PHÁP - NÔNG NGHIỆP

Covid-19 : Pháp đành tiêu hủy nửa triệu tấn khoai tây ?

Sau khi các nhà sản xuất Pháp buộc phải tiêu hủy 10 triệu lít bia do hết hạn sử dụng, nay đến phiên ngành trồng khoai tây hứng chịu hậu quả của dịch Covid-19. Câu hỏi đặt ra là phải làm gì bây giờ với gần nửa triệu tấn khoai tây tồn kho, khi mà nhu cầu tiêu thụ ở Pháp đã giảm đến ba phần tư so với mùa xuân năm ngoái.

Một cánh đồng trồng khoai tây tại Haynecourt, miền bắc nước Pháp.
Một cánh đồng trồng khoai tây tại Haynecourt, miền bắc nước Pháp. REUTERS - PASCAL ROSSIGNOL
Quảng cáo

Chưa bao giờ số lượng khoai tây dư thừa lại nhiều đến như vậy. Theo ông Bertrand Ouillon, đại diện liên đoàn ngành sản xuất khoai tây (GIPT), mức thặng dư hiện lên đến 450.000 tấn, trong đó có 200.000 được sản xuất cho thị trường Pháp và 250.000 tấn còn lại dành cho xuất khẩu.

Ngành trồng khoai tây đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng thấy, do vậy các nhà sản xuất kêu gọi sự giúp đỡ từ phía nhà nước, cũng như một kế hoạch trợ giúp các nông dân nói chung, từ phía Liên hiệp châu Âu, vì nước Pháp cũng như Bỉ và Hà Lan đều là những nước đứng đầu trong việc sản xuất khoai tây. Trước mắt, theo ông Bertrand Ouillon, ngành này cần đến 35 triệu euro chỉ để giải quyết khối lượng khoai tồn kho.

Tại Pháp, các tỉnh phía Bắc thuộc vùng Hauts-de-France đều sống nhờ nghề trồng khoai tây, hơn hai phần ba sản lượng khoai tây của Pháp đều đến từ vùng này. Tuy nhiên, kể từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu được thực thi, hàng ngàn tấn khoai tây không bán được, do lượng tiêu thụ ở Pháp giảm mạnh. Hầu hết các nhà hàng ‘‘fast food’’ cũng như các căng tin trường học, công sở, các quầy băn thức ăn trong trung tâm thương mại hay trên xa lộ đều phải đóng cửa, trong khi ngành trồng khoai tây chủ yếu cung cấp và phục vụ các điểm kinh doanh món khoai tây chiên.

Theo ông Nicolas Loingeville, phó chủ tịch nghiệp đoàn nông dân FDSEA ở vùng Hauts-de-France, tác động của dịch Covid-19 bắt đầu thấy rõ từ tuần lễ thứ ba trong thời kỳ phong tỏa, lượng khoai tây bắt đầu ứ đọng lại trong kho, do nguồn tiêu thụ cạn kiệt, tác động dây chuyền đến nhu cầu chế biến khoai tây gọt sẵn. Tình hình của ngành sản xuất trở nên khó khăn, từ tuần lễ thứ 4 trở đi, do không có giải pháp nào bù đắp cho các khoản thất thu. Khoai tây đã trồng vẫn phải thu hoạch, nhưng rồi được chất đầy kho, vì dây chuyền sản xuất dần dần ngưng hoạt động. 

So với mức tiêu thụ nội địa, lãnh vực xuất khẩu cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Lượng khoai tây mà Pháp dự trù xuất sang châu Á cũng như  sang Hoa Kỳ đều giảm mạnh. Hậu quả đầu tiên : giá khoai tây tuột dốc không phanh trên thị trường. Theo ông Denis Delestrez, chủ tịch một hợp tác xã ở Fleurbaix vùng Pas de Calais, giá khoai tây đã giảm gần 6 lần từ 140 € xuống còn 25 € một tấn, giá này thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất và điều đó buộc các nhà trồng khoai phải tìm những giải pháp thay thế trước mùa hè năm nay.

Vấn đề ở đây là nông dân Pháp ở vùng Hauts-de-France không phải lúc nào cũng có đủ điều kiện để trữ khoai tây trong kho. Khoai tây là một thực phẩm dễ bị hư hỏng, khi khoai bắt đầu nẩy mầm thì chẳng những bị giảm chất lượng mà càng không tốt cho sức khỏe, do vậy khoai tây cần được trữ ở những nơi khô ráo, nhiệt độ ở mức tối đa là 7 hay 8 độ C, từ đây cho tới mùa thu hoạch tiếp theo. Trước mắt, vấn đề tồn kho buộc giới sản xuất ngưng trồng khoai hoặc là trồng ít hơn, chừng nào khoai tây vẫn còn bị ứ đọng.

Làm thế nào để giải quyết ‘‘hàng thừa trong kho’’ để tránh phải tiêu hủy ?  Các nhà sản xuất đang xem xét một số biện pháp như chế biến khoai tây thành thức ăn cho gia súc, làm bột hay đồ sấy khô, dùng khoai tây để làm nhiên liệu. Bên cạnh đó còn có việc tặng cho các quỹ từ thiện hay các quán ăn tình thương. Tuy nhiên tất cả các biện pháp ấy chỉ là tạm thời, chứ không giải quyết được hết gần nửa triệu tấn khoai tây đã thu hoạch và nay có nguy cơ bị hư hỏng. 

Theo ông Bertrand Ouillon, thuộc liên đoàn GIPT, lượng khoai tây không thể nào để mãi trong kho, phải tìm ra nguồn xuất từ đây cho đến mùa thu. Đối với nhiều nông dân, họ không còn cách nào khác là đổ khoai hư thối ở ngoài đồng, điều đó làm nảy sinh nhiều rủi ro khác về mặt y tế cũng như môi trường, khi đống khoai bị mọc nấm, lên men.

Trường hợp của Pháp cũng giống như Bỉ và Hà Lan. Cả ba nước này sản xuất từ 4 đến 6 triệu tấn khoai tây hàng năm, trong đó có một phần tư dành cho các thị trường nước ngoài. Riêng nước Pháp đứng đầu thế giới về mặt xuất khẩu và thiệt hại trong năm nay của ngành trồng khoai tây xấp xỉ  6 tỷ euro.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế