TRUNG QUỐC

Trung Quốc nâng tuổi về hưu do dân số già đi nhanh chóng

Trung Quốc có số dân đông nhất thế giới, nên nước này mới phải áp dụng chính sách mỗi gia đình chỉ có một con từ những thập niên 1970. Cũng chính sách đó đã làm dân số già đi mau chóng, khiến giờ đây nước này đang phải xem xét lại vấn đề tuổi về hưu.

Quảng cáo

Giữa lúc nước Pháp đang nóng bỏng với vấn đề cải cách hưu bổng, báo Le Monde hôm nay có bài viết : « Trung Quốc cũng đã vướng phải vấn đề hưu bổng ». Báo le Monde cho biết, trước tình trạng dân số bị già đi mau chóng thành phố Thượng Hải đang thử nghiệm kéo dài tuổi về hưu. Trước mắt bắt đầu từ tháng 10 này, các nhân viên thuộc khu vực tư nhân sẽ tự nguyện kéo dài tuổi về hưu thêm 5 năm.

Theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của người lao động Trung Quốc hiện nay là 60 tuổi đối với nam và 55 đối với nữ. Tất nhiên nếu ở lại tiếp tục làm việc thì thu nhập của họ phải cao hơn với lương hưu. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ cho phép thành phố cân đối được các khoản trợ cấp hưu bổng, mà hàng năm đang bị thâm hụt khoảng 1,08 tỷ euro.

Thượng Hải, thủ đô kinh tế Trung Quốc, thành phố có có tới 1/5 số dân đang ở độ tuổi trên 60, tức là khoảng trên ba triệu người. Trong tương lai, đây sẽ là vấn đề của cả đất nước đông dân nhất hành tinh này. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối trên, theo phân tích của Le Monde, là chính sách một con duy nhất áp dụng từ cách nay ba thập kỷ, cộng thêm vào đó là tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc cũng đã tăng từ 66 lên 73 tuổi.

Theo một ủy ban phụ trách vấn đề lão hóa dân số thì năm 2009, Trung Quốc có 167 triệu người ở độ tuổi trên 60, trong 5 năm tới con số này sẽ là 200 triệu và đến năm 2020 là 248 triệu người. Với nhịp độ như vậy thì đến năm 2035, cứ hai người đi làm sẽ phải nuôi một người về hưu.

Tuy nhiên theo một cuộc thăm dò dư luận trên mạng Internet thì trong số 200 nghìn người được hỏi thì có tới 92% không muốn đặt vấn đề kéo dài thêm tuổi về hưu. Nhất là bởi vì mối lo ngại lớn nhất của giới trẻ Trung Quốc hiện nay là làm sao tìm được việc làm.

Theo tờ báo, những tranh luận về vấn đề hưu bổng giờ đây quay xung quanh chính sách « một con duy nhất » vốn đã bị chỉ trích nhiều. Hiện nay giới trẻ Trung Quốc còn phải gánh chịu một hiện tượng xã hội mà họ gọi là « 4-2-1 », tức là một thanh niên phải lo chăm sóc tuổi già của hai cha mẹ và bốn ông bà.

Phó thủ tướng Lý Khắc Cường, người có thể lên làm thủ tương vào năm 2012, mới đây khẳng định lại rằng chính phủ vẫn duy trì chính sách kiểm soát sinh đẻ, cho dù ở một số tỉnh như Quảng Đông, người ta có ý định từ năm 2016 sẽ nới ra cho mỗi gia đình có hai con. Trung Quốc đứng giữa sự lựa chọn khó khăn giữa việc để hiện tượng dân số già đi nhanh chóng hay để dân số tăng quá tải. Cả hai đều đều gây ra những hậu quả không nhỏ về mặt kinh tế xã hội và không dễ gì tìm được giải pháp cho vấn đề.

Cải cách hưu bổng của Pháp : Công đoàn đấu tranh tiếp tục đọ sức với chính phủ

Trong lúc này, tại Pháp cuộc đấu tranh giữa các công đoàn, người lao động với chính phủ xung quanh cuộc cải cách hưu bổng đã kéo dài từ nhiều ngày qua đến giờ vẫn tiếp tục gay gắt và đang đi vào hồi quyết định trong cuộc huy động tổng đình công vào ngày mai 19/10.

Hầu hết các trang nhất các tờ báo lớn ra tại Pháp đều chạy tựa về chủ đề hưu bổng. Báo Le Figaro chạy tựa : « Hưu bổng : mặt trận công đoàn rạn nứt ». Tờ báo cho biết là trước cuộc tổng huy động đình công lớn vào ngày mai để chống cải cách hưu trí ở Pháp, nhiều tổ chức công đoàn bắt đầu nghĩ lại chiến lược đấu tranh, có vẻ như không mang lại hiệu quả. Trong khi đó một số tổ chức như FO hay CGT thì vẫn muốn tiếp tục gia tăng sức ép bằng các cuộc huy động lớn.

Nhật báo Libération thì dự báo bằng hàng tựa trên trang nhất « Hưu bổng : một tuần đầy nguy cơ ». Tờ báo nhận định « chính phủ , lãnh đạo các công đoàn, một mặt sẵn sàng thỏa hiệp để thoát khỏi khủng hoảng ; mặt khác một số tổ chức công đoàn, phong trào của các học sinh trung học và những người lao động ở một số ngành nghề vẫn chống đến cùng.

Tuy nhiên, ngày hôm qua, xuất hiện trên kênh truyền hình TF1, thủ tướng Francois Fillon một lần nữa nhắc lại không có chuyện chính phủ nhượng bộ. La Croix đặt câu hỏi cho tựa của bài xã luận « Đình công …còn sau đó ? Tờ báo nhận thấy chính phủ giờ đây hành động cứ như thể sự việc đã được thống nhất rồi, cứ như là cuộc khủng hoảng đã có lối thoát. Nhưng thực sự thì hậu quả phong trào để lại mới là lớn. Trong một bài phân tích khác mang tựa đề « Phong trào chống cải cách hưu bổng trở nên khó lường », tờ báo viết Phong trào huy động của người lao động sau khi có hơi hướng cực đoan thì giờ đây những yêu sách xã hội của họ đang vượt ra ngòai chủ đề hưu bổng.

Theo bài báo, thì ban đầu phong trào chống cải cách hưu bổng ở Pháp cũng bắt đầu bàng sự phản kháng cổ điển, giống như những cuộc đấu tranh xã hội trước đây. Được khởi phát từ từ những công chức, các nhân viên trong các công ty giao thông lớn. Nhưng tuần qua, sự phản kháng của phong trào bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu mới. Đó là việc công nhân đã phong tỏa các nhà máy lọc dầu buộc chính phủ phải mở kho dự trữ dành riêng khi đất nước rơi vào trong tình trạng khan hiếm xăng dầu đặc biệt. Ngạc nhiên nữa là sự tham dự của học sinh sinh viên. Điều này khiến cho cuộc đình công ngày mai sẽ khó có thể dự đoán trước được sẽ diễn ra thế nào.

La Croix cho rằng cuộc đình công ngày mai sẽ là cơ hội cuối cùng để tiếng nói của những người phản đối cuộc cải cách hưu bổng được lắng nghe, trước khi Thượng viện bỏ phiếu thông qua bộ luật, dự kiến vào thứ tư tới. Chính phủ thì quyết tâm tiến hành theo lịch trình, đồng thời lại phải tránh làm sao phong trào phản kháng không bị biến tướng và lan rộng thêm nữa.

Mô hình hội nhập của Đức thất bại

Liên quan đến thời sự châu Âu, le Figaro đưa ra nhận định : thủ tướng Đức « Merkel chôn vùi mô hình hội nhập Đức ». Theo bài báo, phát biểu trong một cuộc thảo luận về vấn đề nhập cư hôm thứ bảy, thủ tướng Đức tuyên bố mô hình đa văn hóa của Đức là thất bại. Tờ báo nhận thấy đây là lần đầu tiên bà Merkel đưa ra lập trường như vậy về mô hình hội nhập của người nhập cư vào Đức. Với tuyên bố này, bà thủ tướng Đức đã theo bước chân của của ông bộ trưởng, chủ tịch vùng Bayer từng tuyên bố trên báo chí rằng. « Đức không phải là xứ nhập cư » và Đức không cần những người mới đến, nhất là những người Hồi giáo. Tuy nhiên, bà Merkel vẫn thận trọng hơn không động đến vấn đề nhạy cảm là Hồi giáo. Le Figaro nhận thấy là tại Đức vấn đề nhập cư giờ đây đang trở thành chủ đề chính trong các cuộc tranh luận về tôn giáo và hội nhập.

Về tình hình thời sự quốc tế, nhật báo Le Figaro chú ý đến cuộc gặp ba bên của nguyên thủ ba nước Pháp, Đức và Nga, ngày hôm nay tại Dauville Pháp. Với cuộc gặp này tờ báo nhận thấy, « Paris và Berlin muốn kéo Matxcơva về phương Tây ».
Theo tờ báo tại Paris, giới quan sát đánh giá rằng « Nga đang ngày càng hướng về phương Tây nhiều hơn ». Theo một nguồn tin thân cận của tổng thống Pháp Sarkozy thì « cuộc gặp thượng đỉnh lần này là dịp để củng cố tiến triển đó ». Cũng theo nguồn tin này, Đức và Pháp muốn đưa ra thông điệp với Nga rằng, hai thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ mục tiêu chính bây giờ là lật vĩnh viễn trang sử chiến tranh lạnh và người Nga phải hiểu rằng họ không còn là đối thủ nữa mà là đối tác của phương Tây.

Từ vụ bùn đỏ bauxite ở Hungary, châu Âu cần một công cụ pháp luật mới

Trở lại với thảm họa môi sinh trong vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, báo Le Monde hôm nay có bài : « Ô nhiễm: trường hợp Hungary không phải đơn lẻ ở châu Âu »

Theo tờ báo, sau khi hơn 700 nghìn mét khối bùn đỏ độc hại từ nhà máy luyện nhôm tràn ra phá hủy cuộc sống của cả một vùng rộng lớn ở Ajka khiến cho cả châu Âu lo ngại, đến lúc này tình hình đã dịu xuống. Những người dân làng Kolontar đi sơ tán đã trở về nhà hôm 15/10. Đồng thời, chính phủ cũng cho phép nhà máy luyện nhôm hoạt động trở lại. Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đã lên án quyết định của chính phủ Hungary là « vô trách nhiệm, vì nguyên nhân chính xác của tai nạn vẫn chưa được sáng tỏ ».

Thế nhưng theo bài báo, các tổ chức bảo vệ môi trường giờ đây nhìn rộng hơn ra ngoài vùng Ajka. Theo các tổ chức này thì không có gì bảo đảm châu Âu không gặp lại một thảm họa mới. Còn rất nhiều nơi, ngay tại Hungary như ở vùng Almasfuzito hay ở Tulcea Rumani và ở phần lớn những nước thuộc khối Cộng sản cũ, còn rất nhiều bể chứa hàng triệu mét khối bùn độc hại đang như những quả bom nổ chậm đe dọa dòng sông Danube. Phát ngôn viên Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc tuyên bố phần lớn trong số 150 khu khai thác mỏ trong khu vực Balkan đang đe dọa môi trường.

Đồng thanh với tiếng nói trên, cơ quan bảo vệ môi trường của Đức khẳng định thảm họa xảy ra ở Hungary « không phải là trường hợp đặc biệt ». Trước tình trạng như vậy, Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF cùng nhiều hiệp hội môi sinh khác đều nhất trí cho rằng công cụ luật pháp của châu Âu trong lĩnh vực này là chưa đầy đủ, nhất là khi châu Âu cho rằng bùn đỏ từ quá trình luyện quặng bauxit thành nhôm không phải là chất thải nguy hiểm và coi đó là chất dư thừa « vô hại », trong khi loại bùn này có chứa xút ăn da và còn chứa một hàm lượng phóng xạ nhẹ. Vì thế các quy định nghiêm ngặt về chất thải nguy hại lại không được áp dụng cho các bể chứa bùn đỏ.

Sau khi nổ ra vụ bùng đỏ ở Hungary, nhiều nước đề nghị châu Âu phải sửa lại các quy định quản lý chất thải công nghiệp. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cho rằng ngay bây giờ chưa thể sửa đổi luật mà chỉ đưa ra khả năng phạt Hungary, nếu thấy nước này vi phạm các quy định hiện hành của châu Âu về quản lý chất thải công nghiệp mà thôi. Như thế thì sẽ lại xảy ra tình trạng « nước đến chân mới nhảy » mà thôi.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế