Dân Armenia nổi giận sau thỏa thuận ngưng bắn ở Thượng Karabakh
Đăng ngày:
Chiến sự ở vùng Thượng Karabakh hầu như chính thức chấm dứt trong hơn 24 tiếng đồng hồ qua, với thỏa thuận ngưng bắn giữa Armenia và Azerbaijan bắt đầu có hiệu lực từ hôm qua, 10/11/2020. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã khiến người dân Armenia vô cùng tức giận. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, văn phòng thủ tướng, trụ sở nghị viện bị dân chúng ào vào đập phá, người phát ngôn của Quốc Hội bị đánh đập. Phe đối lập tăng sức ép đòi thủ tướng Nikol Pashinyan, người đã ký thỏa thuận, phải trả lời.
Theo thông tín viên Anissa El Jabri, tại Erevan, thủ đô Armenia, vị thủ tướng lên cầm quyền cách đây 2 năm sau một cuộc cách mạng không bạo lực giờ đây đang chịu sức ép dữ dội.
« Thế ông Nikol Pashinyan hiện đang ở đâu?” Không ai biết, nhưng thủ tướng bảo đảm là ông không hề rời Armenia. Để nói chuyện với một đất nước đang trong cơn thịnh nộ, thủ tướng được bảo vệ cẩn mật đã tạm lánh mặt và đến một cơ sở không ai biết, sử dụng phương tiện thông tin mà ông quen dùng: video trên mạng xã hội. Đã có khoảng một chục video như vậy từ lúc thông báo chiến tranh kết thúc.
Và cũng trên các mạng xã hội này, còn có cuộc thăm dò dư luận trên mạng với một câu hỏi duy nhất “thủ tướng có nên từ chức hay không?”
Tình hình rất bất ổn, dễ bùng nổ, theo nhận định của bà Nazénie Garibian, cựu thứ trưởng Văn Hóa của ông Nikol Pashinyan:
“Tình hình rất nguy cấp. Phải hết sức bình tĩnh, phải duy trì được ổn định trong nước. Không thể đảo chính lúc này, vì điều đó sẽ làm cho Armenia rơi vào tình huống tồi tệ hơn nữa. Nguy hiểm đấy!”.
Do lúc nào cũng loan tin chiến thắng trong cuộc chiến vừa qua, thủ tướng Nikol Pashinyan đã không hề chuẩn bị cho dân chúng tâm lý chấp nhận thất bại, khiến họ bàng hoàng và giận dữ khi biết thực tế.
Phe đối lập đề nghị thay đổi lãnh đạo và kêu gọi biểu tình hôm nay ở thủ đô, trong khi biểu tình vẫn bị cấm do lệnh thiết quân luật vẫn đang có hiệu lực ».
Nga củng cố vị trí trong vùng
Sau thỏa thuận ngừng bắn ngày 10/11/2020 giữa Armenia và Azerbaijan nhờ trung gian của Matxcơva, Nga trở thành một đối tác không thể thiếu được tại vùng Kavkaz.
Thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Matxcơva phân tích :
« Nga sẽ đóng vai trò quan trọng vì quân nhân Nga sẽ bảo đảm việc tôn trọng lệnh ngừng bắn trên thực địa và theo dõi lực lượng Armenia rút khỏi những vùng đất mà Azerbaijan đã chiếm lại được. Trong giai đoạn 5 năm,có thể được triển hạn, gần 2.000 lính Nga sẽ được triển khai dọc theo đường tiếp xúc giữa quân ly khai Armenia và Azerbaijan, cũng như dọc theo hành lang Latchine nối vùng Thượng Karabakh với Armenia.
Nga cũng sẽ giữ vai trò quan trọng về mặt ngoại giao. Matxcơva là bên duy nhất tham gia đàm phán và áp dụng lệnh ngừng bắn này, mà không cần sự can thiệp chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh chính của Azerbaijan, hay của Pháp và Mỹ, hai nước đồng chủ tịch nhóm Minsk, vẫn là những nhà trung gian lịch sử về xung đột ở Thượng Karabakh.
Với thỏa thuận này, tổng tống Vladimir Putin giành được chiến thắng trên cả hai mặt : vừa đóng vai trò nhà trung gian và hòa giải tái tạo lại khu vực, vừa thiết lập được sự hiện diện lâu dài của quân đội Nga trong vùng.
Điện Kremlin còn có được một lợi thế tiềm tàng khác, đó là thủ tướng Nikol Pachinian, không được lòng Matxcơva lắm, có lẽ sẽ phải đối mặt với khả năng quyền lực bị lung lay sau cuộc khủng hoảng và sau thất nặng nề của phía Armenia ».
Thổ Nhĩ Kỳ được lợi nhờ thỏa thuận ngừng bắn
Thổ Nhĩ Kỳ đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan và cũng được cho là bên được lợi. Theo nhiều nhà quan sát, được thông tín viên RFI Anne Andlauer trích dẫn, lợi ích chính của Ankara nằm trong điều 9 của thỏa thuận, buộc Armenia chấp nhận một trục đường trực tiếp nối Thổ Nhĩ Kỳ, đi qua lãnh thổ Armenia đến Baku, thủ đô của Azerbaijan và biển Caspi.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký