Covid-19 : Làm xét nghiệm nào hiệu quả và tin cậy
Đăng ngày:
Trước tình hình dịch virus corona đang tiếp tục hoành hành và có nguy cơ bùng trở lại ở nhiều nơi trên thế giới, một trong những chiến lược chủ chốt nhằm kiểm soát và ngăn chặn đà lây lan của virus là xét nghiệm đại trà và nhanh chóng. Nhưng làm xét nghiệm theo phương pháp nào chính xác và hiệu quả trong khi hiện có khá nhiều cách làm xét nghiệm khác nhau ?
Tầm soát virus nhiều hơn để ngăn chặn dịch virus corona, hiện vẫn đang tiếp tục lây lan không kiểm soát được trên thế giới, nhất là ở nhiều khu vực dịch đang có xu hướng bùng lên trở lại. Ở Pháp, từ khi chính phủ quyết định mọi người dân có thể làm xét nghiệm không cần bác sĩ kê đơn và được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí thì người dân đổ xô đến các phòng thí nghiệm để làm xét nghiệm Covid-19. Từ khi xuất hiện dịch, các phòng thí nghiệm y sinh đã đưa ra nhiều loại xét nghiệm, cùng chung một mục đích là phát hiện ra virus corona trong cơ thể, nhưng phương pháp và độ chính xác không giống nhau.
Ở nhiều nơi, giới chuyên môn và người dân giờ đã quen với những cái tên như xét nghiệm PCR, TROD, hay TDR, Elisa và sắp tới sẽ còn có xét nghiệm nước bọt… RFI giới thiệu tóm tắt các loại xét nghiệm Covid-19 đang được triển khai ở Pháp
Xét nghiệm PCR, một dạng xét nghiệm virus.
Đây là loại xét nghiệm phổ biến nhất với hình ảnh đã trở nên quen thuộc, nhân viên y tế chọc sâu que bông vào trong mũi người được xét nghiệm để lấy mẫu phân tích. Tên chính xác của phương pháp này là RT-PCR (Reverse Transcription Polymerase Chain Reaction) là một kỹ thuật cho phép lấy các tế bào nằm sâu trong hốc mũi bằng que bông. Xét nghiệm PCR cho phép biết người được xét nghiệm có bị nhiễm Covid-19 tại thời điểm lấy mẫu hay không. Mục đích của loại xét nghiệm này là để phá vỡ dây chuyền lây nhiễm của virus bằng cách chẩn đoán được những bệnh nhân có triệu chứng hoặc đã tiếp xúc với người đã nhiễm khác. Trong trường hợp bị dương tính bệnh nhân sẽ bị cách ly 14 ngày ngay lập tức.
Loại xét nghiệm này trước đây ở Pháp chỉ do các nhà chuyên môn sinh học được phép thực hiện, nhưng từ ngày 24/07 vừa qua, Bộ Y Tế Pháp cho phép mở rộng những người được phép tiến hành các xét nghiệm gồm cả các y tá, sinh viên y khoa, điều dưỡng viên và cả nhân viên cấp cứu. Kết quả của loại xét nghiệm này thông thường có sau khi lấy mẫu 24 giờ.
Thực tế, từ khi ra khỏi phong tỏa, nước Pháp đã tăng khả năng xét nghiệm lên rất lớn. Hiện Pháp có thể làm 700 nghìn xét nghiệm PCR mỗi tuần trên toàn quốc. Trong lúc mà nước Pháp đang lo ngại khả năng xuất hiện làn sóng dịch thứ 2, việc tầm soát virus được đẩy mạnh hơn bao giờ. Riêng trong tuần cuối tháng 7 vừa qua, đã có hơn 500 nghìn xét nghiệm được làm trên cả nước, một kỷ lục kể từ đầu dịch ở Pháp.
Xét nghiệm huyết thanh để xác định đã tiếp xúc với virus.
Xét nghiệm kháng thể trên huyết thanh được thực hiện chỉ đơn giản với một chút mẫu máu. Các xét nghiệm này không để phát hiện virus mà là nhằm phát hiện sự xuất hiện của kháng thể dạng IgM và IgG, chỉ xuất hiện riêng đối với virus SARS-CoV-2. Kháng thể IgG hình thành tối thiểu 14 ngày sau khi cơ thể có tiếp xúc với virus, trong khi đó IgM có thể được phát hiện khoảng một tuần sau khi nhiễm.
Mục đích của loại xét nghiệm này là để xác định biết một người đã đã có phản ứng miễn dịch kháng lại virus corona hay không. Nếu có tức là trước đó người này đã nhiễm Covid-19, dù có thể họ không hề có biểu hiện nhiễm bệnh nào. Có nhiều dạng xét nghiệm kháng thể huyết thanh, với cách làm cũng khác nhau nhưng đều chung một mục đích, tìm kháng thể miễn dịch của cơ thể với Covid.
Xét nghiệm nhanh TROD và TDR
Với loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh TROD (tiếng Pháp : Test Rapide d'Orientation Diagnostique) không cần đến que bông. Mẫu chỉ cần trích một giọt máu từ đầu ngón tay lên một thanh thử. Nếu xuất hiện kháng thể riêng với SARS-CoV-2, thanh thử sẽ chuyển màu.
Tại Pháp, từ ngày 11/7 đến 30 tháng 10 tới, các dược sĩ đều được phép làm các xét nghiệm này để biết trong vòng chỉ vài phút, cơ thể người thử có đã tiếp xúc với virus hay không. Nhưng cơ quan y tế cũng nhắc lại là xét nghiệm TROD không thể thay thế các phân tích kiểm tra y sinh thực hiện trong phòng thí nghiệm. Đồng thời sau khi xét nghiệm TROD cho kết quả dương tính thi cần phải khẳng định kết quả bằng một xét nghiệm PCR để kiểm tra xem virus còn ở trong cơ thể hay không vì như vậy sẽ có nguy cơ lây sang người khác.
Một xét nghiệm khác cũng cho kết quả gần như tức thì nhưng được làm dưới dạng phân tích y sinh. Vẫn trên nguyên tắc như TROD, xét nghiệm nhanh TDR (tiếng Pháp : Test de Diagnostic Rapide hoặc Test de Dépistage Rapide), sau khi lấy mẫu máu cho phép phát hiện sự xuất hiện của kháng thể nhờ các thanh thử đổi màu. Loại xét nghiệm này chỉ có thể thực hiện ở phòng thí nghiệm.
Xét nghiệm huyết thanh dùng phương pháp Elisa
Chẩn đoán theo phương pháp Elisa (enzyme linked immunosorbent assay) phân tích mẫu máu cũng giống như xét nghiệm TDR phải được tiến hành trong phòng thí nghiệm y sinh để xác định nồng độ enzyme cho biết trong máu đã có phản ứng miễn dịch khi có virus xuất hiện.
Tất cả các xét nghiệm huyết thanh đều không chắc chắn về độ tin cậy và tính chất miễn dịch với virus. Mặc dù ở Pháp không có trường hợp tái nhiễm nào được thống kê, nhưng sự xuất hiện của kháng thể không có nghĩa là cơ thể sẽ hiển nhiên được bảo vệ, không bị nhiễm lại virus, Bộ Y Tế Pháp cảnh báo. Hiện các loại xét nghiệm huyết thanh vẫn đang được nghiên cứu thêm.
Xét nghiệm nước bọt EasyCov sắp được triển khai ?
Nhanh và đỡ khó chịu hơn, đó là phương pháp lấy mẫu nước bọt. Xét nghiệm nước bọt có thể làm thay đổi phương pháp tầm soát Covid-19 bằng cách phân tích mẫu nước bọt dưới lưỡi và cho kết quả trong vòng 1 giờ. Giống như xét nghiệm PCR, xét nghiệm nước bọt cho phép xác định bệnh nhân có bị nhiễm virus corona lúc lấy mẫu hay không. Phương pháp này do một công ty tại Monpellier, thuộc Viện Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS), triển khai được đặt tên là « EasyCov ». Phương pháp này có thể giúp giảm áp lực cho các phòng thí nghiệm hiện đang bị quá tải với xét nghiệm PCR.
Hiện phương pháp này đang được một công ty vi sinh học của Pháp thẩm định, trước khi được cơ quan quản lý y tế cấp cao của Pháp kiểm tra và duyệt cho lưu hành.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều công đoạn mà EasyCov phải chờ đợi trước khi được phép cho xét nghiệm rộng rãi trong công chúng. Đặc biệt là cộng đồng khoa học ở Pháp cũng chưa nhất trí hoàn toàn về độ tin cậy của phương pháp xét nghiệm nước bọt. Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khoa học cho chính phủ Pháp, giáo sư Jean –François Delfraissy vẫn cho rằng xét nghiệm nước bọt « không tin cậy ».
Trong khi chờ đợi, mọi người vẫn phải tiếp tục với xét nghiệm PCR, cho đến giờ vẫn là một phương pháp duy nhất có độ tin cậy và được dùng phổ biến nhất để tầm soát Covid-19.
(Theo France 24)
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký