TÀI CHÍNH

IMF và WB họp thường niên trong bối cảnh căng thẳng tỉ giá tiền tệ

Cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) bắt đầu ngày hôm nay 8/10, vào lúc đang xẩy ra những căng thẳng về tỷ giá, hay nói theo giới báo chí là « chiến tranh giữa các đồng tiền » giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.Đây là dịp để Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 và G7 thảo luận về hồ sơ này, nhưng theo giới chuyên gia thì ít có hy vọng cải thiện được tình hình sau các cuộc gặp vào cuối tuần. 

Quảng cáo

Theo lịch trình, các bộ trưởng Tài chính G20 và đại diện của khoảng một chục nước có mặt trong Hội đồng tiền tệ và Tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ gặp nhau vào trưa nay, giờ Washington. Tối nay, đại diện nhóm G7 cũng sẽ có cuộc họp tại sứ quán Canada ở Washington.

Trong những tuần qua, lãnh đạo các nước giàu và nhóm các quốc gia đang trỗi dậy đã tố cáo lẫn nhau, cố tình hạ thấp giá trị đồng tiền quốc gia để thúc đẩy xuất khẩu. Ngày 27/09, Bộ trưởng Tài chính Brazil là người đầu tiên đã sử dụng cụm từ « chiến tranh tỉ giá ».

Giới quan sát cho rằng, cho dù lãnh đạo các nước tỏ quyết tâm giải quyết hồ sơ này, nhưng do có nhiều quốc gia và mỗi nước có phản ứng khác nhau trước vấn đề tỉ giá, nên G20 chỉ có thể đưa ra một vài ý tưởng mang tính thỏa hiệp chung và không ràng buộc.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn nhấn mạnh là vấn đề tỉ giá không thể giải quyết trong vòng 5 phút được. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cảnh báo là nếu để cho tình hình biến chuyển xấu, dẫn tới những xung đột hoặc các hình thức bảo hộ mậu dịch, thì có nguy cơ tái diễn các sai lầm của những năm 1930, với các đặc trưng là phá giá tiền tệ tùy tiện và phát triển tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.

Vào tháng chín năm ngoái, nhóm G20 chính thức cam kết tạo thuận lợi cho nền kinh tế thế giới tăng trưởng một cách cân bằng. Tuy nhiên, mục tiêu này khó thực hiện vào lúc Hoa Kỳ bơm tiền ồ ạt vào hệ thống tài chính của mình, châu Âu thì thắt chặt ngân sách, trong khi đó Nhật Bản can thiệp hạ giá đồng yen, và Trung Quốc tiếp tục nâng mức dự trữ ngoại tệ để giữ cho đồng nhân dân tệ luôn luôn ở mức thấp.

Ngoài hồ sơ tỉ giá, cuộc họp thường niên của IMF năm nay còn đề cập đến vấn đề cải cách định chế này, đặc biệt là số đại diện của các nhóm nước. Hiện nay, châu Âu có quá nhiều đại diện tại Hội đồng quản trị IMF. Từ nay đến cuối tháng, nếu các thành viên không đạt được đồng thuận trong việc phân bổ lại số đại diện trong Hội đồng quản trị thì số đại diện của các khu vực Nam Á, Nam Mỹ Latinh và châu Phi có nguy cơ bị giảm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế