Pháp: Tranh luận về phát triển Xanh trong kế hoạch chấn hưng 100 tỷ euro
Đăng ngày:
Nghe - 09:22
Ngày 03/09/2020, Paris công bố kế hoạch chấn hưng 100 tỉ euro, trong đó 30 tỉ cho cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa về khí thải, thân thiện môi trường. Nhiều người cho đây là bước tiến ngoạn mục đầu tiên hướng sang kinh tế Xanh – con đường duy nhất giúp xã hội con người không phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên vượt tầm kiểm soát. Những người phản bác chỉ ra nhiều mâu thuẫn, lệch lạc và khiếm khuyết của kế hoạch. RFI giới thiệu các ý kiến đa chiều về chủ đề này.
Trước đại dịch Covid-19, việc chuyển đổi mô hình kinh tế - xã hội đã bắt đầu được xúc tiến. Châu Âu là một trong những khu vực đi đầu. Covid-19 ập đến gây khó cho kế hoạch. Các quốc gia lâm nạn trước hết phải tìm cách phục hồi nền kinh tế, đang rơi vào suy thoái chưa từng có. Thế nhưng, trong cái khó ló cái khôn.
Đại dịch Covid-19 càng cho thấy đòi hỏi phải thay đổi cấp bách mô hình kinh tế - xã hội. Thảm họa y tế do virus corona đã phơi bày những giới hạn của mô hình xã hội hiện nay, vốn dựa chủ yếu vào việc tiêu thụ các sản phẩm có được từ việc khai thác vô độ tài nguyên thiên nhiên. Lối sống này khiến các hệ đa dạng sinh thái bị tàn phá trên quy mô lớn, với tốc độ nhanh, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự xuất hiện của các virus nguy hiểm, như virus gây bệnh Covid-19.
« Bước tiến khổng lồ » hướng sang kinh tế Xanh
Phục hồi kinh tế đi liền với chuyển đổi mô hình kinh tế là thách thức kép mà hầu hết các quốc gia phát triển phải đối mặt. Kế hoạch chấn hưng trị giá 100 tỉ euro, để đưa kinh tế Pháp « trở lại mức trước khủng hoảng trong vòng 2 năm nữa », « ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực hứa hẹn nhất ». Sinh thái – Môi trường là một trong ba trọng tâm của kế hoạch (hai trọng tâm khác là cải thiện khả năng cạnh tranh và tăng cường đoàn kết xã hội). Theo thông cáo báo chí của chính phủ, 30 tỉ euro sẽ được đầu tư để « thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sinh thái, khiến kinh tế Pháp bền vững hơn, tiết kiệm hơn trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, và đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 ».
« Định hướng chiến lược » này sẽ được thực thi qua các lĩnh vực chính như: cải tạo nơi ở để tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ việc từ bỏ năng lượng hóa thạch trong công nghiệp, hỗ trợ các cá nhân mua phương tiện vận chuyển « sạch », phát triển giao thông công cộng, chuyển đổi nông nghiệp, phát triển các công nghệ xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn – rút ngắn khoảng cách giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ.
Đối với bộ trưởng Môi Trường Barbara Pompili, đây là một « bước tiến khổng lồ », cho phép nước Pháp hướng đến « nền kinh tế của tương lai ». Nghị sĩ Pascal Canfin, chủ tịch Ủy ban Môi trường, Y tế và An toàn thực phẩm của Nghị Viện Châu Âu, ca ngợi đây là « một đầu tư cho môi trường lớn chưa từng có ». Khoản đầu tư 30 tỉ euro cho phép nước Pháp « lần đầu tiên » đi đúng lộ trình thực hiện mục tiêu về Khí hậu. Theo chủ tịch Ủy ban Môi trường Nghị Viện Châu Âu, chính phủ Pháp đã có « một kế hoạch chấn hưng thực sự mang tính sinh thái ».
Bà Valérie Masson-Delmotte, nhà cổ khí hậu học (paléoclimatologie), một lãnh đạo của nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC), nhấn mạnh là « lần đầu tiên » vấn đề khí hậu được đề cập « một cách hệ thống », « khí hậu và đa dạng sinh học được đặt vào trọng tâm của chiến lược kinh tế ». Chuyên gia Valérie Masson-Delmotte cũng là thành viên của Hội đồng Cấp cao về Khí hậu (Haut Conseil du Climat - HCC), cơ quan tư vấn độc lập do tổng thống lập ra từ cuối năm 2018, có trách nhiệm đánh giá chính sách khí hậu của chính phủ (1).
Ý kiến chỉ trích : Dự án không hướng đến mô hình kinh tế mới !
Những ý kiến phản bác dự án « chấn hưng » cũng hết sức nghiêm khắc. Trả lời đài France Culture, chính trị gia Cécile Duflot, cựu lãnh đạo đảng Xanh, tổng giám đốc quỹ Oxfam Pháp, nhận định:
« Chủ đề thực sự chính là vấn đề mô hình phát triển, của giai đoạn sau đại dịch, về bài học cần phải rút ra từ cuộc đại khủng hoảng mà chúng ta vẫn còn chưa ra khỏi, cuộc khủng hoảng Covid. Trong dự án này, có nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó có nhiều điểm tích cực, ít nhất về mặt tuyên bố, ví dụ như trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng với nhà ở. Tuy nhiên, bên cạnh đó là việc giảm thuế sản xuất một cách đơn phương, hoàn toàn không đi kèm theo các điều kiện về mặt môi trường. Cùng lúc đó, lại có các quyết định của chính phủ hoàn toàn không hướng về mục tiêu chuyển đổi sang mô hình kinh tế Xanh.
Vấn đề thực sự ở đây là tính nhất quán của chính sách. Nếu chúng ta muốn thực sự trả lời được các thách thức, đặc biệt là thách thức về môi trường và cuộc chiến chống bất công xã hội, thì chúng ta cần đặt các thách thức đó vào trung tâm của chiến lược hành động, và đưa kế hoạch chấn hưng đi theo hướng này, với tư cách là một kế hoạch chấn hưng Xanh thực sự, như một con đường đi đến một mô hình khác. Nhưng đây lại không phải là sự lựa chọn của chính phủ ».
Mạng lưới các hiệp hội môi trường Réseau Action Climat cũng lên tiếng chỉ trích dự án của chính phủ. Bà Meike Fink, một thành viên ban lãnh đạo Réseau Action Climat, nhận xét : « dự án chấn hưng này một lần nữa cho thấy thái độ nước đôi của chính phủ về mục tiêu chuyển sang nền kinh tế Xanh : có một vài bước tiến, nhưng bên cạnh đó là nhiều bước lùi… chính sách này sẽ không cho phép nước Pháp đạt được các cam kết về khí hậu ». Mạng Réseau Action Climat kêu gọi các nghị sĩ Pháp nỗ lực đóng góp « nâng cao tham vọng và tính nhất quán của chương trình chấn hưng, và giúp cho dự án ngân sách nước Pháp năm 2021 trở nên xanh hơn và công bằng hơn ».
Chính phủ làm gì đảng Xanh cũng không hài lòng !
Trước các chỉ trích của đảng Xanh và nhiều nhà hoạt động môi trường, trả lời phỏng vấn đài France Info, bà Emmanuelle Wargon, bộ trưởng phụ trách Nhà Ở, lên tiếng :
« Trước hết tôi muốn được trả lời là các nhà đối lập thuộc các đảng phái môi trường không bao giờ thoả mãn, có nghĩa là bất kể chúng tôi làm gì thì như vậy cũng là không đủ cho môi trường, không bao giờ là đủ mạnh, đủ tốt cả. Trong kế hoạch này, chúng tôi dự trù chi ra 30 tỉ euro, trong đó có 7 tỉ cho nhà ở. Chúng tôi đã tăng gấp ba, bốn lần dự kiến ngân sách đã có. Nhưng họ nói, điều này là tốt, nhưng mà … Đúng đây là một dự án cần phải được đầu tư lâu dài, chúng ta còn chưa có luật về ngân sách năm 2023 và 2024… Bởi từ đây đến đó, còn có các kỳ bầu cử nữa. Tất nhiên là công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh sẽ cần phải được tiếp tục, nhưng trước mắt chúng ta cần ngay lập tức có được các việc làm, có việc làm ngay trong những nghề nghiệp liên quan đến cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, trong lĩnh vực xây dựng, và rõ ràng là chính phủ đã hành động kịp thời ».
« Chấn hưng theo kiểu truyền thống », nhưng đã chú ý nhiều đến môi trường
Dự án chấn hưng kinh tế 100 tỉ đô la, vừa có mục tiêu phục hồi kinh tế trong thời gian sớm nhất, lại hướng về mục tiêu chuyển đổi dài hạn, trong đó phần dành cho sinh thái chiếm khoảng một phần ba, là một dự án rộng lớn và phức tạp, cần được đánh giá cụ thể từng khoản mục và từ nhiều phía khác nhau.
Chính trị gia Corinne Lepage, một cựu bộ trưởng Môi Trường, một mặt khen ngợi những điểm tích cực đáng kể trong dự án chấn hưng « không thể phủ nhận » (như khối lượng đầu tư lớn chưa từng thấy cho sinh thái, tính hệ thống của dự án…), mặt khác khẳng định, nhìn về tổng thể toàn bộ dự án 100 tỉ euro, không thể coi đây là một dự án thuần túy hướng đến chuyển đổi sinh thái, vì có sự mâu thuẫn trong hướng đầu tư : có những khoản đầu tư cho chuyển đổi sinh thái, nhưng bên cạnh đó, lại có nhiều khoản đầu tư cho mô hình kinh tế truyền thống (trong vế đầu tư nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp), tức đi ngược lại với mục tiêu chuyển đổi sinh thái. Nhà môi trường Corinne Lepage nghiêng về phía ra cho rằng, đây là một dự án chấn hưng theo kiểu truyền thống, nhưng với một khoản đầu tư lớn cho môi trường.
Vừa làm, vừa chỉnh : Điểm khởi đầu cho một tiến trình dài hơi
Kinh tế gia Alain Grandjean, một thành viên của Hội đồng Cấp cao về Khí hậu (HCC) thì khen ngợi việc « một phần trong kế hoạch 100 tỉ euro được định hướng đúng », nhưng mặt khác tỏ ra rất dè dặt về triển vọng tương lai của công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Ông cho biết nỗi lo ngại lớn nhất của ông là chương trình « chấn hưng Xanh » chỉ có hiệu lực trong 2 năm, trong lúc để chuyển đổi được toàn bộ nền kinh tế, cần phải có các nỗ lực tài chính ở quy mô tương tự liên tục ít nhất trong vòng 15 năm.
Kinh tế gia Alain Grandjean lưu ý đến nhiều điểm, có thể giúp cho dự án chấn hưng Xanh không đi chệch hướng. Cụ thể là cần « minh bạch » trong các khâu thẩm định, « cần kiểm soát khoảng cách giữa điều được tuyên bố và cái làm được trên thực tế » để tránh việc đánh trống, bỏ dùi. Thành viên Hội đồng Cấp cao về Khí hậu – HCC (1) cũng cảnh báo « ảnh hưởng của các nhóm lobby sẽ rất lớn ».
Chính trị gia Matthieu Orphelin, chủ tịch nhóm Sinh thái – Dân chủ - Đoàn kết trong Quốc Hội, nhóm dân biểu tách khỏi đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước, cũng hoài nghi về khâu kiểm tra thực hiện, khi hiện tại chính phủ « chưa cho biết rõ các tiêu chuẩn thẩm định được xây dựng như thế nào, và tổ chức độc lập nào sẽ thực hiện việc đánh giá » (Le Point, 06/09/2020).
Theo nhiều chuyên gia, bản thân phần chấn hưng Xanh trong dự án chấn hưng kinh tế chung cũng cần được bổ sung, điều chỉnh. Hội đồng Phân tích Kinh tế (Conseil d’analyse économique - CAE), một cơ quan chuyên trách tư vấn cho thủ tướng, ngày 10/09/2020, ra một thông báo đề nghị chính phủ tài trợ cho « một số dự án mới trong khuôn khổ của kế hoạch chấn hưng » để đẩy mạnh việc bảo vệ đa dạng sinh học, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào việc bảo vệ môi trường. CAE đặc biệt khuyến cáo « chuyển một phần đáng kể các tài trợ cho nông nghiệp cho các cơ sở sản xuất tuân thủ các đòi hỏi bảo vệ môi trường, xóa bỏ các trợ cấp cho các hoạt động có hại cho đa dạng sinh học, cũng như bỏ việc miễn giảm thuế xăng dầu đối với tàu đánh cá » (La Croix, 10/09/2020).
Quỹ Thiên nhiên Thế giới chi nhánh tại Pháp (WWF France) hoan nghênh phần chấn hưng Xanh trong kế hoạch 100 tỉ euro là « một bước ngoặt trong nhiệm kỳ 5 năm » của chính quyền Macron, hướng sang mô hình kinh tế Xanh, cũng lưu ý là « để chuyển đi từ một dự án chấn hưng mang tính khởi động đến một kế hoạch chuyển hóa toàn bộ mô hình kinh tế, chính phủ cần có các biện pháp mạnh mẽ, đặc biệt trong việc thay đổi mô hình nông nghiệp », « chống lại việc nhập khẩu các sản phẩm do phá rừng », « phát triển các không gian thiên nhiên bảo tồn ».
WWF France cũng là tổ chức đầu tư nhiều vào việc nghiên cứu vấn đề chấn hưng Xanh và khả năng tạo việc làm mới. Theo báo cáo của WWF (« Monde d’après : l’emploi au cœur d’une relance verte »), một kế hoạch chấn hưng ngả mạnh sang hướng bảo vệ môi trường sẽ cho phép tạo thêm đến một triệu việc làm mới trong vòng hai năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống (dự án hiện nay của chính phủ hướng đến mục tiêu 160 nghìn chỗ làm mới trong năm tới 2021).
Nhìn chung, nhiều chuyên gia đánh giá phần dành cho sinh thái trong dự án chấn hưng 100 tỉ euro của chính phủ Pháp là một bước ngoặt lớn trong chính sách kinh tế của nước Pháp, đây là một điểm khởi đầu tốt cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, nhưng công cuộc này đòi hỏi nỗ lực dài hơi nhiều thập niên. Điều quan trọng trước mắt là phải có cơ chế đánh giá và giám sát khâu thực hiện và những mảng trống cần bổ khuyết, lệch lạc cần điều chỉnh.
Ghi chú
1- Đầu tháng 7/2020, đúng trong lúc chính phủ Pháp đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch chấn hưng, HCC - cơ quan thẩm định độc lập về chính sách khí hậu của chính phủ - đã ra một báo cáo dài 160 trang, mang tựa đề « Redresser le cap, relancer la transition », chỉ trích mạnh mẽ chính sách môi trường của chính phủ, yêu cầu điều chỉnh để tái khởi động công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký