Covid-19 : Châu Á tự vệ trước nguy cơ đợt lây nhiễm thứ nhì
Một "làn sóng" dịch Covid-19 thứ nhì từ châu Âu, Mỹ và Trung Đông tràn sang là kịch bản toàn châu Á đang hy vọng tránh khỏi. Các biện pháp kiểm soát người nước ngoài đặt chân đến châu Á đang được siết chặt. Cả Bắc Kinh lẫn Seoul đều lo ngại trước những ca bệnh du nhập "từ bên ngoài".
Đăng ngày:
Tính đến ngày 19/03/2020, số ca tử vong tại Ý đã vượt quá số nạn nhân tại Trung Quốc. Iran bị xem là " lò lửa" tại Trung Đông. Châu Mỹ cũng không còn là vùng virus corona "bất khả xâm phạm".
Các số liệu thống kê cho thấy từ Trung Quốc đến Hàn Quốc và nhất là Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, cuộc chiến chống Covid-19, đã rất hiệu quả, đà lây lan đã được kềm hãm. Tỷ lệ tử vong ở những người bị nhiễm tại Trung Quốc, và đặc biệt là tại Đài Loan, Hồng Kông, rất thấp. Chính vì thế, từ nhiều ngày qua các chính quyền trong vùng đã lo bảo vệ bức tường thành còn mong manh đó để đối phó với virus corona.
Là ổ dịch chính tại châu Á, trong hai ngày liên tiếp, Trung Quốc thông báo không có thêm ca lây nhiễm trong nước, nhưng số bệnh nhân từ nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng nhanh, với hơn 30 người mỗi ngày. Trung Quốc đã mở lại bệnh viện từng được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân SARS hồi 2002-2003 để theo dõi những trường hợp này. Trong tuần tất cả những hành khách châu Âu đến Bắc Kinh đều được yêu cầu tự cách ly tại một số khách sạn đặc biệt. Riêng người độc thân hay phụ nữ mang thai thì được cách ly tại nhà.
Mối lo ngại dịch Covid-19 bùng phát đợt hai đã được thể hiện qua tuyên bố của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông hôm 17/03/2020 : « Tại rất nhiều nơi trên thế giới số người nhiễm virus corona đang bùng nổ, nếu không có những biện pháp ngăn ngừa nghiêm ngặt (...) tôi e rằng tất cả những nỗ lực của chúng ta trong hai tuần qua sẽ vô ích ».
Về phần Hàn Quốc, trong bốn ngày liên tiếp, nước này thông báo số ca lây nhiễm mới vẫn dưới ngưỡng tâm lý 100 người. Có nhiều hy vọng nước này đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, các giới chức y tế Hàn Quốc vẫn trong tình trạng báo động trước khả năng những ổ dịch mới bùng phát. Ngoài hai ổ dịch chính là Daegu và Bắc Gyeongsang, đến lượt Seoul, Incheon và tỉnh Gyeonggy đã phát hiện 35 ca trong ngày Thứ Năm 19/03/2020.
Tương tự như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng lo ngại nguy cơ người nước ngoài đem bệnh về cho xứ mình. Để phòng ngừa kịch bản tai hại đó, từ Chủ Nhật 22/03/2020 tất cả những người nhập cảnh vào Hàn Quốc đều phải tự cách ly trong vòng 14 ngày, cho dù không có triệu chứng bị viêm phổi, ho, sốt ... Quyết định này được đưa ra sau khi 44 hành khách đem bệnh vào Hàn Quốc.
Tại Đài Loan, 24 những ca lây nhiễm mới đều du nhập từ bên ngoài. Tại Singapore, 11 trên tổng số 17 ca nhiễm được thông báo hôm đầu tuần (16/03/2020) cũng trong diện này.
Tuy nhiên, nếu như dịch bệnh đã thuyên giảm tại Trung Quốc, Hàn Quốc hay Đài Loan, Hồng Kông ... thì ngay trong khu vực châu Á, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đang trở thành những điểm nóng.
Để tự vệ, các nước châu Á có hai phương án : Thứ nhất là cách ly hay phạt nặng những ai không thi hành nghiêm chỉnh các quy định y tế của chính quyền sở tại, như trường hợp của Hồng Kông hay Đài Loan. Biện pháp thứ nhì là tạm ngưng cấp visa nhập cảnh. Đây là giải pháp Việt Nam đã chọn.
Thế nhưng, nhà nghiên cứu Anne Wilkinson, thuộc Viện Nghiên Cứu và Phát Triển của Anh Quốc báo động : những khu nhà ổ chuột từ Philippines đến Ấn Độ có thể là những "quả bom nổ chậm". Đây là nơi có mật độ dân số cao, điều kiện vệ sinh tối thiểu không được bảo đảm.
Theo một báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới năm 2017, tại châu Á Thái Bình Dương có khoảng 250 triệu dân sống trong những khu nhà ổ chuột. Tại Trung Quốc, Philippines và Indonesia, có nhiều nơi dân cư không có nước sạch để dùng, không có xà phòng rửa tay, thì cầm chắc đó sẽ là những ổ dịch mới của virus corona.
Cho dù một nửa dân số Philippines, kể cả tại thủ đô Manila, được kêu gọi ở yên trong nhà, nhưng còn dân cư tại các khu ổ chuột thì sao ? Có gì cấm cản họ đi vào thành phố ? Tới nay, cả Ấn Độ lẫn Indonesia đều không ban hành bất kỳ một lệnh phong tỏa nào và cũng không thấy Jakarta hay New Delhi có kế hoạch ngăn chận dịch tại những khu nghèo đó.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký