Giải trừ hạt nhân: Mỹ-Nga mở lại đàm phán nhưng không có hy vọng đạt kết quả
Đăng ngày:
Kể từ hôm nay 22/06/2020 và trong vài ngày tới, thủ đô nước Áo là nơi hai siêu cường hạt nhân thế giới đàm phán một thoả thuận mới kiểm soát vũ khí. Thỏa thuận New Start, Mỹ-Nga ký kết năm 2010 sẽ hết hiệu lực vào ngày 05/02/ 2021. Cuộc thương lượng bị đe dọa thất bại ngay từ đầu vì tổng thống Mỹ đòi đề cập đến vấn đề tên lửa của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh đã từ chối.
Theo AFP, hai phái bộ đàm phán đã đến điện Niederösterreich ở Vienna vào sáng nay. Phía Mỹ, đại sứ Marshall Billingslea đại diện cho tổng thống Donald Trump về vấn đề hạt nhân còn phía Nga là thứ trưởng Ngoại giao Sergueï Riabkov. Cả hai đều không đưa ra một lời tuyên bố nào.
New Start, nằm trong khuôn khổ chương trình từng bước giải trừ vũ khí hạt nhân được dự trù trong hiệp định TPN, cấm phổ biến vũ khí nguyên tử (Mỹ và Liên Xô ký năm 1968) giới hạn mỗi bên chỉ giữ 700 dàn phóng chiến lược và 1550 đầu đạn hạt nhân.
Vladimir Putin yêu cầu đàm phán lại từ năm 2019 nhưng Donald Trump đặt điều kiện tiên quyết là phải có Trung Quốc bởi vì Bắc Kinh không minh bạch.
Nhân hội nghị giải trừ vũ khí tại Genève hồi tuần trước, trưởng đoàn Mỹ Robert Wood cho biết thái độ thiếu công khai của Trung Quốc là một "vấn đề" và kho vũ khí hạt nhân sẽ tăng gắp đôi trong 10 năm tới. Phía Nga cũng nhìn nhận lo ngại của Mỹ là có cơ sở nhưng thứ trưởng Sergueï Riabkov tương đối hóa vấn đề .
Mỹ và Nga hiện có trong tay 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Trung Quốc hiện có bao nhiêu không ai biết nhưng theo một chuyên gia Trung Quốc, kho vũ khí của Trung Quốc rất ít. Hỏa lực lý tưởng là 2000 đầu đạn và Trung Quốc sẽ không bao giờ đàm phán với Mỹ và Nga.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký