COVID-19 - CHÂU ÂU - DU LỊCH

Liên Hiệp Châu Âu thời hậu Covid -19: Rối rắm chuyện mở cửa biên giới

Khách sạn 5 sao tại Roma vắng tanh ngay trong mùa du lịch. Ảnh chụp ngày 07/07/2020.
Khách sạn 5 sao tại Roma vắng tanh ngay trong mùa du lịch. Ảnh chụp ngày 07/07/2020. REUTERS - Remo Casilli

Vào Tháng Sáu 2020, sau gần nửa năm đóng cửa để chống dịch Covid-19, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định mở cửa biên giới bên trong khối, tái lập quyền tự do đi lại giữa các thành viên. Biên giới bên ngoài của Liên Âu cũng bắt đầu được mở lại, thoạt đầu là cho 15 nước trên thế giới, nhưng từ 16/07/2020, danh sách chỉ còn 13 nước. Vấn đề là mỗi quốc gia lại làm theo ý mình, gây rắc rối không ít cho vấn đề đi lại.

Quảng cáo

Dưới tựa đề hóm hỉnh “Covid-19: 'Trống xuôi kèn ngược' không biên giới”, nhật báo Pháp Libération ngày 14/07/2020 đã nêu bật những điều “không tưởng” đang chờ đón những ai - kể cả người dân Liên Âu - muốn đi nghỉ hè năm nay ở châu Âu.

Trên bình diện chính thức, biên giới bên trong, tức là giữa các thành viên Liên Hiệp Châu Âu và với 4 nước ngoài Liên Âu nhưng thuộc khối tự do đi lại Schengen (Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) được mở lại từ ngày 15/06, và biên giới bên ngoài bắt đầu được mở kể từ ngày 01/07 cho hơn một chục quốc gia có mức rủi ro về Covid-19 thấp hơn hay ngang bằng với mức bình quân ở châu Âu.

Danh sách xanh từ 15 nước bị rút xuống còn 13

Điềm đáng chú ý đầu tiên là danh sách tạm gọi là “xanh” của các nước được Liên Âu chấp nhận không cố định, mà sẽ được xét lại hai tuần một lần. Chính vì vậy mà danh sách ban đầu có hiệu lực từ 01/07 bao gồm 15 nước, đã bị rút xuống chỉ còn 13 quốc gia kể từ ngày 16/07.

Hai nước vùng Balkan là Serbia và Montenegro bị loại, chỉ còn lại 1 nước châu Âu (Gruzia), 4 nước châu Phi (Algéri, Maroc, Rwanda et Tunisia), 6 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương (Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, New Zealand) và 2 quốc gia châu Mỹ (Canada và Uruguay).

Trong danh sách 13 nước vừa kể, trường hợp đặc biệt là Trung Quốc: Công dân nước này chỉ được vào châu Âu một khi công dân châu Âu được quyền vào Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh vẫn từ chối. Ngoài ra, trong danh sách không có Nga, Mỹ hay Brazil, những nước vẫn có nguy cơ cao về Covid-19.

Các thành viên có quyền mở cửa tùy theo lợi ích riêng tư

Quyết định mở cửa biên giới bên ngoài của Liên Hiệp Châu Âu kể trên tuy nhiên chỉ mang tính chất đề nghị. Các nước thành viên Liên Âu có quyền nhận hay không nhận công dân của những nước có tên trong danh sách nói trên. Và đây chính là nguyên nhân tạo ra tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngươc chưa từng thấy trong việc mở cửa biên giới Liên Âu trong những ngày qua.

Lý do gây nên xáo trộn chính là mối lo ngại dịch bệnh bùng lên trở lại và tâm lý nghi kỵ đối với những người nước ngoài bị tình nghi là mang virus. Ngoài ra, mỗi quốc gia thành viên lại có lịch trình riêng, tuân theo lợi ích riêng tư của mình, không lý gì đến những quyết định chung đưa ra ở Bruxelles, khiến cho việc đi lại vô cùng “trắc trở”, nhất là khi dùng máy bay.

Biên giới của một thành viên Liên Âu chẳng hạn, có thể bị đóng lại trong một sớm một chiều đối với khách đến từ một nước nào đó. Chế độ cách ly hay bắt xét nghiệm, cũng khác nhau tùy theo quốc tịch hay xứ định cư của khách đến, chưa kể tới yêu cầu khách đến nộp tờ khai quá trình du lịch mà một số quốc gia đòi hỏi.

Được đón nhận nhưng có rủi ro bị cách ly tại nơi đến

Một ví dụ được báo Libération nêu bật là trường hợp Hy Lạp, đã đòi hỏi là những ai muốn đến nước này phải điền trước vào một tờ khai có trên một website dành cho việc này. Trong tờ khai ngoài thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ thường trú, còn có những nước đã đi trong những tháng gần đây…

Mỗi người sẽ nhận được sau đó một mã QR, sẽ được scan khi đến nơi, cho biết người đó có thể nhập cảnh suôn sẻ hay còn phải chịu xét nghiệm dò tìm virus. Vấn đề là khách chỉ biết “số phận” của mình một khi đến nơi vì không biết được ý nghĩa của mã QR.

Chưa hết! Sau khi qua cửa khẩu, khách đến có thể về nơi ở của mình, nhưng phải tự cô lập 24 tiếng đồng hồ, thời gian đợi kết quả xét nghiệm. Nếu bị kết quả dương tính, người khách và thân nhân đi theo sẽ không bị đuổi về nước, mà “được” cách ly trong một phòng khách sạn dự kiến trong 14 ngày, với mọi chi phí do Hy Lạp đài thọ. Có điều mỗi người sẽ bị cô lập trong phòng, cơm nước được đưa đến tận cửa!

Tuy nhiên theo Libération, cách thức phòng ngừa kể trên cũng khá kỳ lạ, vì khi trong khi chờ đợi kết quả, thì du khách được tự do đi đến nơi đã dự trù và trong khoảng thời gian đó, có thể lây nhiễm cho không biết bao người nếu quả thật bị nhiễm virus…

Thủ tục Hy Lạp đề ra cũng không nêu rõ là khách sẽ được di chuyển như thế nào từ nơi cư trú, có thể là trên một đảo xa xôi, để đến nơi cách ly trong trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính.

Mỗi nước mỗi kiểu quy định

Điểm đáng nói, theo Libération, là những bất ngờ kiểu nói trên đâu chỉ được thấy ở Hy Lạp! Một số nước châu Âu đã có những quy định riêng nhắm vào những đối tượng cụ thể.

Tại Hungari chẳng hạn, người Anh, Bulgari, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Rumani sẽ phải chịu chế độ đón tiếp tương tự như tại Hy Lạp, và danh sách đó thay đổi từng ngày. Còn tại Slovenia, đối tượng bị nhắm không có người Anh, nhưng có thêm người Luxembourg.

Riêng tại Tây Ban Nha, do dịch bệnh bùng lên trở lại, khách đến phải điền vào bản theo dõi đi lại như ở Hy Lạp, nhưng công dân Liên Hiệp Châu Âu thì được miễn xét nghiệm.

Tại Đan Mạch, người Bồ Đào Nha bị cấm vào, cũng như người Thụy Điển, ngoại trừ cư dân hai vùng cụ thể. Biên giới của Ba Lan cũng vẫn còn đóng đối với người đến từ Anh Quốc, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Ireland. Danh sách các ngoại lệ này tiếp tục dài thêm.

Mở cửa không đồng loạt

Đối với các nước ngoài Châu Âu thì tình hình càng lộn xộn hơn. Dù quyết định mở cửa biên giới bên ngoài cho các nước trong danh sách xanh có hiệu lực từ 01/07, rất nhiều thành viên Liên Âu vẫn từ chối mở cửa cho một số nước cụ thể.

Theo Libération, vào hôm 01/07 chẳng hạn, chỉ có 7 quốc gia là đón lại các chuyến bay đến từ 14 nước trong danh sách xanh đợt 1. Đó là Ý, Hà Lan, Thụy Điển, Luxembourg và 3 quốc gia vùng Baltic. Bốn nước Rumani, Ireland, Áo và Bỉ thì vẫn hoàn toàn đóng cửa đối với các quốc gia ngoài Liên Hiệp.

Ngay cả Pháp cũng vẫn đóng cửa với Algeri, trong lúc Hy Lạp thì cấm người đến từ Serbia. Còn Hungari thì tẩy chay toàn bộ thế giới bên ngoài Châu Âu, ngoại trừ Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng áp đặt lệnh cách ly 14 ngày trong trường hợp phản ứng dương. Đức chỉ mở biên giới cho 10 quốc gia, nhưng loại trừ Algeri, Maroc, Rwanda và Serbia.

Vấn đề được Libération đặt ra là do việc kiểm soát ở biên giới nội bộ không được thống nhất, thì một người Rwanda chẳng hạn, có thể nhập cảnh Hà Lan rồi sau đó ung dung sang Bỉ vì biên giới nội bộ đã được mở. Tình hình phức tạp đến nỗi mà Ủy Ban Châu Âu phải lập riêng một site web (Reopen.europa.eu) để giúp cho khách muốn đến Châu Âu biết đường xoay sở trong cái mớ bòng bong của việc mở cửa biên giới.

Bất chấp danh sách xanh, Croatia vẫn mở cửa đón người Mỹ!

Một nhà ngoại giao Pháp công nhận là tình hình không mấy hợp lý, nhưng cũng cảm thấy an ủi là từ “tình trạng khóa chặt biên giới bên trong, bây giờ châu Âu đã chuyển sang việc mở cửa một phần. Đối với bên ngoài, tất cả các nước đều tôn trong danh sách “tiêu cực”, tức là không ai mở cửa cho các nước không nằm trong danh sách (quốc gia được chấp nhận), nếu không thì lại phải đóng cửa trở lại biên giới bên trong”.

Có điều là theo Libération, thực tế thì cũng không hẳn đúng như vậy: Từ ngày 10/07 vừa qua, thành viên Liên Âu là Croatia đã chấp nhận các chuyến bay đến từ Hoa Kỳ, không nằm trong danh sách xanh!

Hậu quả của tình trạng mở cửa biên giới lôn xộn là gì? Theo nhật báo Pháp, các du khách có lẽ đã hiểu là vào lúc này họ vẫn nên ở yên tại chỗ để tránh sự cố khi xuất ngoại.

Tình trạng các sân bay vắng hoe như đã cho thấy điều đó, và hiện nay, người ta cũng không đếm xuể những chuyến bị hủy bỏ vào giờ chót vì thiếu hành khách và những trung tâm du lịch thường lệ như Paris, Rôma, Lisboa hay Athens cho đến giờ này cũng vắng tanh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế