Virus corona : TT Pháp Macron trước những thách thức kinh tế và xã hội
Tại Pháp, dịch bệnh viêm phổi do siêu vi corona chủng mới đã làm cho 1.100 người chết và hơn 22.300 người nhiễm bệnh. Các bệnh viện Pháp, đang trong tình trạng quá tải, lo ngại dòng bệnh nhân ồ ạt đổ về trong những ngày đỉnh dịch sắp tới. Thế nhưng, bất chấp khuyến nghị của Hội đồng Khoa học và yêu cầu của giới y khoa, tổng thống Emmanuel Macron kiên quyết gạt giải pháp « phong tỏa triệt để » trên toàn quốc. Vì sao ?
Đăng ngày:
Ngày thứ Ba, 24/03/2020, Hội đồng Khoa học Pháp khuyến nghị kéo dài thời hạn phong tỏa cả nước hiện nay cho đến ngày 28/04/2020, thay vì đến ngày 31/3 như thông báo ban đầu. Theo giới chuyên gia, đây là thời gian cần thiết cho phép đánh giá được « hiệu quả dịch tễ của việc phong tỏa, hạn chế đi lại ».
Hội đồng Khoa học còn đề xuất hai giải pháp nhằm ngăn chận đà lây và hạn chế tình trạng quả tải cho các bệnh viện : Thứ nhất, « siết chặt hơn nữa các biện pháp phong tỏa hiện nay trên toàn quốc trong tình thần bình đẳng ». Thứ hai, « áp dụng nghiêm ngặt lệnh phong tỏa theo các phương thức hiện nay, nhưng không thay đổi các quy định đang có hiệu lực trên toàn quốc ».
Bất chấp các yêu cầu của giới y khoa, tổng thống Macron gạt bỏ giải pháp phong tỏa triệt để cả nước. Theo nguyên thủ Pháp, mô hình ngăn chận virus theo kiểu Trung Quốc mà Ý đang áp dụng hiện nay có nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội.
Xác định đâu là những ngành nghề không thiết yếu nếu như phải phong tỏa, cách ly cả nước, đó không phải là một chuyện đơn giản. Chủ nhân điện Elysée nhắc lại rằng « Pháp cũng không phải là Trung Quốc », nên các quyền tự do của công dân phải được tôn trọng.
Đâu sẽ là điểm giao thoa cho phép dung hòa giữa những đòi hỏi về an toàn dịch tễ và khả năng chấp nhận của người dân ? Đây cũng là một câu hỏi khó. Chính quyền Macron e ngại rằng nếu siết chặt lệnh phong tỏa, quyền tự do bị ảnh hưởng nặng, nguy cơ xảy ra xung đột xã hội như bạo hành gia đình, bạo động tại những khu phố không an toàn là khá lớn.
Theo Le Monde, trong tuần đầu tiên phong tỏa, tại những vùng ngoại ô phía bắc Paris, nhiều vụ va chạm đã xảy ra giữa cảnh sát và người dân trong khu vực. Lệnh phong tỏa đã không được áp dụng nghiêm chỉnh do mối quan hệ giữa cảnh sát và người dân tại đây từ nhiều năm qua đã xuống cấp nghiêm trọng.
Thứ đến, phong tỏa triệt để toàn quốc còn đồng nghĩa với việc các hoạt động kinh tế bị đình trệ hoàn toàn. Theo ông Macron, đây không hẳn là một giải pháp tốt. Người dân lấy gì mà sống nếu thiếu lương thực – thực phẩm, do nông dân bị cấm ra ruộng, nhà máy chế biến thực phẩm bị đóng cửa, xe tải chở hàng bị cấm chạy… ?
Việc bảo đảm nguồn cung ứng lương thực – thực phẩm cho toàn dân, vốn đã bị hạn chế đi lại, là điều thiết yếu. Phong tỏa hoàn toàn, tuyệt đối, như Trung Quốc đã làm, còn gây ra tình trạng khan hiếm, làm dấy lên làn sóng hoảng loạn có thể gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng hơn là từ cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay. Tình trạng này sẽ gây ra nhiều cái chết hơn nhưng không phải là do virus corona.
Đương nhiên, chống dịch vẫn là ưu tiên nhưng phải thích hợp với nhu cầu thực tế. Với nguyên thủ Pháp, nếu muốn dân ở nhà thì nên cung cấp đầy đủ phương tiện để dân thực hiện.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký