CHÂU ÂU - KINH TẾ

Châu Âu họp thượng đỉnh bàn kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Cờ của Liên Hiệp Châu Âu và các nước thành viên, trước trụ sở Nghi Viện Châu Âu.
Cờ của Liên Hiệp Châu Âu và các nước thành viên, trước trụ sở Nghi Viện Châu Âu. © AFP

Hôm nay, 19/06/2020, 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã mở cuộc họp thượng đỉnh « ảo » (họp qua video) để thương lượng với nhau về kế hoạch phục hồi kinh tế trong thời kỳ hậu Covid-19, nhằm đưa khối này ra khỏi tình trạng suy thoái.

Quảng cáo

Theo nhận định của hãng tin AFP, kế hoạch huy động đến 750 tỷ euro sẽ đánh dấu một giai đoạn lịch sử trong tiến trình xây dựng châu Âu hợp nhất : Lần đầu tiên số tiền này sẽ được vay mượn trên các thị trường tài chính với danh nghĩa Liên Hiệp Châu Âu. Cho đến nay các nước thành viên của khối này chưa bao giờ chấp nhận vay nợ chung.

Trước cuộc họp thượng đỉnh, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Layen đã thúc giục các lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu nhanh chóng đạt được thỏa thuận về kế hoạch phục hồi kinh tế này.

Cuộc họp thượng đỉnh hôm nay trước hết là dịp để lãnh đạo mỗi nước thành viên nêu rõ các mục tiêu của mình cũng như các điều kiện cho việc thương lượng. Phải cần thêm 1 hoặc 2 cuộc họp thượng đỉnh mới có thể đạt được thỏa thuận, trễ nhất là cuối tháng 7.

Cụ thể, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu sẽ thảo luận về đề nghị của Ủy Ban Châu Âu về một « công cụ phục hồi kinh tế » 750 tỷ euro, chủ yếu dựa trên sáng kiến của thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trên số tiền 750 tỷ này, 500 tỷ euro sẽ được phân bổ lại trong khuôn khổ ngân sách Liên Hiệp Châu Âu dưới hình thức trợ cấp cho những quốc gia bị dịch Covid-19 nặng nhất, 250 tỷ kia sẽ là dưới dạng các khoản cho vay.

Nhưng hiện nay giữa các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu còn rất nhiều bất đồng lớn về số tiền huy động, thời hạn vay, sự cân đối giữa các khoản cho vay và trợ cấp, tiêu chuẩn phân bổ trợ cấp, cũng như điều kiện để các nước thành viên được nhận trợ cấp.

Cho tới nay, 4 nước Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch vẫn rất dè dặt với kế hoạch phục hồi kinh tế nói trên, vốn chủ yếu có lợi cho các nước phía nam. Bốn nước này đề nghị là nên huy động dưới 750 tỷ, và chủ trương kế hoạch nên bao gồm các khoản vay mà mỗi quốc gia sẽ phải trả, hơn là các khoản trợ cấp không bắt buộc phải trả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế