Tạp chí kinh tế

Covid-19, kinh tế và ổn định xã hội : mối lo của Bắc Kinh

Đăng ngày:

Vì virus corona Bắc Kinh không thể thông báo mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020. « Những bất định do tình tình dịch bệnh và tác động kinh tế toàn cầu » thách thức đà phát triển của Trung Quốc : chính quyền không kiểm soát được tác động về kinh tế dịch Covid-19 gây nên ?

Mục tiêu tăng trưởng không được đề cập tới trong lễ khai mạc khóa họp thường niên Quốc Hội Trung Quốc, ngày 22/05/2020.
Mục tiêu tăng trưởng không được đề cập tới trong lễ khai mạc khóa họp thường niên Quốc Hội Trung Quốc, ngày 22/05/2020. © (Photo EPA)
Quảng cáo

 

Theo giáo sư Mary Françoise Renard, đại học Clermont Auvergne, với Trung Quốc, đe dọa tiềm tàng « từ ở bên trong » lớn hơn nhiều so với những thách thức trong cuộc đọ sức thương mại với Mỹ hay đe dọa vốn quốc tế rút khỏi Hoa lục

Trong bài diễn văn khai mạc khóa họp Quốc Hội Trung Quốc hôm 22/05/2020, thủ tướng Lý Khắc Cường tránh đưa ra mục tiêu tăng trưởng cho cả năm đồng thời báo động : « Các chỉ số tiêu thụ nội địa, đầu tư và xuất khẩu điều đang giảm sụt ». Trong khi đó « áp lực gia tăng » trên thị trường lao động và « rủi ro về tài chính ngày càng lớn ».

Lần đầu tiên kể từ năm 1990, khi Bắc Kinh bắt đầu công bố dự báo tăng trưởng, toàn cảnh kinh tế Trung Quốc mang màu sắc ảm đạm như vậy. GDP Trung Quốc trong ba tháng đầu năm 2020 sụt giảm 6,8 % do tác động virus corona gây nên.

Theo giới trong ngành, thủ tướng Lý Khắc Cường đã bắn đi một tín hiệu kép : thế giới không thể trông đợi vào tỷ lệ tăng trưởng thần kỳ trên 6 % của Trung Quốc như từ trước tới nay (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế chờ đợi tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2020 đạt 1,6 %) và Bắc Kinh sẽ không ồ ạt tung ra những kế hoạch hỗ trợ kinh tế như hồi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.  

Để so sánh, Nhật bơm thêm 20 % GDP vào cỗ máy kinh tế nhằm khắc phục hậu quả Covid-19, Mỹ và Đức là 10 %. Ít hơn là Pháp, cũng huy động 5 % GDP. Riêng Trung Quốc tới nay chỉ mới thông báo những biện pháp hỗ trợ tương đương với 2 % tổng sản phẩm nội địa.

Sự khiêm tốn nói trên trái ngược với việc Bắc Kinh đang phô trương thành công đã hạ gục virus corona.

Toàn cảnh u ám

Thống kê chính thức của Bắc Kinh cho thấy tiêu thụ nội địa trong tháng 3/2020 giảm gần 16 % sau khi đã tuột đốc 20,5 % trong hai tháng Giêng và tháng 2/2020. Vào lúc kinh tế Trung Quốc bắt đầu khởi động lại vào cuối tháng 2/2020 thì cũng là lúc các đối tác thương mại quan trọng nhất của Bắc Kinh là châu Âu và Mỹ bắt đầu bị virus corona làm tê liệt.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 11 %. Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Trivium China, trụ sở tại Bắc Kinh, trong 3 tháng đầu năm nay, đã có « không dưới 460.000 công ty vừa và nhỏ bị phá sản ». Hiềm nỗi chính những hãng nhỏ này lại là nguồn nuôi sống 2/3 lực lượng lao động Trung Quốc theo thông tin từ báo kinh tế Tài Kinh (Caixin).

Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về Trung Quốc, giáo sư Mary Françoise Renard, giảng dậy tại đại học Clermont Auverge điểm qua về toàn cảnh kinh tế Trung Quốc sau hơn hai tháng hoạt động cầm chừng và gần nửa năm đối mặt với virus corona :

Mary Françoise Renard : « Điểm đầu tiên hết, tính chính đáng của chính quyền Trung Quốc có được là nhờ vào khả năng cải thiện đời sống cho người dân. Dịch Covid-19 lần này đặt Bắc Kinh trước một sự thử thách : đó là làm thế nào để bảo đảm được việc làm cho những thành phần yếu kém nhất trong xã hội, cho hàng trăm triệu người lao động nhập cư trong tình huống rất bấp bênh. Một số nghiên cứu cho thấy virus corona tác động đến khoảng 30 triệu việc làm. Có những người mất việc luôn vì nhà máy đóng cửa, vì hàng quán, các công ty dịch vụ đóng cửa. Chỉ ngày một ngày hai họ mất hẳn thu nhập.

Chính vì vậy Trung Quốc đã thông báo một số biện pháp để nhắm vào những đối tượng như là người lao động từ nông thôn lên thành thị kiếm sống, hay giới tiểu thương. Thí dụ như chúng tôi biết là trong đợt Tết nguyên đán vừa rồi, đã có đến 50 triệu người lao động về quê ăn Tết rồi bị kẹt lại luôn ở quê nhà. Trong hai tháng bị kẹt vì dịch bệnh hoành hành, cả nước đóng cửa, họ hoàn toàn không có lương. Một khi tình hình khả quan hơn, một phần trong số này đã tìm cách trở lại công xưởng, nhưng lương tháng đã bị sụt giảm đáng kể. Còn những người vẫn kẹt ở nông thôn thì gần như là không có thu nhập và phải sống trong tình trạng rất bấp bênh. Tóm lại áp lực lớn nhất đang đề nặng lên Bắc Kinh là vấn đề thất nghiệp.

Điểm thứ nhì gây khó khăn cho Trung Quốc liên quan đến vế tiêu thụ. Câu hỏi lớn nhất đặt ra là liệu rằng dân chúng có dám tiêu xài trở lại hay không. Trong quá khứ, sau khủng hoảng thì dân tình lại vững tâm và lao vào mua sắm. Tuy nhiên lần này, từ hơn hai tháng qua chỉ số tiêu thụ tăng chậm hơn nhiều so với mong đợi. Đành rằng lĩnh vực hàng hạng sang, rất cao cấp đã được khởi động lại, nhưng nhìn chung, công luận vẫn lo sợ dịch bệnh tái phát, họ sợ kinh tế lại có nguy cơ bị bế quan tỏa cảng. Hậu quả kèm theo là dân chúng khá chi li trong việc chi tiêu và lo để dành tiền tiết kiệm ».

Mối lo bất ổn xã hội

RFI : Thống kê chính thức cho thấy hàng chục triệu người mất việc vì Covid-19, hàng trăm ngàn hãng nhỏ của tư nhân khánh tận. Thêm vào đó tiêu thụ nội địa không khởi sắc trở lại như mong đợi, xuất khẩu thì bị đóng băng vì các đối tác thương mại chính của Trung Quốc cũng phải đối mặt với đại dịch. Trong hoàn cảnh này chính phủ có thể làm được những gì để tháo gỡ bế tắc ?

Mary Françoise Renard : « Để tháo gỡ bế tắc, chính phủ bắt buộc phải can thiệp. Vấn đề đặt ra là Trung Quốc đã mang nợ khá nhiều thành thử cũng phải cân nhắc, tránh để xảy ra kịch bản vì muốn hỗ trợ kinh tế mà làm phương hại tới hệ thống tài chính, ngân hàng. Trung Quốc đang cần phục hồi khu vực sản xuất, nên đã khuyến khích các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh đầu tư nhưng thực sự ở mọi cấp, Trung Quốc đang vừa làm vừa nghe.

Bài toán càng thêm nan giải khi mà nhu cầu tiêu thụ và dây chuyền sản xuất của thế giới cũng bị chựng lại vì virus corona đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp Trung Quốc. Bởi như đã biết, Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu ».

RFI : Khi mà các đầu máy tăng trưởng, từ sản xuất, xuất khẩu đến tiêu thụ đều bị đóng băng, thất nghiệp tăng mạnh : liệu đây có là một mối đe dọa tiềm tàng đối với ổn định trong xã hội Trung Quốc ? Phải chăng đây là lý do vì sao Bắc Kinh thường che giấu tỷ lệ thất nghiệp ?

Mary Françoise Renard : « Vâng, đây chính là lý do vì sao bảo vệ việc làm là trọng tâm chính sách vực dậy kinh tế được thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày trước Quốc Hội trong phiên khai mạc hôm 22/05/2020. Cũng cần nói thêm là trợ cấp thất nghiệp tại Trung Quốc rất thấp. Đa phần những người bị sa thải tự động đi tìm việc khác chứ không để tốn thời gian khai báo và xin trợ cấp của Nhà nước làm gì. Cho nên tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc cao hơn nhiều so với các thống kê chính thức. Nhưng bảo rằng tỷ lệ thất nghiệp được Bắc Kinh giữ kín như một bí mật quốc gia thì không đúng. Thêm một điểm nữa là cho dù Trung Quốc có một guồng máy kiểm soát an ninh rất chặt chẽ với những biện pháp đàn áp lợi hại, nhưng nếu quyền lợi cốt lõi của người dân bị tổn thất quá lớn, đến đường cùng thì người dân cũng sẽ xuống đường  biểu tình ».

"Không có chuyện vốn quốc tế ồ ạt rút khỏi Hoa Lục"

RFI : Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ- Trung gia tăng với khủng hoảng y tế. Cộng đồng quốc tế ngày càng thận trọng với Bắc Kinh. Nhiều quốc gia khuyến khích doanh nghiệp trở về nguyên quán hay ít ra là bắt đầu xét lại một số những ưu tiên trong chiến lược phát triển công nghiệp… Điều đó có nghĩa là trong tương lai một số tập đoàn quốc tế sẽ di dời cơ sở khỏi Hoa Lục. Phải chăng đây mới là thách thức lớn về lâu dài ?

Mary Françoise Renard : « Theo tôi, có một sự nhầm lẫn giữa hai việc khác nhau, nhưng sẽ không có chuyện các cơ sở rút lui khỏi Trung Quốc để quay trở về nguyên quán. Thứ nhất dịch Covid-19, cho thấy quốc tế lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, kể cả trong một số lĩnh vực chiến lược như là dược phẩm, y tế. Từ trước đại dịch đã có rất nhiều tiếng nói kêu gọi Âu - Mỹ cần có một chính sách phát triển công nghiệp độc lập. Tuy nhiên đừng quên rằng tuyệt đại đa số các công ty phương Tây sang Trung Quốc làm ăn đều là những hãng tư, họ có quyền mở địa bàn hoạt động ở bất cứ nơi nào, miễn là làm ăn có lãi. Chính phủ chỉ có thể đưa ra một chính sách chung, đưa ra những biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp chuyển vốn đầu tư về lại nguyên quán … Nhưng đây là  là một vấn đề chính trị, hay thậm chí là chính sách chung, như trong trường hợp của châu Âu …

Điểm thứ hai : chúng ta chớ nuôi ảo vọng là sau đại dịch lần này các tập đoàn công nghiệp ồ ạt quay trở lại Âu Mỹ, bởi là các doanh nghiệp tư nhân luôn chạy theo lợi nhuận và sẽ đi tìm những bãi đáp mới thay thế cho Hoa lục nhưng cũng với những điều kiện ưu đãi (nhân công rẻ, giá thành thấp …) Trong số này, Ấn Độ hay Việt Nam đang được đánh giá cao. Bắc Kinh phần nào lo ngại đầu tư của nước ngoài rút khỏi Hoa lục. Tuy nhiên, từ trước tới nay, sở dĩ Trung Quốc có sức hấp dẫn lớn, một phần do đây là một thị trường với tiềm năng cao. Thậm chí đó là thị trường năng động hơn ở Âu Mỹ. Vậy thì không có lý do gì để các công ty nước ngoài di dời cơ sở về lại Mỹ hay châu Âu. Sau cùng việc di chuyển cơ sở gây ra nhiều chi phí tốn kém, hơn nữa cần có nhiều thời gian để thiết lập những mối quan hệ đối tác … Tất cả những yếu tố đó đều sẽ phải được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi một công ty muốn rời khỏi Trung Quốc ».

RFI : Cảm ơn giáo sư Mary Françoise Renard, chuyên gia về Trung Quốc tại đại học Clermond Auvergne.

Vào lúc Bắc Kinh  hy vọng nhanh chóng « thoát khỏi » khủng hoảng phần lớn các nghiên cứu quốc tế đều loại trừ khả năng đà phục hồi sẽ « nhanh chóng ». Trả lời tờ Financial Times giáo sư Michael Pettis, đại học Bắc Kinh cho rằng đà phục hồi của Trung Quốc giờ đây đang ở trong tay hơn 1,4 tỷ người tiêu dùng tại nước đông dân nhất địa cầu. Dù vậy tới nay tiêu thụ tại Trung Quốc chỉ mới là lực đẩy đem về 39 % GDP.

Để so sánh, theo Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, tại các nước đang phát triển khác và công nghiệp tiên tiến, tiêu thụ chiếm từ 50 đến hơn 60 % tổng sản phẩm nội địa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế