NGA - TRUNG QUỐC - QUÂN SỰ

"Đôi bên cùng có lợi": Chuẩn mực mới trong hợp tác quân sự Nga-Trung

Vài ngày sau khi cuộc tập trận thường niên Malabar 2017 (14-17/07) kết thúc ở vịnh Bengal, có một cuộc tập trận hải quân khác bắt đầu cũng liên quan sâu sắc đến Ấn Độ về mặt địa chính trị : đó là cuộc tập trận Joint Sea 2017 (21-26/07) giữa Nga và Trung Quốc tại biển Baltic. Mỗi cuộc tập trận, theo cách riêng của nó, cho thấy những thay đổi liên kết đang diễn ra ở châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Á-Âu. Ấn Độ tham gia cuộc tập trận thứ nhất và đóng vai trò còn hơn cả một quan sát viên tò mò trong cuộc tập trận thứ hai.

Tàu khu trục Trung Quốc đi qua Great Belt, Đan Mạch, trên đường đến biển Baltic gần Kaliningrad, để tham gia Joint Sea 2017 với Nga. Ảnh chụp từ điện thoại ngày 21/07/2017.
Tàu khu trục Trung Quốc đi qua Great Belt, Đan Mạch, trên đường đến biển Baltic gần Kaliningrad, để tham gia Joint Sea 2017 với Nga. Ảnh chụp từ điện thoại ngày 21/07/2017. HO / Royal Danish Navy / AFP
Quảng cáo

Trong bài viết đăng trên blogs.rediff.com (23/07/2017), tác giả M. K. Bhadrakumar nhận thấy “Một chuẩn mực mới trong hợp tác quân sự Nga-Trung”. Cuộc tập trận Malabar 2017 kéo dài 4 ngày, quy tụ Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản, thể hiện rõ thái độ chống Trung Quốc. Trong khi Ấn Độ tìm cách giảm thiểu khía cạnh này thì Nhật Bản lại thổi phồng, còn Hoa Kỳ thì thêu dệt thêm. Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ, Kenji Hiramatsu, đã viết một bài báo thể hiện quan điểm bất thường, hoan nghênh Malabar-17 như là dấu hiệu của một liên minh an ninh tại châu Á.

Trong khi đó, cuộc tập trận Joint Sea 2017 giữa Nga và Trung Quốc lại bị các cường quốc phương Tây theo dõi chặt chẽ và dường như “gây báo động cho Washington” (theo Telegraph, 21/07/2017). Điều lý thú ở chỗ, Joint Sea 2017 bao gồm hai phần. Trước tiên là cuộc tập trận ngoài khơi biển Baltic, sau đó là cuộc tập trận giữa hải quân Nga và Trung Quốc vào tháng 09/2017 tại biển Nhật Bản và biển Okhotsh. Thực vậy, các nước Baltic đều nằm trên tuyến phòng thủ của Nga đối mặt với Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng giống như biển Nhật Bản là tuyến phòng thủ của Trung Quốc để đối mặt với liên minh Mỹ-Nhật.

Cả hai cuộc tập trận Malabar 2017 và Joint Sea 2017 đều trình diễn những vũ khí tối tân, cho dù Malabar 2017 có quy mô lớn hơn với sự tham gia của 3 tầu sân bay, 2 tầu ngầm, 16 tầu chiến và 95 máy bay, trong đó có cả chiến đấu cơ. Nếu so sánh thì Joint Sea 2017 tương đối khiêm tốn hơn, chỉ có khoảng 10 tầu chiến và 10 máy bay được huy động.

Điều thu hút sự chú ý nhất trong cuộc tập trận Joint Sea 2017 chính là khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường của Trung Quốc (khu trục hạm Type 052D), một loại tàu chiến do Trung Quốc sản xuất và được đánh giá là cũng tân tiến như bất kỳ loại tàu chiến nào khác trên thế giới. Khu trục hạm này bảo đảm phòng không cho các tầu sân bay Trung Quốc.

Hải Quân Trung Quốc thử sức trên “đất” của NATO

Lần đầu tiên, Hải Quân Trung Quốc xuất hiện ở biển Baltic, nơi được cho là “đất” của NATO. Hành động này mang tính biểu tượng và cũng cho phép đánh giá tham vọng của Trung Quốc điều lực lượng hải quân đến hoạt động tại các vùng biển châu Âu, sân chơi của các “nước lớn”. Chuyến đi nửa vòng trái đất cho thấy tham vọng của hải quân Trung Quốc muốn trở thành một trong các cường quốc hoạt động tại các vùng biển quốc tế xa xôi. Một thông tín viên quốc phòng phương Tây nhận xét ngắn gọn : “Họ (Trung Quốc) vẫn còn phải cố gắng thêm một chút nữa thì mới bắt kịp các cường quốc hàng hải thế giới, nhưng không ai nghĩ là họ còn ở lại phía sau lâu nữa”.

Một bình luận của hãng thông tấn Nga Sputnik đã bổ sung một ý tưởng hấp dẫn : bằng cách tham gia với Nga ngay ở cửa ngõ của NATO trong biển Baltic, hải quân Trung Quốc có lẽ muốn thể hiện chiến lược gọi là “fanbian – phiên biến” (đổi phía - theo nghĩa tiếng Hoa), được cho là của nguyên soái Trung Quốc La Vinh Hoàn (Luo Ronghuan) trong Thế Chiến II : tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ để đánh lạc hướng quân sự nhằm gạt bỏ sức ép. Động thái của hải quân Trung Quốc giống như vậy. Nhưng Trung Quốc và Nga chắc chắn đang đáp trả những hành động gây hấn mà Hoa Kỳ tiến hành chống lại họ ở Biển Đông và biển Baltic.

Cuộc tập trận Joint Sea 2017 diễn ra chỉ 15 ngày sau chuyến công du Matxcơva ngày 04/07/2017 của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc gặp này đã có sự phối hợp tuyệt vời về các chính sách trước khi ông Tập và tổng thống Nga Vladimir Putin gặp tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề thượng đỉnh G20 (07-08/072017) tại Hamburg, Đức. Điểm nổi bật của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Trung là sự phối hợp quan điểm trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Giới bình luận Nga thì đánh giá cuộc tập trận tại biển Baltic mang tính “bài phương Tây”. Thế nhưng, một bài báo của Nhân Dân Nhật Báo lại tuyên bố rằng Joint Sea 2017 “không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào”. Bài báo ghi nhận Baltic là một “vùng nhạy cảm”, nhưng cho rằng cuộc tập trận “chỉ là một hoạt động định kỳ diễn ra hai năm một lần và không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào hay đối phó với tình hình hiện tại”. Tuy nhiên, Nhân Dân Nhật Báo cũng nhấn mạnh là “NATO có thể cảm thấy ở thế phòng thủ trước các cuộc tập trận chung và chắc chắn mong là Nga-Trung ít hợp tác hơn”.

Cuộc tập trận tại biển Baltic có thể coi là một tín hiệu tinh tế về sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với những nỗ lực của Matxcơva nhằm kiến tạo lại trật tự an ninh tại châu Âu. Tương tự, phần hai của cuộc tập trận Joint Sea 2017 ở Viễn Đông thể hiện tình đoàn kết của Nga đối với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng khu vực do vấn đề Bắc Triều Tiên.

Một “chuẩn mực mới” đang được hình thành. Vào tháng 05/2015, chiến hạm Trung Quốc lần đầu tiên tập trận với hạm đội Hắc Hải Nga. Tháng 09/2016, cũng lần đầu tiên, hải quân hai nước cùng tuần tra tại Biển Đông, bao gồm cả việc máy bay đáp xuống các đảo tại đây. Joint Sea 2017 rõ ràng là một bước tiến nữa : Đó là các cuộc tập trận “hai bên cùng có lợi” , ở biển Baltic và Viễn Đông, gợi đến một liên minh chiến lược.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế