PHÁP - HƯU BỔNG

Công đoàn Pháp đẩy mạnh phong trào chống cải tổ hưu bổng

Trên toàn nước Pháp vào hôm nay, lại có hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu người xuống đường để bày tỏ thái độ phản đối dự luật kéo dài thời gian lao động của công nhân viên chức đang được Quốc hội xem xét. Với ngày hành động thứ ba trong không đầy một tháng, từ đầu tháng 9 đến nay, các công đoàn Pháp hy vọng vận động được từ hai đến ba triệu người xuống đường biểu tình để gây áp lực buộc chính quyền lùi bước.

Biểu tình của các nghiệp đoàn chống dự luật hưu bổng tại Marseille (07/09/2010)
Biểu tình của các nghiệp đoàn chống dự luật hưu bổng tại Marseille (07/09/2010) REUTERS/Jean-Paul Pelissier
Quảng cáo

Để đạt được chỉ tiêu mong muốn, ban tham mưu của các nghiệp đoàn đã quyết định chọn ngày Thứ bẩy để biểu tình, nhằm tạo điều kiện cho nhiều tầng lớp dân chúng mới tham gia. Thật vậy, Thứ bẩy là ngày mà người lao động trên nguyên tắc được nghỉ, không phải đi làm, do đó họ có khả năng cùng với toàn thể gia đình đi biểu tình nhiều hơn, nhất là khi họ không phải đình công và bị trừ lương.

Theo ghi nhận của giới báo chí, hai ngày biểu tình vừa qua, dù được cả triệu người tham gia, nhưng chủ yếu thu hút giới tích cực hoạt động công đoàn, các thành phần công chức, hoặc những người đã hưu trí, còn giới học sinh, sinh viên hay tư chức, bận việc làm hay việc học đã không thể xuống đường như mong muốn.

Và có dấu hiệu cho thấy, càng ngày càng có nhiều người Pháp không tán đồng việc kéo dài hạn tuổi lao động do chính phủ chủ trương. Trong một cuộc thăm dò ý kiến do viện CSA thực hiện và được nhật báo L’Humanité công bố vào hôm nay, có đến 71% người được hỏi xác định là ủng hộ hay có cảm tình với ngày hành động thứ ba chống dự luật cải tổ chế độ hưu bổng.

71%, tỷ lệ được tờ báo đánh giá là « kỷ lục », thể hiện xu hướng của công luận Pháp ngày càng hậu thuẫn cho phong trào phản đối chính phủ. Theo kết quả các cuộc thăm dò ý kiến nhân hai cuộc biểu tình vừa qua, cũng do viện CSA thực hiện, tỷ lệ người ủng hộ cuộc biểu tình ngày 7/9 đã là 62%, sau đó tăng lên thành 68% nhân ngày hành động thứ nhì hôm 23/9.

Câu hỏi đặt ra là áp lực của đường phố sẽ tác động ra sao trên chính phủ. Cho đến giờ này, cả tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lẫn thủ tướng François Fillon đều tỏ thái độ kiên quyết thúc đẩy kế hoạch cải tổ, bất chấp dư luận phản đối ngày càng mạnh. Theo ông Fillon, cải tổ chế độ hưu bổng tại Pháp là một công việc « cần thiết và hợp lý ».

Hiện nay, dự luật đã được Quốc hội Pháp thông qua, và đã được chuyển lên Thượng viện xem xét tiếp kể từ ngày mồng 5 tới đây. Giới công đoàn hy vọng là nếu số lượng người tham gia phong trào phản đối tăng thêm, điều đó có thể khiến cho các thượng nghị sĩ phải suy nghĩ khi bỏ phiếu về dự luật.

Dẫu sao thì các nghiệp đoàn cũng đã dự trù những bước hành động kế tiếp. Trước mắt, họ đã kêu gọi một ngày hành động rầm rộ vào hôm 12 tháng 10 tới đây, với những cuộc biểu tình và đình công khắp nơi.

Vấn đề đặt ra cho các công đoàn Pháp là : cho dù tất cả đều đồng ý thúc đẩy phong trào phản đối, thế nhưng họ chưa hoàn toàn nhất trí với nhau về mục tiêu đấu tranh. Hai công đoàn Force Ouvrière và Solidaires thì muốn chính phủ hủy bỏ hẳn kế hoạch cải tổ, trong lúc các tổ chức còn lại thì chủ trương cải thiện một số biện pháp ghi trong dự luật.

Theo giới quan sát, chính phủ Pháp chắc chắn sẽ tranh thủ các bất đồng kể trên để phá vỡ phong trào phản đối để thông qua kế hoạch cải tổ được tổng thống Sarkozy xem là tiêu biểu nhất trong nhiệm kỳ của ông.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế