Di sản cồng kềnh của hoàng đế Pháp Napoléon
Đăng ngày:
Đúng 200 năm kỷ niệm ngày giỗ Napoléon, hàng loạt những câu hỏi về dấu ấn đối với lịch sử mà vị hoàng đế từng thống trị một phần lớn châu Âu này để lại. Là một trong ba nhân vật tiêu biểu nhất của lịch sử Pháp cùng với tướng de Gaulle, vị nữ anh hùng Jeanne d’Arc, Napoléon Bonaparte đã để lại biết bao nhiêu dấu ấn cho thủ đô Paris.
Nhưng tại sao không một đại lộ hay quảng trường nào của thành phố tráng lệ đó mang tên ông ngoại trừ đường Bonaparte khu Saint Germain des Prés - quận VI ?
Ngày 05/05/1821 hoàng đế Napoléon qua đời tại Sainte Hélène, một hòn đảo nhỏ chơi vơi ở nam Đại Tây Dương. Hai trăm năm sau, tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì buổi lễ tưởng niệm « một vị tướng tài có công với đất nước » nhưng kèm theo đó là « hàng trăm ngàn sinh mạng phơi thây trên chính trường. Chính Napoléon đã không biết bao nhiêu lần vào sinh ra tử, nhưng ông cũng là người tái lập chế độ nô lệ. Lịch sử cũng không quên rằng tướng Bonaparte đã thâu tóm quyền lực sau cuộc đảo chính ngày 09/11/1799, giải tán Hội Đồng Chấp Chính –Directoire và 5 năm sau đó ở cương vị Tổng Tài – 1er Consul, Napoléon Bonaparte tự phong chức hoàng đế, khai tử nền Đệ Nhất Cộng Hòa Pháp.
Napoléon trong mắt người nước ngoài
Văn hào Pháp François René de Chateaubriand của thế kỷ 19 từng thốt lên rằng « Sinh thời, Napoléon lỡ hẹn với thế giới, chết đi thì ông đã chính phục cả thiên hạ ». Câu nói đó vẫn còn tính thời sự.
Napoléon Bonaparte đã và vẫn có sức thu hút rất lớn không chỉ với công luận Pháp mà cả với phần còn lại của thế giới. Đồng giám đốc trung tâm bán đầu giá Osenat, Jean-Christophe Chataignier giải thích : « Trong mắt dân Mỹ Napoléon là hình ảnh của một người tay trắng dựng lên cơ đồ. Với công luận Nga, hoàng đế Pháp trước hết là một nhà chiến lược quân sự còn với công luận Trung Quốc thì Napoléon đơn giản là một vị hoàng đế đầy quyền lực. Với cả thế giới ông là biểu tượng của sự thăng tiến trong xã hội và Napoléon là một huyền thoại ». Riêng tại châu Âu Napoléon Bonaparte đã để lại dấu ấn khắp nơi : các nhà biếm họa của Anh chế nhạo ông « tướng lùn » của Pháp bên thua cuộc trong trận hải chiến Trafalgar 21/10/1805. Hình ảnh Napoléon để lại trong công luận Tây Ban Nha là bức tranh của họa sĩ Francisco Goya với dân chúng Madrid bị hành hình sau cuộc nổi dậy chống đội quân Napoléon. Từng đem quân xâm chiếm nước Nga và đã nhận lấy vị đắng của thất bại, hoàng đế Pháp dù vậy vẫn được công luận Nga ngưỡng mộ như một người « mở rộng bờ cõi cho đất nước ».
Với người dân Đức ngày nay, tuy vẫn còn nhớ các đợt vùng lên chống các biện pháp phong tỏa mà hoàng đế Pháp đã áp đặt nhưng không ít người dân xứ này cho rằng « nhờ có Napoléon là nước Đức được hình thành ». Đây cũng là cảm tưởng của không ít người dân Ý cho dù Napoléon từng xem nước Ý là sân sau của Pháp. Nổi bật hơn cả là tại Ba Lan, cho đến ngày nay, bản quốc ca của nước này vẫn có câu : « Bonaparte là tấm gương chỉ dẫn con đường dẫn tới chiến thắng ».
Quan điểm của người Pháp về một vị hoàng đế
Thế còn về di sản Napoléon để lại cho người Pháp ? Ngày nay trường Lycée đón học sinh trung học cấp ba đến huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, từ thể chế hành chính của nước Pháp … đều mang nặng dấu ấn của vị hoàng đế qua đời cách nay 200 năm.
Napoléon đệ nhất cũng là cha đẻ của bộ Luật Dân sự Code Civil – còn được gọi là Code Napoléon. Được ban hành vào tháng 3/1814 đây là bộ luật đầu tiên quy định về quan hệ giữa Nhà nước và các công dân, giữa các công dân trên nước Pháp… Năm 1815 vị hoàng đế bị lật đổ phải sống lưu vong trên đảo Sainte Hélène đã tâm sự với một công tác viên trung thành là bá tước Montholon rằng « niềm tự hào của ta không phải là đã thắng 40 trận chiến. Chỉ một Waterloo cũng đủ để cuốn trôi đi tất cả những thành tích đó. Nhưng không gì xóa nổi bộ Luật Dân sự : văn bản đó sẽ tồn tại mãi mãi ».
Dù vậy với thời gian, ngay cả bộ Luật Napoléon cũng gây nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng dù không hoàn hảo, văn bản đó tạo điều kiện để các công dân được bình đẳng trước pháp luật. Một số khác thì chú trọng đến những điều khoản bị chỉ trích mang tính « trọng nam khinh nữ ». Cựu bộ trưởng Tư Pháp, Robert Badinter từng cho rằng Luật Napoléon được soạn ra để dành riêng cho nam giới với tư cách là những « người chủ, người chồng và người cha trong gia đình » phụ nữ thuộc một « đẳng cấp thấp hơn ». Mãi đến năm 1970 điều khoản quy định « người chồng phải che chở cho người vợ và đổi lại thì vợ phải biết vâng lời chồng » mới được điều chỉnh để vợ chồng có trách nhiệm ngang nhau.
Cho đến tận ngày nay, gần một nửa trong số 2.281 điều khoản ban đầu được quy định trong bộ Luật Napoléon vẫn còn được giữ lại.
Quan trọng không kém là nhờ các trận chiến vào sinh ra tử, chinh phục từ Bỉ xuống đến tận Thụy Sĩ và Ý mà ảnh hưởng của bộ Luật Napoléon đã lan rộng ra khắp châu Âu. Sau ngày hoàng đế Pháp qua đời, bộ Luật Dân sự mang tên ông tiếp tục hành trình vươn đến các vùng thuộc địa của Pháp từ châu Á đến châu Phi.
Chủ đề Napoléon, con gà đẻ trứng vàng
Một điều thú vị khác là những gì từng gắn bó với nhân vật huyền thoại này đều rất có giá trị. Osenat tổ chức một cuộc bán đấu giá đặc biệt trong hai ngày 05 và 06/05/2021. Trong số 365 lô được đem bán đấu giá trong lâu đại Fontainbleau có một chiếc vòng cổ bằng vàng, quấn những sợi tóc của vị hoàng đế Pháp ; có chiếc áo được cho là Napoléon đã mặc sau trận Waterloo, có một chiếc khăn tay từng thuộc về người chồng của hoàng hậu Joséphine. Hàng trăm người đủ mọi quốc tịch đã ghi danh để tham dự hai buổi bán đấu giá lần này.
Đối với các nhà xuất bản, nhà in, Napoléon cũng là con gà đẻ trứng vàng : tranh ảnh, sách vở về Napoléon bán chạy hơn nhiều so với những sản phẩm dành cho tướng de Gaulle hay vua Louis thứ XIV.
Ngay cả với giới trẻ, Napoléon cũng là một đề tài có sức lôi cuốn rất lớn. Gần đây một toán sinh viên đã ghi danh để được nghiên cứu bản thảo về trận đánh Austerlitz (02/12/1805) mà hoàng đế Pháp đã ghi chú, chỉnh sửa. Austerlitz không chỉ là thắng lợi vẻ vang nhất của Napoléon mà đến nay vẫn được coi là một « trận đánh kinh điển » được các trường đào tạo quân tiếp tục mổ sẻ : ít quân hơn phe địch, nhưng Napoléon đã đấu trí và gài bẫy kẻ thủ và đã giành được một « thắng lợi toàn diện ».
Về khối lượng sách vở viết về Napoléon, nhà sử học Jean Tulard, tác giả của khoảng trên dưới 50 tác phẩm chỉ dành riêng cho vị hoàng đế Pháp đưa ra con số 80.000 tập sách và chương trình nghiên cứu. Thư viện quốc gia Pháp khiêm tốn thống kê được 18.000 ấn phẩm có mang tựa đề Napoléon nhưng trong đó bao gồm cả những sách vở viết về hoàng đế Napoléon III.
Thủ đô Paris và di sản Napoléon
Phải chăng vì những tranh cãi chung quanh « di sản cồng kềnh » với nhiều « công » và « tội » mà thủ đô Paris tránh né, không đặt tên Napoléon cho bất kỳ một con đường nào, hay quảng trường, công viên thành phố ?
Chantal Prévot, chủ nhiệm cuộc triển lãm mang tên « Napoléon n’est plus » tại Bảo Tàng Quân Đội – Paris giải thích : khi Đế Chế Napoléon I sụp đổ, con đường mang tên ông bị đổi tên thành Đường Hòa Bình, đại lộ Napoléon trở thành Đại Lộ Opéra.
Napoléon bị xóa tên vì ở cương vị hoàng đế ông đã tập trung quyền lực, cai trị đất nước với một bàn tay sắt. Tuy nhiên, đường Bonaparte ở quận 6 Paris thì vẫn được giữ nguyên để ghi công viên tướng Bonaparte, người hùng trong giai đoạn Cách mạng Pháp 1789.
Dù vậy Paris là nơi ghi lại nhiều dấu ấn của hoàng đế Pháp gốc từ đảo Corse này hơn cả : 25 trạm métro mang tên những trận đánh vẻ vang của Napoléon, từ trận Wagram năm 1809 đến Friedland năm 1807 hay mang tên những chiến dịch quân sự lẫy lừng như Les Pyramides nhắc lại chiến công của hoàng đế Pháp ở Ai Cập. Thế rồi những tượng đài như Khải Hoàn Môn, quảng trường Concorde, đường Rivoli đều mở ra những trang sử oai hùng thời Napoléon. Còn nhà thờ Madeleine ở quận 8 Paris được kiến thiết như một đền thờ cổ ở Hy Lạp để vinh danh những thành tích của đội quân Napoléon. Đây là một trong những nhà thờ hiếm hoi trên đất Pháp không có cây thánh giá hay tháp chuông quen thuộc.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký