PHÁP

Biểu tình tiếp diễn : chính phủ Pháp không lùi bước

Các công đoàn Pháp tiếp tục kêu gọi biểu tình, chính phủ kiên quyết không nhượng bộ dự luật cải cách hưu bổng. Cuộc đọ sức giữa hai bên vẫn chưa thể kết thúc. Chiều nay, các công đoàn họp lại để quyết định một ngày đình công biểu tình khác, trong khi chính quyền cố gắng giải tỏa các kho dự trữ xăng dầu bị người biểu tình phong tỏa.

Sinh viên và học sinh trung học cũng được kêu gọi đi biểu tình (Reuters)
Sinh viên và học sinh trung học cũng được kêu gọi đi biểu tình (Reuters)
Quảng cáo

Phong trào đấu tranh dường như không suy giảm. Sáng nay, tổng thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, CGT Bernard Thibault đã kêu gọi một ngày hành động mới vào tuần tới. Ông tuyên bố "không có lý do gì dừng lại" phong trào phản đối cải cách. Một công đoàn lớn khác là CFDT cũng đã tỏ ý ủng hộ đề nghị này.

Ngày hành động cụ thể này sẽ được thông qua vào cuộc họp chiều nay giữa các công đoàn, có thể sẽ là thứ ba hoặc thứ năm tuần tới. Sinh viên học sinh trung học cũng được kêu gọi đi biểu tình. Ngày hôm nay, theo bộ Giáo dục Pháp, khỏang 312 trường trung học bị xáo trộn. Trong những ngày qua, nhiều cuộc biểu tình của học sinh trung học đã bị biến tướng sang các hành động phá phách.

Nước Pháp đang phải đối mặt với nguy cơ bị tê liệt nặng nề do tác động của phong trào đấu tranh trong ngành năng lượng, giờ đang trở thành cách gây sức ép chính của người biểu tình. Trong cả nước, 12 nhà máy lọc dầu bị tê liệt, 14 trên tổng số 219 kho dự trữ nhiên liệu bị người biểu tình phong tỏa. Hơn ¼ các trạm bán xăng dầu trên cả nước không họat động vìe không được cung cấp, số còn lại phải họat động nhỏ giọt. Tổng thống Sarkozy hôm qua đã phải ra lệnh cho bộ nội vụ huy động lực lượng giải tỏa các kho chứa xăng dầu bị chiếm giữ.

Giao thông vận tải đã được cải thiện hơn so với vài ngày trước nhưng vẫn tiếp bị rối loạn bởi người biểu tình tìm cách phong tỏa các tuyến đường sắt, đường bộ và cảng hàng không. Tình hình vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng trong khi mà cuối tuần này, người dân Pháp bắt đầu kỷ nghỉ lễ Chư thánh, nhu cầu đi lại sẽ lớn hơn rất nhiều so với ngày thường.

Các công đoàn vẫn muốn tiếp tục huy động phong trào kéo dài từ nhiều tuần qua. Thứ ba vừa qua 3,5 triệu người, theo con số của công đòan, 1,1 triệu theo con số của cảnh sát, đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc cải cách lùi tuổi về hưu từ 60 đến 62 tuổi. Về phần mình, chính phủ vẫn tỏ ra kiên quyết đến cùng để dự luật cải cách hưu bổng được thông qua, cho dù việc bỏ phiếu thông qua tại Thượng viện đã phải dời lại từ tối hôm qua, theo dự tính, sang đến ngày mai 22/10.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế