Tạp chí kinh tế

Công ty bình phong phục vụ cho mục đích gì ?

Đăng ngày:

Không chỉ để trốn thuế, các công ty bình phong được lập ra nhằm nhiều mục đích : từ rửa tiền đến cất giấu tài sản, từ các hoạt động thương mại, đầu tư xuyên biên giới, đến mua bán sáp nhập công ty. Thậm chí các công ty bình phong còn được lập ra để thực hiện một số mục tiêu kinh tế, chính trị của cho một quốc gia.

Trụ sở tổ hợp luật Mossack Fonseca ở Panama City, 12/04/2016.
Trụ sở tổ hợp luật Mossack Fonseca ở Panama City, 12/04/2016. REUTERS/Carlos Jasso
Quảng cáo

Trong tạp chí kinh tế tuần trước (12/04/2016 ), RFI đã phân tích về các thiên đường thuế. Khi đề cập đến thiên đường thuế, không thể nào không nhắc đến các công ty bình phong (offshore) hay con gọi là công ty vỏ sò (shell company). Tạp chí tuần này xin được xoáy vào các dịch vụ của «công ty bình phong».

Offshore, như tên gọi, đăng ký hoạt động ở ngoài lãnh thổ của cá nhân hay doanh nghiệp đang cư trú, kinh doanh. Đặc điểm quan trọng của công ty bình phong là không có hoạt động kinh doanh thật sự, nhân sự hầu như không có, người đại diện thường được thuê hoặc ủy thác, và đăng ký kinh doanh ở các thiên đường thuế.

Trên bản đồ thế giới, các thiên đường thuế chỉ là những dấu chấm nhỏ cả về diện tích lẫn dân số nhưng mỗi năm, hàng tỉ đô-la được luân chuyển vào hệ thống ngân hàng trên thế giới từ những chỗ này.

Dùng công ty bình phong cho nhiều mục đích

Mục đích phổ biến nhất của các công ty bình phong là tận dụng thuế suất rất thấp hoặc không có để trốn thuế ở các thiên đường thuế, cũng như sự bảo mật thông tin ở những chỗ này. Bên cạnh đó, cũng có một số mục đích khác như rửa tiền, thực hiện các giao dịch tài chính phi pháp. Một số lý do được cho là chính đáng hơn như : các doanh nhân dùng để bảo toàn tài sản của mình ở những nước mà họ dễ dàng bị trở thành « con mồi », qua việc mua các tài sản có nhiều giá trị như bất động sản, du thuyền, hay thời thượng là các tác phẩm nghệ thuật ; lách chính sách kiểm soát ngoại tệ gắt gao; hoặc thu xếp tài sản thừa kế.

Một dạng bình phong mới

Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn, nổi tiếng sử dụng một kiểu bình phong khác để thực hiện chiến lược né thuế. Phân tích của chuyên gia Henri Đặng, cựu thanh tra thuế của bộ Tài Chính Pháp và hiện giảng dạy, tư vấn về thuế ở Paris về vấn đề này :

Ông Henri Đặng - 1

Không nên chỉ tập trung vào khía cạnh trốn thuế

Theo ông Nicholas Shaxon, thành viên của « Tax Justice Network » và cũng là tác giả của cuốn sách « Treasure Islands » xuất bản lần đầu năm 2011, hoạt động của các công ty bình phong có quy mô lớn hơn rất nhiều so với những gì người ta có thể hình dung, và được dùng để che giấu tài sản hơn là vì mục đích thuế, đặc biệt trong vụ Panama Papers.

Ông Nicholas

«Một trong những thông điệp được rút ra là hệ thống các công ty bình phong và thiên đường thuế lớn hơn rất nhiều so với những gì người ta được biết. Hệ thống này thường được xem nằm bên lề hệ thống kinh tế thế giới nhưng thực ra rất quan trọng. Tôi cũng muốn nói rằng đây không chỉ đơn thuần là vấn đề thuế. Chính khía cạnh này đã thu hút mọi chú ý của các phương tiện truyền thông. Vụ Panama Papers thiên về những người giàu cất giấu tài sản của họ. Cũng có vì lý do thuế, nhưng cất giấu tài sản là phổ biến hơn đó là : che giấu nguồn tiền phi pháp. Tài sản cũng không chỉ là tiền mà còn có thể hiện vật giá trị, bất động sản»

«Tôi muốn nhấn mạnh vụ Panama có lý do khác quan trọng hơn rất nhiều lý do thuế. Anh lập một công ty bình phong thì không có nghĩa là phi pháp. Trong trường hợp Panama, đây chỉ là một thiên đường thuế nhỏ trong hàng loạt thiên đường thuế khác. Tại sao sử dụng các dịch vụ ở Panama mà không ở các thiên đường thuế khác ? Nên đặt ra các hoài nghi nghiêm túc về mục đích của những người gửi tiền. »

Trong những năm gần đây, những bí mật về ngành dịch vụ « công ty bình phong » được đưa ra ánh sáng ngày càng nhiều. Tiêu biểu là các vụ WikiLeaks (2010), Offshore Secrets (2013), Luxembourg (2014), HSBC Thụy Sĩ (2015) và gần đây nhất là Panama Papers (2016). Xét về quy mô, nếu như hồ sơ HSBC Thụy Sĩ bị rò rỉ với 3,3 Gb dữ liệu thì Panama Papers lên đến 3250 Gb[*].

Theo Panama Papers, có hơn 200 ngàn công ty bình phong đăng ký ở các thiên đường thuế, trong số đó được yêu thích nhất theo thứ tự là British Virgin Islands, Panama và Bahamas. Hệ thống cung cấp dịch vụ công ty bình phong hoạt động rất tinh vi, thường thông qua các trung gian như văn phòng luật, công ty tư vấn kế toán, ngân hàng, và các công ty tín thác. Các trung gian này tập trung ở những nơi như Thụy Sĩ, Hồng Kông, Panama, Jersey, và Luxembourg. Rất khó để xác định được ai là chủ nhân thực sự của các công ty bình phong này, tuy nhiên về số lượng thì người Trung Quốc và Nga là nhiều nhất.

Trung Quốc, Đông Nam Á : Hai nơi có nhu cầu lớn

Báo cáo «Offshore 2020» năm 2015 của công ty tư vấn OIL (thuộc tập đoàn Vistra có trụ sở chính tại Hongkong) dựa trên khảo sát 320 chuyên gia trong ngành cho biết nhu cầu sử dụng các công ty bình phong lúc nào cũng có, dù trong bất kỳ tình hình kinh tế chính trị nào, để đáp ứng các nhu cầu như : quản lý tài sản, hoạt động thương mại, đầu tư xuyên biên giới, hay mua bán sáp nhập công ty. Người ta cũng đặt nghi vấn ngay cả nhiều chính phủ cũng sử dụng công ty bình phong để thực hiện một số mục tiêu kinh tế, chính trị của mình.

Theo báo cáo này, trong 5 năm tới, Trung Quốc và Đông Nam Á là hai nơi sẽ có nhu cầu nhiều nhất về công ty bình phong. Vì thế, Hồng Kông và Singapore được dự báo là thiên đường thuế được ưa thích hơn cả quần đảo British Virgin, Cayman và Luxembourg (hiện nay theo thứ tự là British Virgin Islands, Hongkong, Cayman, Singapore và Luxembourg). Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là với những quy định giám sát gắt gao hơn, Mỹ và Anh có thể là những nước được hưởng lợi nhiều nhất. Trên thực tế, Mỹ và Anh nằm trong nhóm các thiên đường thuế hàng đầu thế giới, điển hình là các bang Delaware, Nevada, Wyoming của Hoa Kỳ.

Giám sát các công ty bình phong

Trong những năm gần đây, việc giám sát các công ty bình phong trở nên chặt chẽ hơn. Chẳng hạn luật về thuế đối với tài khoản ở nước ngoài của Mỹ (FATCA-2010) với số lượng thỏa thuận liên quốc gia ngày càng tăng. Theo đạo luật này, công dân Mỹ khi mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài thì phải khai báo. Trên bình diện quốc tế, đã có tổ chức liên chính phủ chống rửa tiền GAFI (Groupe d’action financière) gồm 34 quốc gia/vùng lãnh thổ cộng thêm Liên Hiệp Châu Âu và Ủy ban hợp tác các nước Ả Rập vùng Vịnh. Gần đây nhất, Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế khởi xướng chuẩn mực « Tiêu chuẩn báo cáo chung - CRS» về tự động trao đổi thông tin thuế cũng như giám sát việc thất thu thuế do chuyển giá của các công ty đa quốc gia (BEPS).

Như vậy, nhu cầu sử dụng các công ty bình phong là tự nhiên và dường như dịch vụ này chỉ dành cho giới nhà giàu. Tuy nhiên, sức mạnh của tự do báo chí cũng như sức mạnh của xã hội dân sự phần nào tăng áp lực trong việc đưa ra và thực hiện các cam kết, nhiều khi được cho là « đạo đức giả » của các liên minh tài phiệt-chính trị gia.

Nếu các công ty bình phong hay thiên đường thuế chỉ được sử dụng cho mục đích trốn thuế, thì thật bất công cho những người đóng thuế nghiêm túc. Ông Henri ĐẶNG cho biết quan điểm của mình:

Ông Henri Đặng - 2

[*] :1Gb chứa được khoảng 65.000 trang tài liệu MS Word hoặc 100.000 emails.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác