PHÁP - ĐỨC - CHÂU ÂU

Pháp - Đức thể hiện đoàn kết tái thiết kinh tế châu Âu hậu Covid-19

Thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo chung tại lâu đài Meseberg, gần Berlin, ngày 29/06/2020.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo chung tại lâu đài Meseberg, gần Berlin, ngày 29/06/2020. Hayoung Jeon/Pool via REUTERS

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đón tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 29/06/2020 tại văn phòng chính phủ Đức ở Meseberg, gần thủ đô Berlin. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi áp dụng các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19.

Quảng cáo

Buổi họp song phương, diễn ra chỉ hai ngày trước khi Đức đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, còn nhằm thể hiện tình đoàn kết, bắt đầu từ kế hoạch tái thiết của Ủy Ban Châu Âu nhằm đối phó với hậu quả của dịch virus corona. Kế hoạch này bắt nguồn từ ý tưởng của hai nước.

Thông tín viên RFI Pascal Thibaut tổng kết cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo :

"Chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra được một giải pháp, dù con đường còn dài" ». Thủ tướng Đức Angela Merkel, cũng như vị khách mời Emmanuel Macron mong rằng cuộc họp thượng đỉnh châu Âu trong hai ngày 17 và 18/07 cho phép đạt được một thỏa hiệp về kế hoạch tái thiết 750 tỉ euro do Ủy Ban Châu Âu đề xuất và về ngân sách trong trung hạn của Liên Hiệp Châu Âu.

Tổng thống Pháp, cũng như thủ tướng Đức, muốn trấn an các nước được cho là vẫn « dè dặt », như Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Áo, rằng họ cũng được lợi nếu đạt được thỏa thuận.

Ông Emmanuel Macron từng cho rằng những nước đó không có lợi khi cản trở kế hoạch tái thiết và nhấn mạnh rằng họ cũng hưởng lợi từ thị trường chung. Nguyên thủ Pháp dường như không muốn đi sâu về gói tài chính được đưa ra.

Bà Angela Merkel, người sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu từ ngày 01/07, vẫn trung thành với truyền thống đàm phán của bà, cho rằng một số thay đổi trong kế hoạch của Ủy Ban Châu Âu sẽ giúp thuyết phục được những nước do dự.

Tuy nhiên, thủ tướng Đức nêu rõ quỹ tái thiết, dù nếu có được sửa đổi, sẽ nhằm trợ giúp những nước bị dịch Covid-19 tác động nặng nề nhất về kinh tế. Bà Angela Merkel cũng nêu rõ là cũng không tổn hại gì khi ngân sách trong kế hoạch tái thiết được các nước thụ hưởng sử dụng để cải cách. Về điểm này, có thể thấy là một hướng giải pháp đang được phác họa : những nước « chần chừ » nay nhấn mạnh đến điều kiện trợ giúp.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế