Mỹ : Joe Biden và thách thức « đoàn kết » quốc gia
Sau thời gian vui mừng với kết quả thu được 290 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden, người sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đã kêu gọi « đoàn kết, ngừng xem đối thủ là kẻ thù » trong bài diễn văn tối 07/11. Tuy nhiên, « đoàn kết » quốc gia sẽ là thách thức lớn nhất trong thời gian tới đối với ông Joe Biden.
Đăng ngày:
Trang LCI của Pháp ngày 08/11 nhận định ông Joe Biden kế thừa nhiệm vụ khó khăn nhất : hòa giải hai nước Mỹ không còn chịu đựng được nhau nữa. Tổng thống mới đắc cử hứa hàn gắn và tập hợp đất nước vì « không có các bang mầu đỏ (Cộng Hòa) hay mầu xanh (Dân Chủ) » mà « chỉ có một nước Hoa Kỳ ». Tuy nhiên, thuyết phục gần 71 triệu cử tri ủng hộ tổng thống đương nhiệm Donald Trump gần như là nhiệm vụ bất khả thi trong thời gian trước mắt.
Ưu tiên đầu tiên của ông Joe Biden là xử lý đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, với việc thành lập một đơn vị để nghiên cứu « kế hoạch chỉ đạo » sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 20/01/2021. Kế hoạch « được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học », trái với những phát biểu và hành động của ông Donald Trump xem nhẹ mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19.
Vấn đề ở chỗ là những người ủng hộ ông Donald Trump vẫn tin vào những lập luận của chủ nhân Nhà Trắng về ưu tiên cho hoạt động kinh tế, việc làm. Nếu tân chính quyền Mỹ đưa ra một số biện pháp bắt buộc để chống dịch, như đeo khẩu trang, liệu người ủng hộ ông Donald Trump có tôn trọng những biện pháp này ?
Thứ hai, ông Donald Trump, luôn lên án gian lận bầu cử bằng những lời lẽ gay gắt mà không đưa ra bằng chứng, bắt đầu một cuộc chiến pháp lý từ ngày 09/11. Những phát biểu của ông Trump không được thượng nghị sĩ Cộng Hòa Mitt Romney ủng hộ. Trong chương trình « Meet the Press » của đài NBC, được trang AP trích dẫn ngày 08/11, thượng nghị sĩ bang Utah cho rằng tổng thống Trump « cần thận trọng trong việc chọn từ ngữ » vì theo ông, những phát biểu như « cuộc bầu cử bị lũng đoạn, bị đánh cắp hay gian lận » là « ngôn từ của các nhà độc tài trên thế giới » và điều này ảnh hưởng đến niềm tin vào tiến trình dân chủ Mỹ.
Ông Donald Trump vẫn khẳng định chiến thắng, cho dù dường như nhiều người thân cận của ông khuyên ông chấp nhận thất cử. Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Trump tỏ ý hợp tác trong tiến trình chuyển giao quyền lực. Chủ nhân Nhà Trắng còn kiên quyết, thì những người ủng hộ ông vẫn sôi sục « đòi tìm công lý ». Chia rẽ giữa hai phe sẽ còn sâu sắc và khó hàn gắn.
Một nỗ lực khác nhằm « đoàn kết » đất nước, theo AP, sẽ được thể hiện qua thành phần tân nội các của tổng thống thứ 46. Ông Joe Biden đã thành công trong việc tập hợp toàn đảng Dân Chủ, từ phe cấp tiến đến cánh trung trong đảng, để đánh bại tổng thống-ứng viên Donald Trump. Ông Biden dự định tham khảo các nhà lãnh đạo lập pháp và thống đốc của cả hai đảng để lập chính quyền mới trong những ngày tới, theo phát biểu của Ted Kaufman, cố vấn chính của ông Biden.
Dựa vào tuyên bố của Biden rằng ông sẽ là tổng thống của « tất cả người dân Mỹ », có thể dự đoán là chính quyền mới sẽ bao gồm nhiều nhiều nhân vật thuộc đảng Cộng Hòa ở những vị trí cấp cao, vẫn theo AP. Thực vậy, nhiều cựu quan chức Cộng Hòa đã cắt đứt với tổng thống Trump và ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Biden. Việc bổ nhiệm họ vào chính phủ mới có thể sẽ làm giảm căng thẳng với phe Cộng Hòa ở Thượng Viện, trong bối cảnh đảng này có nhiều khả năng tiếp tục giữ đa số ở Thượng Viện. Tuy nhiên, những nỗ lực hòa giải lưỡng đảng của ông Biden có thể thất bại, nếu ông Trump vẫn từ chối nhượng bộ trong cuộc đua tổng thống.
Ngoài ra, tỏ ra quá thân thiện với đảng Cộng Hòa cũng có thể làm phật lòng phe cấp tiến cực tả trong đảng Dân Chủ. Một số người đã bắt đầu lo ngại các thượng nghị sĩ Cộng Hòa không hợp tác có thể sẽ buộc ông Biden giảm bớt những cam kết đầy tham vọng trong chiến dịch tranh cử của ông, như về y tế, đầu tư của liên bang vào công nghệ xanh trong tiến trình khôi phục kinh tế hậu Covid-19, tạo việc làm để chống biến đổi khí hậu…
Tóm lại, đối với đội ngũ của tổng thống tân cử, khó khăn trước mắt cản trở « đoàn kết » chính là tổng thống mãn nhiệm. Hai bên phải hợp tác mới có thể tránh được tình trạng chính quyền bị tê liệt hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại tổng thống Trump « sẽ chiến đấu đến cùng », vẫn theo thượng nghị sĩ Mitt Romney, nhưng ông « cũng chắc rằng một khi đã hết mọi biện pháp, ông ấy (Donald Trump) sẽ chấp nhận điều không tránh được ».
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký