Covid-19: Vì sao dịch bệnh có chiều hướng lan mạnh trở lại ở Pháp
Là một trong ba nước châu Âu bị Covid-19 tác hại nặng nề nhất trong đợt 1 vừa qua, Pháp càng lúc càng lo ngại trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Các chỉ số mới nhất ghi nhận hôm qua 12/08/2020 đã chứng tỏ thêm rằng mối lo ngại đó không viễn vông chút nào, đặc biệt trong bối cảnh người dân Pháp ngày càng có dấu hiệu buông lơi cảnh giác, thiếu tôn trọng các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo.
Đăng ngày:
Theo thống kệ chính thức công bố tối hôm qua (12/08), nước Pháp đã có thêm 2.524 ca nhiễm virus corona trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Số liệu này rất đáng lo ngại vì đây là số ca nhiễm hàng ngày cao nhất tại Pháp kể từ khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ hôm 11/05, đồng thời cao gấp 1,5 lần số ca nhiễm bình quân trong 2 tuần qua.
Việc gia tăng số ca nhiễm mới càng lúc càng gây lo ngại về làn sóng dịch thứ hai đang ập đến nước Pháp, nhưng bộ trưởng bộ Y Tế Pháp Olivier Véran đã cố trấn an, cho rằng số ca nhiễm tăng cao không đồng nghĩa với việc nước Pháp đang phải đối mặt với làn sóng thứ hai vì chưa thấy có tác động lớn trên các bệnh viện, trái với tình hình hồi tháng Hai, tháng Ba vừa qua.
Dù trấn an để tránh xẩy ra hoảng loạn, nhưng chính phủ Pháp vẫn đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa chống dịch bệnh lây lan, trong đó nổi bật là yêu cầu đeo khẩu trang.
Thủ tướng Jean Castex, ngày 11/08 vừa qua đã khẩn thiết kêu gọi người dân cảnh giác, từ bỏ các hành vi khinh suất, buông thả. Ông đặc biệt thuyết phục mọi người đeo khẩu trang và yêu cầu các tỉnh trưởng ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, kể cả ở ngoài trời.
Bộ trưởng Y Tế Pháp đề ra một quy tắc dễ nhớ gọi là ABCD để người dân tự giác đeo khẩu trang trong bốn trường hợp: A chữ đầu của “à risque - có nguy cơ nhiễm bệnh cao” hay âgé – lớn tuổi”, tức là phải đeo khẩu trang khi bản thân đã lớn tuổi, hay bị những bệnh nền; B chữ tắt của “bondé - đông người”, tức là phải mang khẩu trang khi ở một nơi đông nghẹt người. Chữ C gắn với từ “clos – khép kín”, và D là từ tắt của “distance – khoảng cách”, nghĩa là phải mang khẩu trang trong những nơi khép kín hay khi khoảng cách an toàn một mét không thể giữ đươc.
Đối với giới chuyên gia y tế, sở dĩ dịch bệnh đang có chiều hướng lan mạnh trở lại hiện nay, đó là vì đa số người nhiễm virus tại Pháp lúc này lại là những người trẻ, trong độ tuổi từ 20-40 tuổi, một thành phần có xu hướng thích tụ tập, ham vui và phớt lờ các cảnh báo.
Là giới ít bị virus ảnh hưởng nặng, và thường không có triệu chứng, nhưng đây là thành phần phát tán virus, và càng có nhiều người trẻ bị nhiễm virus, thì nguy cơ lây lan qua những thành phần khác càng cao, làm cho tình hình khó kiểm soát.
Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, chính phủ Pháp đang nỗ lực lên tiếng cảnh báo về nguy cơ, kêu gọi tinh thần trách nhiệm của mọi người, đặc biệt là giới trẻ.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng sẽ dùng đến những biện pháp mạnh hơn như tăng cường lực lượng cảnh sát tuần tra, xử phạt nghiêm khắc những người không chịu đeo khẩu trang hay không tuân thủ giãn cách xã hội.
Một số sự kiện có thể dẫn đến tụ tập đông người đã bị hoãn lại hay bỏ hẳn, mà nổi bật nhất là cuộc thi chạy Marathon Paris nổi tiếng thế giới, sau khi đã bị dời lại hai lần và được dự trù vào ngày 15/11 tới đây, rốt cuộc đã bị hủy bỏ hoàn toàn.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký