Covid-19: Tập đoàn Printemps phải đóng nhiều cửa hàng tại Pháp
Đăng ngày:
Sau thương hiệu Fauchon, nay đến phiên tập đoàn Printemps lún sâu vào khủng hoảng tài chính. Với 1,7 tỷ euro doanh thu hàng năm, tập đoàn Printemps nguyên là một hệ thống cửa hàng lớn, có mô hình hoạt động giống như Macy's của Mỹ hay là KaDeWe của Đức. Trước tác động của dịch Covid-19, tập đoàn Printemps thông báo trong tuần qua phải đóng một phần tư các cửa hàng.
Trên lãnh thổ Pháp, tập đoàn này hiện sở hữu tổng cộng 27 cửa hàng lớn, trong đó có 19 cửa hàng mang thương hiệu gốc là Printemps, còn 8 cửa hàng còn lại khai thác thương hiệu Citadium nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Một cách cụ thể, Printemps buộc phải đóng cửa 4 cửa hàng tại thủ đô Paris (nằm trong trung tâm thương mại Italie2), cũng như tại các thành phố khác là Strasbourg, Le Havre và Metz.
Ngoài ra còn có hai cửa hàng Citadium ở Paris (trên đại lộ Champs-Élysées) và quảng trường Nation và một ở trung tâm thành phố Toulon, cũng đành phải ngưng hoạt động. Theo ban giám đốc tập đoàn, trước tác động của dịch Covid-19, Printemps buộc phải tổ chức lại cơ cấu, kế hoạch cắt giảm bớt các hoạt động kinh doanh là để tránh bị thua lỗ quá nhiều, hầu đảm bảo tính bền vững của thương hiệu Printemps.
450 nhân viên có nguy cơ bị mất việc
Còn theo phía đại diện các công đoàn, việc đóng cửa 7 cửa hàng lớn sẽ khiến cho khoảng 450 nhân viên bị mất việc. Trước mắt, gần hai phần ba các việc làm (tức hơn 300 nhân viên) sẽ bị cắt giảm từ đây cho tới mùa hè trước mùa hè năm 2021, tương đương với khoảng 10% tổng số nhân viên, do tập đoàn này hiện tuyển dụng hơn 3.000 người làm việc cho cả hai thương hiệu Printemps và Citadium.
Song song với việc tái cấu trúc, tập đoàn Printemps còn phải chuyển đổi mô hình kinh doanh. Để duy trì doanh thu ở mức 1,7 tỷ euro hàng năm, thương hiệu này có kế hoạch đầu tư 40 triệu euro mỗi năm, trong vòng ba năm liền, một mặt gia tăng các dịch vụ kinh doanh trên mạng, duy trì mặt bằng tại các cửa hàng có doanh thu cao tiêu biểu nhất là cửa hiệu lớn trên đại lộ Haussmann ở thủ đô Paris, đa dạng hóa thành phần khách hàng kể cả người tiêu dùng ở Pháp để tránh bị lệ thuộc quá nhiều vào sức mua sắm của đối tượng du khách nước ngoài.
Ngành phân phối sản phẩm thời trang bị điêu đứng
Theo giới chuyên ngành phân phối, từ trước tới nay, hệ thống các cửa hàng lớn Printemps (cũng giống như Galeries Lafayette) chủ yếu kinh doanh dòng sản phẩm thời trang, rồi sau đó là đồ gia dụng nội thất. Được thành lập kể từ năm 1865, Printemps khai thác cùng một mô hình kinh doanh tại hơn 20 cửa hàng trên khắp nước Pháp. Cửa hàng Printemps quen thuộc nhất nằm trên đại lộ Haussmann, ở Paris quận 9, nằm ngay bên cạnh cửa hàng Galeries Lafayette. Được xem như là đầu tàu của tập đoàn, cửa hàng Printemps quan trọng nhất gồm hai tòa nhà lớn, một dành thời trang phái nữ, mỹ phẩm và đồ trang trí nội thất. Còn tòa nhà thứ hai được dành cho thời trang cũng như các vật dụng dành riêng cho nam giới.
Vấn đề ở đây là ngành may mặc nói riêng cũng như các sản phẩm thời trang nói chung đã gặp nhiều khó khăn từ trước khi có dịch Covid-19. Thị trường y phục may sẵn tại Pháp nhìn chung đã giảm 15% doanh thu trong 5 năm vừa qua. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, đợt phong tỏa đầu tiên đã làm sụp đổ hệ thống các cửa hàng chuyên phân phối áo quần may sẵn như Naf Naf, Camaieu hay là La Halle. Gần đây, cửa hiệu dây chuyền Celio khá nổi tiếng ở Pháp cũng đã thông báo đóng luôn một phần tư các chi nhánh, tức khoảng 100 trên tổng số 383 cửa hàng buôn bán.
Tuy có nguồn vốn hỗ trợ dồi dào hơn, nhưng tập đoàn Printemps cũng bị dịch Covid-19 làm lung lay chao đảo. Đợt phong tỏa thứ nhì làm cho thương hiệu này càng bị suy yếu hơn, sau nhiều khó khăn dồn dập liên quan tới các buổi đình công cũng như các đợt biểu tình của phong trào “áo vàng. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã làm sụt giảm đáng kể lượng khách du lịch ngoại quốc, vốn đem lại nhiều doanh thu cho cửa hàng "đầu tàu" mang thương hiệu Printemps, nằm trên đại lộ Haussmann. Dịch Covid-19 cũng buộc tập đoàn này xem xét lại một số dự án trong tương lai. Trước hết có nên duy trì hoạt động hay là chuyển nhượng lại quyền khai thác các cửa hàng Printemps tại Andorre ở vùng biên giới Tây Ban Nha, cũng như tại Tokyo, thủ đô Nhật Bản.
Tham vọng chinh phục nước ngoài bị khựng lại
Dự án mở một cửa hàng Printemps vào năm tới tại thành phố Milano, một trong những kinh đô của làng thời trang quốc tế, đã tạm thời bị đình chỉ, nhất là khi nhiều thành phố Ý bước vào đợt phong tỏa thứ nhì. Ngoài ra, tập đoàn Printemps cũng dự trù khai trương trong năm 2021 một cửa hàng khổng lồ tại Qatar. Nằm ở trung tâm thủ đô Doha, cửa hàng này rộng hơn 35.000 m² và các quầy bán hàng được dàn trải trên nhiều tầng. Mục tiêu của tập đoàn Printemps là nhân gấp đôi doanh thu, từ 1,7 tỷ lên thành 3 tỷ rưỡi euro trong 10 năm tới thông qua chiến lược gia tăng mặt bằng kinh doanh tại các nước giàu. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm khựng lại tham vọng phát triển của tập đoàn này.
Đối với người dân thủ đô Paris, nhắc tới chữ Printemps, người Pháp nghĩ tới ngay các tủ kính trưng bày lộng lẫy, đặc biệt là nhân dịp chào đón Lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch. Hẳn chắc là sinh hoạt truyền thống này sẽ không thay đổi gì nhiều năm nay, cũng như việc thắp sáng đại lộ Champs-Élysées vẫn được tiến hành trong tuần tới nhưng hẳn chắc là không có sự hiện diện đông đảo của khán giả.
Trước khi Paris bị phong tỏa lần thứ nhì, khách bộ hành đi dạo một vòng các con đường có nhiều cửa hàng buôn bán như đường Rivoli, hay Saint-Antoine gần Tòa Đô chính, đường Marbeuf hay Ternes,
Faubourg Saint Honoré hay đại lộ Montaigne gần phố Champs-Élysées, rất nhiều doanh nghiệp đang có nguy cơ bị phá sản. Những con lộ "huyết mạch" ấy năm nào còn nhộn nhịp sầm uất, nhưng vào cuối năm nay, bầu không khí lại có thể trở nên buồn tẻ vắng vẻ, nếu như tình hình dịch bệnh còn dây dưa kéo dài.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký