PHÂN TÍCH

Bắc Triều Tiên “thận trọng” trút cơn thịnh nộ lên Hàn Quốc

Hình ảnh vụ nổ đánh sập văn phòng liên lạc liên Triều tại Kaesong, trên đất Bắc Triều Tiên ngày 16/06/2020. Ảnh do KCNA công bố.
Hình ảnh vụ nổ đánh sập văn phòng liên lạc liên Triều tại Kaesong, trên đất Bắc Triều Tiên ngày 16/06/2020. Ảnh do KCNA công bố. via REUTERS - KCNA

Sau đúng hai năm tan băng, và đã ba lần lãnh đạo Bắc Triều Tiên bắt tay với tổng thống Mỹ, Washington vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng, đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên hoàn toàn bế tắc. Phải chăng Bắc Triều Tiên cần khiêu khích để quốc tế phải chú ý đến và khởi động lại đàm phán hạt nhân với Mỹ?

Quảng cáo

Trong tính toán của Bình Nhưỡng, cần khai thác lá bài Seoul: Trút cơn thịnh nộ “có chừng mực” lên đầu Hàn Quốc mà vẫn tránh được xung đột quân sự. Đó là phân tích của chuyên gia Pháp, Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS, giảng dạy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris – Sciences Po.

Hình ảnh văn phòng liên lạc liên Triều tại khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng của giai đoạn tan băng giữa Bình Nhưỡng và Seoul bốc khói đã thu hút chú ý của công luận và truyền thông quốc tế. Nhưng đây là một hành động “có tính toán và cân nhắc cẩn trọng” của Bắc Triều Tiên.

Một sự cân nhắc chi ly

Dù vậy chuyên gia Pháp về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho RFI tiếng Việt ngày 16/06/2020 lưu ý : Thứ nhất, Bình Nhưỡng đã rất khôn ngoan chọn thời điểm để trút cơn thịnh nộ lên Hàn Quốc mà biết rằng hành động “khiêu khích và gây hấn đó ít có khả năng dẫn tới xung đột” liên Triều. Bởi Bắc Triều Tiên không sợ Hàn Quốc thay đổi chính phủ sau bầu cử Quốc Hội hồi tháng 4/2020. Đảng của tổng thống Moon Jae In chiếm đa số tuyệt đối. Tổng thống Moon vốn chủ trương chìa bàn tay thân thiên với Bình Nhưỡng. Nhờ vậy Bắc Triều Tiên cầm chắc kịch bản một cuộc đối đầu quân sự với nước làng giềng phía nam sẽ không xảy ra.

Tuy nhiên, chuyên gia Antoine Bondaz không loại trừ khả năng chế độ Kim Jong Un tiếp tục “có những hành động khiêu khích” cả về mặt quân sự. Đây là kịch bản từng xảy ra hồi năm 2010 khi ngư lôi Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc. Cùng năm đó, quân đội Bắc Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo thuộc chủ quyền của Hàn Quốc.

Dấu hiệu thứ nhì cho thấy hiện tại Bắc Triều Tiên chưa vượt qua “lằn ranh đỏ” mà mới chỉ “tấn công vào một biểu tượng”, phá sập một tòa nhà được xây dựng lên bằng vốn của Hàn Quốc và tiêu biểu cho sự hàn gắn được tổng thống Moon khởi động hồi 2018. Nhưng trên thực tế văn phòng liên lạc nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên và hoàn toàn không còn hoạt động từ nhiều tháng qua do tình hình dịch Covid-19. Cảnh tòa nhà bốc khói gây ấn tượng nhưng không hề có đổ máu. Ông Bondaz ghi nhận phía Seoul cũng chỉ phản ứng một cách chừng mực.

Hàn Quốc, bung xung của Kim Jong Un

Điểm thứ ba đáng chú ý trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay là Bình Nhưỡng chỉ trút cơn thịnh nộ lên chính quyền Seoul nhưng tránh để Washington can thiệp. Chuyên gia Antoine Bondaz giải thích : Nếu Bắc Triều Tiên khiêu khích quá đáng, gây thiệt hại cho Hàn Quốc, bắt buộc Mỹ, đồng minh quân sự của Seoul, phải lên tiếng cho dù là tình hình bán đảo Triều Tiên không là mối quan tâm của  Nhà Trắng vào thời điểm này.

Dù vậy trong số tất cả những tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump đã tỏ ra “ít tệ nhất” với chế độ họ Kim. Vẫn theo chuyên gia Bondaz, bất luận chính quyền Mỹ trong sáu tháng nữa thuộc về phe Dân Chủ hay Cộng Hòa, Bắc Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt nếu động chạm đến quyền lợi cốt lõi của nước Mỹ.

Tóm lại những đòn hù dọa từ nhiều tháng qua của chế độ Bình Nhưỡng nhằm nhiều mục đích: bắt thế giới phải quan tâm trở lại đến Bắc Triều Tiên ; tăng thêm sức mạnh đoàn kết trong nước; đổ lỗi cho Hàn Quốc nhu nhược và vô dụng để tiến trình phi hạt nhân hóa bế tắc.

Sau cùng, về mặt chính thức Bắc Triều Tiên không ghi nhận bất kỳ một ca nhiễm Covid-19 nào nhưng khủng hoảng y tế toàn cầu lần này mang lại những “hậu quả kinh tế vô cùng tai hại” cho Bắc Triều Tiên. Đóng cửa biên giới chống dịch khiến giao thương với Trung Quốc hay Nga, hai điểm tựa của chế độ Kim Jong Un, kiệt quệ. Chuyên gia Antoine Bondaz kết luận, Hàn Quốc là “cái bung xung” của chế độ Kim Jong Un để giải thích về những khó khăn của Bắc Triều Tiên hiện tại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế