Pháp xuất khẩu nhiều sản phẩm điện ảnh, truyền hình
Đăng ngày:
Phim hoạt hình, phim tài liệu và phim truyền hình nhiều tập. Theo thứ tự, đó là những sản phẩm truyền thông của Pháp được xuất khẩu mạnh trong năm qua. Các nước Âu Mỹ vẫn là những khách hàng quen thuộc của Pháp, bên cạnh đó sự phát triển của các mạng dịch vụ trực tuyến cũng giúp cho các chương trình truyền hình Pháp chinh phục thêm khán giả ở những châu lục khác.
Theo bản báo cáo thường niên do cơ quan TV France International (TVFI) và Trung tâm Điện ảnh Quốc gia (CNC) công bố hồi đầu tuần, nước Pháp đã xuất khẩu mạnh các sản phẩm điện ảnh và truyền hình trong năm qua. Đây là lần thứ ba, ngành thính thị ở Pháp bội thu nhờ bán sản phẩm trên thị trường quốc tế : 325 triệu euro trong năm 2019 (tức tăng 18% so với năm trước), 325 triệu rưỡi euro trong năm 2017. Mức thấp nhất là vào năm 2018 với 278 triệu, trong khi năm kỷ lục vẫn là năm 2016 với hơn 336 triệu euro.
Về đầu trên danh sách các sản phẩm ăn khách nhất vẫn là thể loại phim hoạt hình, với mức doanh thu cao tới 77 triệu rưỡi euro. Trong vòng nhiều năm liền, các hãng phim hoạt hình Pháp tiếp tục tỏa sáng trên thị trường quốc tế. Với lối tiếp cận cũng như nhãn quan khác hẳn với tập đoàn Disney của Mỹ, Ghibli Geneon hay Toei Animation của Nhật, ngành hoạt hình Pháp với hơn 130 công ty lớn nhỏ nhờ lối sáng tạo phong phú đa dạng, đã biết đi ngược lại với những kiểu mẫu nhất định hay công thức rập khuôn.
Nhiều tựa phim hoạt họa đã trở nên quen thuộc với thành phần khán giả tí hon tại nhiều châu lục như hai chú thỏ con ‘‘Molang & Simon’’, chuyến phiêu lưu của Bọ rùa và Mèo đen ‘‘Ladybug & Chat Noir’’, hay là câu chuyện ‘‘PyjaMasques’’ của Yoyo, Gluglu và Bibou có khả năng biến thành ba siêu anh hùng tí hon khi bận bộ đồ ngủ pyjama vào lúc nửa đêm ….. Thế giới tưởng tượng của các nhân vật dễ thương dành cho con nít ấy lại trở thành những thương hiệu ăn khách, hái ra tiền với hàng loạt ‘‘fan nhí’’ do được phổ biến hàng ngày trên các kênh tivi chuyên chiếu phim hoạt họa dành cho thiếu nhi.
Phim hoạt hình không chỉ ăn khách dưới dạng nhiều tập chiếu trên kênh truyền hình, mà còn trở thành những dự án có tầm vóc khi được phóng tác dưới hình thức phim lẻ, dành cho màn ảnh lớn. Đó là trường hợp của bộ phim hoạt hình Yakari, của hai đạo diễn Xavier Giacometti và Tony Genkel, dựa theo bộ truyện tranh nổi tiếng cùng tên. Nhân vật cậu bé da đỏ Yakari đã ra đời cách đây nửa thế kỷ dưới hai ngòi bút Thụy Sĩ Derib & Job. Bộ truyện này gồm tổng cộng 40 tập đã bán được hơn 5 triệu bản trên thế giới và từng đoạt giải thưởng lớn nhân hai kỳ liên hoan truyện tranh Angoulême vào năm 1982 và năm 2006. Do bộ truyện Yakari từng được dịch sang 23 thứ tiếng, cho nên nhân vật này rất quen thuộc với khán giả châu Âu, chẳng hạn như ở Đức, Yakarki từng được chuyển thể lên sân khấu thành vở nhạc kịch ‘‘Yakari, Freunde fürs Leben’’ (Suốt đời làm bạn).
Nay được phóng tác thành phim truyện dành cho màn ảnh lớn vào mùa hè năm 2020, tác phẩm này do ba nước Đức, Bỉ và Pháp hợp tác sản xuất, với sự tham gia của Trung tâm Điện ảnh Quốc gia (CNC). Nội dung bộ phim dựa vào tập truyện tranh đầu tiên khi Yakari cưỡi ngựa hoang mustang và khám phá ra tài năng thiên phú của mình, đó là nói chuyện và hiểu được các loài thú vật. Tuy ra đời cách đây 50 năm, nhưng nhân vật Yakari hơn bao giờ hết, lại có thông điệp gần gũi với những mối quan tâm trong xã hội thời nay qua các chủ đề như bảo vệ các loài động vật hoang dã, khám phá nét đẹp hùng vĩ của thiên nhiên qua góc nhìn vừa tầm của một chú bé da đỏ.
Thành công không kém là thể loại phim tài liệu của Pháp với doanh thu xuất khẩu tăng đến hơn 47 triệu euro trong năm 2019, tức đã tăng 40% so với cùng thời kỳ năm 2018. Theo cơ quan TV France International (TVFI), công ty chuyên quảng bá các chương trình của Pháp ở nước ngoài, phim tài liệu của Pháp tiếp tục thu hút nhiều khách hàng cũng như giới bỏ vốn đầu tư, thông qua các thỏa thuận hợp tác sản xuất để giành lấy quyền ưu tiên phân phối cho các thị trường của từng châu lục. Nhìn chung, khách hàng mua phim tài liệu của Pháp đặc biệt yêu chuộng dòng phim lịch sử, di sản, kiến trúc. Các bộ phim tài liệu dưới dạng trinh thám hình sự hay điều tra của ngành tư pháp cũng rất ăn khách, đưa khán giả vào thế giới của các nhân chứng trong các vụ án động trời, hay là theo dõi câu chuyện các tội phạm bị kết án tù chung thân một cách ‘‘oan uổng’’.
Khán giả ghiền xem thể loại hình sự, hẳn chắc đã từng nghe tới loạt phim gồm 5 tập phim tài liệu‘‘World’s Most Wanted’’ do hai hãng phim tài liệu của Pháp hợp tác sản xuất với mạng Netflix, đưa khán giả lần theo vết tích của những tội phạm bị truy nã gắt gao nhất trên thế giới. Sự thành công của loạt phim này một lần nữa công nhận xu hướng thịnh hành trong ngành làm phim tài liệu ở Pháp hiện nay. Tài liệu hình sự là một một trong những sản phẩm bán chạy nhất vào lúc nhiều quốc gia có thêm kênh truyền hình (theo mô hình của Mỹ) dành riêng cho thể loại này.
Cuối cùng trên bảng xếp hạng, tuy không ăn khách bằng hai thể loại hoạt hình và tài liệu, nhưng các bộ phim truyện của Pháp dưới dạng phim lẻ hay phim bộ cũng đạt tới một mức doanh thu khả quan là 46 triệu rưỡi euro trong năm 2019, và như vậy xấp xỉ mức xuất khẩu của dòng phim tài liệu. Theo cơ quan TVFI chuyên quảng bá các chương trình của Pháp trên thị trường quốc tế, các kênh truyền hình Pháp không ngần ngại mở lại hợp tác với các hãng phim lớn để hoàn tất các dự án quan trọng trong năm 2021.
Tuy nhiên, tình hình của dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến cả hai ngành điện ảnh và truyền hình Pháp, buộc các nhà sản xuất phải chọn lựa những dự án khả thi nhất, vào lúc doanh thu đến từ việc khai thác trực tiếp hay bán tác quyền đang sụt giảm.
Giới chuyên ngành vẫn hy vọng rằng Pháp tiếp tục cho ra đời những dự án xuất sắc tương tự như ‘‘Dix pour Cent’’ (Call My Agent trong tiếng Anh) hay là ‘‘Le Bureau des Légendes’’ tên gọi của Văn phòng mật vụ trong Tổng cục An ninh Đối ngoại của Pháp, cũng như bộ phim truyền hình nhiều tập ‘‘Léna, rêve d’étoile’’ giấc mơ của một diễn viên múa trở thành ngôi sao ballet (tựa tiếng Anh là ‘‘Find Me in Paris’’) đều là những sản phẩm ăn khách ở nước ngoài. Có như vậy, giới sản xuất phim truyền hình Pháp mới hy vọng tìm lại mức xuất khẩu kỷ lục lên tới 63,7 triệu euro trong năm 2017.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký