệu lực vào tháng 12/2013 và sẽ được duy trì ít nhất là cho đến đầu tháng 6/2014. Cùng lúc BCE thông báo lãi suất liên ngân hàng cũng sẽ được giảm, từ 1 % xuống còn 0,75 %.

Sau quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đồng euro giảm giá so với các đơn vị tiền tệ quốc tế khác, đứng đầu là đô la và yen. Đây là điều dễ hiểu, khi các nhà đầu tư đang để tiền tại Châu Âu trông thấy lợi nhuận của họ bị giảm đi vì lãi suất ngân hàng bị hạ xuống. Do đó, họ đã « chuyển hướng », tức là bán các sản phẩm tài chính bằng euro để mua vào cổ phiếu của Mỹ, hay Nhật Bản.

Về câu hỏi vì sao Ngân hàng Trung ương Châu Âu lại bất ngờ hạ lãi suất, lý do đầu tiên được nêu lên là khu vực sử dụng đồng euro đang bị đe dọa giảm phát, Chuyên gia kinh tế Pascal de Lima, giảng dậy tại trường Khoa học Chính trị Paris và cũng là người đứng đầu cơ quan tư vấn EcoCell trả lời như sau, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Pháp ngữ RFI :

« Vấn đề hiện tại khu vực đồng euro phải đối mặt là hiện tượng giảm phát. Đây là một điều không hay, bởi vì hiện tượng này về lâu dài sẽ đẩy lương tháng của người lao động xuống thấp. Chính vì vậy Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã phải can thiệp. BCE đã hạ lãi suất chỉ đạo để kích cầu, để thúc đẩy đầu tư. Như chúng ta đã biết, chỉ số giá cả trong khu vực đồng euro hiện nay đang ở mức chưa đầy 1 %, tức là thấp hơn nhiều so với ngưỡng 2 % đã được Ngân hàng Trung ương Châu Âu đề ra. Điều đó có nghĩa là Châu Âu thực sự bị đe dọa giảm phát ».

Bản thân Thống đốc ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi nhìn nhận là lạm phát trong khu vực đồng euro về lâu dài sẽ rất thấp. Đây là tín hiệu báo trước sự phục hồi kinh tế của eurozone còn xa vời và đe dọa giảm phát ngày càng rõ nét.

Đe dọa giảm phát

Chỉ giá tiêu dùng trong khu vực đồng euro đã rơi xuống mức thấp nhất từ bốn năm nay. Hiện tượng giảm phát ngày càng đe dọa đến nhiều nước thành viên đang bị nợ nần chồng chất. Trong ba tháng gần đây nhất, lạm phát tại các quốc gia thành viên từ Ý đến Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha Hy Lạp, Chypre hay Ai Len đều đã giảm mạnh, cho dù các quốc gia đó liên tục tăng thuế để cân bằng hóa ngân sách Nhà nước.

Tại Đức, tỷ lệ lạm phát không vượt quá 1,4 % và đây là mức thấp nhất trong ba năm qua. Theo thống kê Châu Âu Eurostat vừa công bố ngày 31/10/2013, chỉ giá tiêu dùng trong toàn khối euro tháng 10/2013 chỉ tăng 0,7 %. So với cùng thời kỳ năm ngoái, thì chỉ số đó đã tăng 2,5 %. Vật giá đã bị chựng lại ở nhiều nơi : Lạm phát tại Tây Ban Nha chỉ là 0,5 %, ở Bồ Đào Nha là 0,3 % tại Ai Len là 0 % và chỉ giá tiêu dùng ở Hy Lạp đã giảm đi đến 1 %.

Đứng ngoài khối euro, một số quốc gia như Ba Lan, Roumani hay Hungary cùng chung số phận. Theo phân tích của một chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Pháp, Société Générale, chỉ cần kinh tế Châu Âu bị chựng lại vì một lý do nào đó là toàn khối có thể bị đẩy vào tình trạng giảm phát. Một chuyên gia khác không ngần ngại cho rằng, nếu như Ngân hàng Trung ương Châu Âu BCE còn chần chừ thì Ý và Tây Ban Nha sẽ lâm nạn đầu tiên. Do giảm phát sẽ lại càng đẩy khối nợ công của hai quốc gia này lên cao chót vót. Kinh tế thì suy sụp và tỷ lệ thất nghiệp –vốn đã là gần 25 % tại Tây Ban Nha- sẽ lại càng tăng thêm nữa.

Một trong những lý do giải thích cho hiện tượng này là đồng euro đang quá mạnh so với đô la, khiến nguyên vật liệu, năng lượng, nhu yếu phẩm … nhập vào khu vực đồng euro giảm giá. Nhưng đấy không phải là lý do duy nhất. Nhiều người cho rằng, chính sách thắt lưng buộc bụng của Châu Âu là nguyên nhân đem lại giảm phát : Khi mà đồng lương của người dân tại những quốc gia đang lâm nạn giảm đi từ 20 đến 40 % thì làm sao họ có khả năng tiêu xài, mua sắm hay đầu tư ?

Vì sao giảm phát đáng sợ ?

Trước hết, giảm phát là hiện tượng khi vật giá không tăng mà còn giảm. Thí dụ như tháng này, bạn mua một chiếc tủ với giá 100 euro, nhưng cũng chiếc tủ đó bước qua tháng sau chỉ còn 95 euro chẳng hạn. Thoạt nhìn, hiện tượng này có lợi cho người tiêu dùng và giảm phát cũng có nghĩa là càng hoãn kế hoạch mua sắm ta lại càng có lời. Nhưng về lâu dài, hiện tượng giảm phát « ngấm » vào toàn bộ nền kinh tế như một thứ thuốc độc : Khi nguời tiêu dùng tin tưởng rằng càng dời lại các dự án mua sắm, họ càng có lợi, thì doanh nghiệp không có đơn đặt hàng hay lâm vào cảnh phải giải quyết hàng tồn kho. Không có đơn đặt hàng, không có khách mua, thì các đơn vị sản xuất phải cho nhân viên nghỉ việc và đồng thời họ cũng dời lại các dự án đầu tư. Điều đó có nghĩa là dù lãi suất tín dụng có thấp – tới đâu đi chăng nữa, cũng chẳng doanh nghiệp nào dám vay mượn tiền bạc để khuếch trương cơ sở làm ăn.

Khi các doanh nghiệp không đầu tư và sa thải nhân viên thì tiêu dùng lại càng tuột dốc. Không một nền kinh tế nào kỳ vọng tăng trưởng trong những điều kiện đó. Như vậy cái vòng luẩn quẩn cứ kéo dài triền miên. Đấy là điều đã xảy tới với trường hợp của Nhật Bản và nước này đã chi ra không biết bao nhiêu tiền của trong gần hai chục năm để khắc phục hậu quả. Nhưng trước mắt, vẫn còn quá sớm để Tokyo dám khẳng định là chính sách tiền tệ đã cho phép nền kinh tế thứ ba trên thế giới thoát khỏi giai đoạn giảm phát.

Đối với Châu Âu, nếu như kịch bản giảm phát xẩy ra thì tác hại còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với những gì mà Nhật Bản đã phải hứng chịu. Bởi thứ nhất, Châu Âu không có khả năng tiết kiệm dồi dào như Nhật Bản. Chính vì không thể tự túc về mặt tài chính, nhiều thành viên Châu Âu lại càng phải đi vay với giá đắt. Tức là bao nhiêu của cải làm ra, may lắm thì mới vừa đủ để thanh toán nợ ngân hàng. Thứ hai, giảm phát càng nghiêm trọng chừng nào thì tài sản thực thụ của Châu Âu càng giảm đi chừng đó. Điều này cũng có nghĩa là Châu Âu sẽ phải đi vay với lãi suất càng cao. Một cách dễ hiểu hơn, theo thẩm định của ngân hàng Pháp Natixis, nếu như trong trường hợp bị giảm phát, thì một quốc gia như Ý – nền kinh tế lớn thứ ba của khối euro- sẽ phải bảo đảm có được một tỷ lệ tăng trưởng 7 % thì mới duy trì được lãi suất đi vay nước ngoài như hiện tại. Mục tiêu tăng trưởng 7 % đối với cả một nền kinh tế vững mạnh như Đức đã là điều không tưởng. Đừng nói chi đến trường hợp của Ý !

Chuyên gia Hans Redeker thuộc ngân hàng Morgan Stanley nhắc lại, giảm phát sẽ kéo lãi suất ngân hàng thực sự đi lên. Khi đó thì tư nhân và các doanh nghiệp lại càng ngần ngại khi đi vay tín dụng ngân hàng. Liên Hiệp Châu Âu và nhất là các doanh nghiệp trong khối euro không muốn rơi vào cảnh như Nhật Bản trong gần 20 năm qua.

Ghìm giá đồng euro để thúc đẩy xuất khẩu

Động cơ thứ nhì đã khiến Ngân hàng Trung ương Châu Âu can thiệp là tìm cách làm hạ nhiệt đồng euro so với đô la để kích thích xuất khẩu. Ngay sau quyết định hạ lãi suất của BCE, đồng euro đã giảm giá so với đô la và rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9 tới nay.

Gần đây Bộ trưởng Kinh tế Pháp Pierre Moscovici đã nhắc lại là đối với tập đoàn trang thiết bị quân sự và điện tử EADS của Châu Âu thì chỉ cần đồng euro giảm giá 10 xu so với đô la, doanh thu của EADS sẽ tăng thêm 1 tỷ euro. Về phần mình, ông Arnaud Montebourg, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp cũng nêu ra những con số cụ thể : Nếu đồng euro tăng giá 10 % so với đô la, nước Pháp sẽ mất đi khoảng 150 000 chỗ làm. Tất cả các chuyên gia đều cho rằng, việc BCE hạ lãi suất sẽ giúp cho khu vực đồng euro tạo thêm công việc làm. Tuy nhiên, tác động này chỉ thực sự được cảm nhận thấy trên thực tế trong từ sáu đến chín tháng nữa. Điều đó có nghĩa là thất nghiệp tại Châu Âu vẫn còn tiếp tục gia tăng, ít nhất là cho đến hết mùa hè sang năm.

Nhưng dù sao thì trễ cũng còn hơn không, vì tỷ lệ thấp nghiệp ở Châu Âu hiện nay đã lên tới mức báo động. Hơn một phần tư dân số Tây Ban Nha và Hy Lạp không có việc làm.

Hiệu quả

Trở lại với câu hỏi việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu hạ lãi suất sẽ đem lại những tác động nào đối với hoạt động kinh tế của khu vực đồng euro, chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan tham vấn Ecocell, Pascal de Lima, trả lời :

« Có hai hậu quả chính. Thứ nhất là vấn đề tiền mặt : Việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu hạ lãi suất chỉ đạo cho phép tất cả mọi người đi vay tín dụng với giá rẻ hơn. Qua đó tạo thuận lợi cho tiêu thụ và đầu tư. Ở đây, tôi muốn nói đến các khoản đầu tư vào khu vực sản xuất cũng như vào các sản phẩm tài chính. Tác động thứ nhì là các thị trường tài chính sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để mua lại các cổ phần và công trái phiếu. Điều đó có nghĩa là các thị trường tài chính sẽ tăng giá trong những tháng tới. Bên cạnh đó, lãi suất cấp tín dụng của các ngân hàng cho tư nhân trong tương lai gần cũng sẽ giảm đi. Đây sẽ là đòn bẩy đối với tiêu thụ ».

Về hiệu quả của biện pháp nói trên, giới quan sát cho rằng, bình thường ra, hạ lãi suất ngân hàng là biện pháp kích cầu thích hợp, có cho phép kích thích tiêu thụ và đầu tư. Đó là hai cột trụ tạo ra tăng trưởng. Trong mắt các nhà tài chính, quyết định hạ lãi suất của BCE có triển vọng kích thích thị trường địa ốc vốn đang uể oải.

Dù vậy, nếu như toàn cảnh kinh tế chung vẫn ảm đạm, thì lãi suất có thấp, tư nhân và doanh nghiệp vẫn không đi vay thêm để mua sắm hay đầu tư.

Thống đốc Mario Draghi khẳng định, kích cầu và tiếp sức cho các thị trường tài chính không phải là vai trò của BCE nhưng các sàn chứng khoán Châu Âu chính đã tăng giá sau khi BCE hạ lãi suất. Bởi đây là một tín hiệu cho thấy, cuối cùng, Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng đã quan tâm đến những thành viên yếu kém nhất, hạ lãi suất để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư tại những nước đang gặp khó khăn. Ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF cũng hoan nghênh quyết định của BCE.

Về vai trò của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, chuyên gia de Lima giải thích thêm:

« Vai trò và trách nhiệm của Ngân hàng Trung ương Châu Âu là gì ? Thứ nhất là quản lý khối dự trữ của ngành ngân hàng và thứ hai là kiểm soát lạm phát bằng công cụ tiền tệ. Đó là điều mà cơ quan tài chính này đã làm.

Tuy nhiên một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu khác của BCE là duy trì ổn định trên các thị trường tài chính. Điều đó có nghĩa là bảo đảm cho khu vực không bị thiếu hụt tiền mặt. Ở đây tôi cũng xin lưu ý về một trở ngại lớn trong chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu : Một mặt thì định chế tài chính này hạ lãi suất để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư, nhưng mặt khác, hiện nay, nhiều thành viên trong khối euro đang bị nợ chồng chất và phải từng bước giảm bớt nợ công. Cho nên, BCE phải khuyến khích nhiều thành viên và các doanh nghiệp tư nhân trong khối giải quyết bớt nợ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác