ĐIỂM BÁO

Mất Thượng Karabakh : Armenia tin lầm huyền thoại nước Nga Thiên chúa giáo

Cuộc « thánh chiến » của Donald Trump chống kết quả bầu cử.  Covid-19, Pháp chuẩn bị « khai lối ra », Thụy Điển « mở lối vào ». Địa chính trị với câu hỏi then chốt vì sao Armenia một thời oanh liệt sao bị thua đau và mất Thượng Karabakh về tay liên minh hai nước Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Trung Quốc chấn động vì một loạt xí nghiệp nhà nước bên bờ phá sản, là những chủ đề trên báo Pháp hôm nay 19/11/2020.

Vùng biên giới  Armenia và Azerbaijian: một xe tăng Nga trong lực lượng duy trì thỏa thuận ngừng bắn, ký kết ngày 10/11/2020.
Vùng biên giới Armenia và Azerbaijian: một xe tăng Nga trong lực lượng duy trì thỏa thuận ngừng bắn, ký kết ngày 10/11/2020. REUTERS/Francesco Brembati
Quảng cáo

Chuẩn bị  kinh tế sống chung với dịch

Trang nhất báo Pháp hôm nay gồm các tin vui, buồn lẫn lộn tùy theo sở thích hay mong chờ của độc giả. 

Les Echos tập trung vào kinh tế với ba tựa lớn : Trận chiến Made in France (chính phủ tài trợ các dự án đầu tư đầu tiên hậu Covid, lãnh vực bào chế dược phẩm bắt đầu dời cơ sở ở nước ngoài về Pháp), Boeing 737 Max thoát cơn ác mộng và một loạt công ty nhà nước Trung Quốc thiếu khả năng thanh toán.

Các tựa của Le Monde : về khí hậu, « lượng khí thải CO2 giảm bất ngờ trong năm 2019 », về chính trị Mỹ, « Tuy Biden chiến thắng nhưng hai phe tả hữu trong nội bộ đảng Dân Chủ xâu xé đổ lỗi cho nhau về kết quả đáng thất vọng trong bầu cử Hạ Viện » và Covid-19, chính phủ Pháp chuẩn bị kế hoạch song hành, vừa thuyết phục một phần dân chúng còn lưỡng lự tham gia chiến dịch tiêm ngừa, vừa sửa soạn phương án sống chung với dịch « có thế chấp nhận được » trong một nền dân chủ. 

Le Figaro cho biết tổng thống Pháp sẽ thông báo những quyết định mới vào tuần sau. Tuy chủ trương sớm chấm dứt  phong tỏa, nhưng Macron  không đốt giai đoạn. Số người bị lây nhiễm giảm liên tục từ đầu tuần, nhưng với nhịp độ chậm hơn đợt một. Phải mất ít nhất một tháng mới đạt được các mục tiêu do tổng thống đề ra : 5000 ca mới mỗi ngày.

Trong khi đó tại Thụy Điển, tình hình ngày một nghiêm trọng. Thủ tướng Stefan Lofven kêu gọi như ra lệnh : Mỗi công dân phải nhận trách nhiệm ngăn dịch… ngưng đi tập thể thao, ngưng đi ăn nhà hàng, ngưng tổ chức tiệc tùng trong gia đình. « Mô hình Thụy Điển », không khẩu trang, không phong tỏa đang tiến đến gần tình trạng không thể đảo ngược.

Vì sao Armenia bị thua đậm ?

Về địa chính trị, Le Monde tập trung vào các cuộc khủng hoảng ngoại biên của Liên bang Nga : Đối với hàng ngàn dân Azerbaijan, giờ thực hiện giấc mơ hồi hương và phục hận đã điểm. Trang ý kiến : Olivier Roy, giáo sư chính trị học, chuyên gia về Hồi giáo chính trị phân tích vì sao Armenia bị thua đậm. Erevan cũng như nhiều nhà địa chính trị châu Âu đã tin lầm vào nước Nga, ngỡ rằng Matxcơva là pháo đài cuối cùng chống Hồi giáo chính trị.

Armenia bị thua nhanh chóng tại Thượng Karabakh vì yếu hơn đối phương. Điều đó là hiển nhiên. Sau khi Liên xô tan rã, Armenia độc lập. Nhưng với một truyền thống lịch sử lâu dài trong khuôn khổ liên kết với quân đội Nga hoàng và Liên bang Xô viết, Armenia có một quân đội hùng mạnh hơn Azerbaijan. Erevan chiếm lại được Thượng Karabakh và một vùng lãnh thổ rộng lớn của láng giềng trong cuộc chiến 1994.

Thế thượng phong này chấm dứt từ năm 2003 khi Ilham Aliev lên cầm quyền tại Baku, ký một loạt hiệp định quân sự với Matxcơva và Ankara. Với dân số đông gấp ba, với ngân sánh quốc phòng cao hơn gấp bảy, với tài nguyên dầu khí dồi dào tha hồ mua vũ khí tối tân của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, được Nga và Thổ trợ giúp huấn luyện.

Trong khi đó, Armenia bị đục khoét vì nạn tham ô, bất ổn chính trị, dân số giảm, ngân sách quốc phòng ít ỏi. Quân đội thiếu trang bị và mất tinh thần.

Nhưng không chỉ có thế.

Từ 15 năm nay, Azerbaijan chạy đua võ trang với mục tiêu rõ rệt là chiếm lại những vùng đất cho là của mình. Khác với cha là  tổng thống  Heydar Aliev, người thua trận vào năm 1994, tổng thống Ilham Aliev xem việc chiếm lại Thượng Karabakh là sứ mệnh cá nhân và không từ bỏ bất cứ một phương tiện nào. Căng thẳng leo thang từ hai năm nay, thế mà phía Armenia không biết sao ? Còn  Nga ? Armenia có thể tin cậy vào đồng minh Thiên chúa giáo chống lại mối đe dọa của « Thổ và Hồi giáo » chứ ?

Thế nhưng, nước Nga của Putin cố tình để Armenia thua đậm. Theo giáo sư Olivier Roy, mọi tín hiệu cho thấy Matxcơva biết khi nào Azerbaijan tấn công và có khả năng khuyến cáo. Thế nhưng rất có thể Matxcơva đã đi đêm với Baku, ấn định làn ranh đỏ, không được lấn qua, biên giới còn lại thì cứ chiếm lại hết lãnh thổ, mà theo công pháp quốc tế là của Azerbaijan.

Từ 20 năm nay, nhiều nhà địa chính trị Tây phương, những người thuộc xu hướng cực hữu chống di dân đã tô điểm hình ảnh một nước Nga « Thiên chúa giáo » là đồng minh, là thành trì giúp Tây phương đang bị Hồi giáo đe dọa từ bên ngoài lẫn bên trong, phòng vệ. Trong giới quân sự cũng có tiếng nói cho là Châu Âu thay vì ủng hộ Bosnia, thì nên ủng hộ Serbia, và tiếp tay với Bachar al Assad ở Syria.

Những nhân vật này hoàn toàn không hiểu nhãn quan của Nga, chủ yếu là chính trị thực dụng, là tương quan lực lượng theo quan điểm riêng của Nga không có chút nào là bản sắc Tây phương nói chi đến Thiên chúa giáo.

Trong nhãn quan này, Nga chỉ tìm cách chiếm lại vùng ảnh hưởng. Hồi giáo chỉ là một quân bài được Matxcơva khai thác, ủng hộ hai tỉnh ly khai theo đạo Hồi, để làm suy yếu Gruzia. Khi chiếm lại Tchetchenia thì  Putin lấy cớ chống Hồi giáo võ trang. Lãnh đạo độc tài Tchetnia lên tiếng ủng hộ hung thủ, thanh niên Tchetchenia, kẻ giết nhà giáo Pháp Samuel Paty trong khi các đài radio-Matxcơva chế nhạo Pháp để cho Hồi giáo cực đoan xâm nhập các vùng ngoại ô của Pháp.

Giờ đây, chính Azerbaijan Hồi giáo đã đưa Armenia trở vào vòng tay của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không còn là kẻ thù như thời đế chế Ottoman đối với nước Nga. Từ Syria, Lybia cho đến Azerbaijan, lính Thổ, lính Nga hoạt động song song, nếu có đụng nhau gây chết chóc thì xem là « tai nạn ».

Thái độ thâm độc của Nga có thể giúp Tây phương  hoặc  bắt buộc  Tây phương thực tế hơn. 

Hậu duệ Hitler ?

Liên quan đến các tổ chức siêu cực hữu, Libération, trong bài phóng sự dài, cho biết tại Pháp họ chỉ có chừng 1500 thành viên là tối đa, nhưng  các « con sói lẻ loi này » có khả năng đe dọa an ninh rất lớn không kém khủng bố Hồi giáo. Những nhóm này tìm cách tổ chức, trang bị vũ khí để gọi là chống lại « nguy cơ thống lĩnh của Hồi giáo » tại Pháp. Từ 2017, đã có 5 mưu toan bị phát hiện kịp thời trong đó có âm mưu ám sát tổng thống Macron. Trong số  những con sói lẻ loi mà tình báo Pháp nhận diện được có cựu cảnh sát, cựu quân nhân, thợ săn, thành viên câu lạc bộ bắn súng…

Châu Âu can đảm lên

Châu Âu cũng bị chỉ trích là thiếu cương quyết, thiếu nhất quán trong việc bảo vệ các giá trị tự do, nhân quyền mà hệ quả là bị Nga bắt làm con tin. Pavel Latouchka, nguyên bộ trưởng Văn Hóa Belarus dành cho Le Monde bài phỏng vấn nghiêm khắc từ thủ đô Ba Lan, nơi ông tị nạn.

Theo nhà đối lập Belarus, Châu Âu vì sợ phản ứng của Nga nên không dám ủng hộ dứt khoát cuộc nổi dậy chống Lukachenko. Theo ông, lẽ ra Châu Âu không nên xem các thỏa thuận quốc tế hay quyền lợi kinh tế là ưu tiên số một mà phải đặt quyền tự do lên hàng đầu. Nhiều người dân Belarus hỏi chúng tôi vì sao Châu Âu im lặng. Chính quyền tiếp tục đàn áp và tra tấn, hàng ngàn người ngồi tù. Giá trị nào chúng ta đang bảo vệ ?

Nhà đối lập Pavel Latouchka cho biết là phong trào huy động ủng hộ của  người dân trong và ngoài nước, với mục tiêu đàm phán một thỏa hiệp cho phép Lukachenko ra đi, tổ chức bầu cử và tái thiết quốc gia không để cho đất nước rơi vào hỗn loạn.

Mỹ : đảng Dân Chủ xâu xé

Trở lại chính trị Hoa Kỳ, trong bài « Phe Dân Chủ mất niềm tin », Le Monde cho biết hai phe tả và hữu trong đảng đổ lỗi cho nhau về kết quả thất vọng tại Hạ viện. Theo dân biểu Abigali Spanberger, bang Virginia, thì từ nay phải « chấm dứt sử dụng từ xã hội hay chủ nghĩa xã hội ». Trước mắt, hai bên sẽ  cố gắng nương vào chiến thắng của Joe Biden để vượt lên tình trạng chia rẽ nội bộ. Tuy nhiên nếu phe tả thiểu số vẫn cố thủ trong các căn cứ địa của họ thì một mình cánh trung không đủ sức động viên cử tri để có thể hy vọng vào năm 2022 đánh bại được đảng Cộng Hòa,  đang lên tinh thần  sau khi giành được nhiều thắng lợi bất ngờ trong cuộc bầu cử  Hạ viện.

Biden thắng : Pháp có nên vui  hay không ?

Nhật báo thiên hữu lưu ý đến quyết tâm của tổng thống mãn nhiệm bằng mọi cách để đảo ngược tình thế. Và đặt câu hỏi liệu Biden có hơn gì Trump ?

Chiến thuật mới của Donald Trump là quy trách nhiệm cho điện toán. Ông cách chức Christopher Krebs, giám đốc cơ quan an ninh nội địa và trong khi các đơn kiện cáo qua tư pháp bị bác liên tục, chủ nhân Nhà Trắng đưa xung đột vào địa bàn chính trị, mà mục tiêu đi tới là đưa vấn đề ra nghị viện nơi mà Cộng Hòa chiếm đa số để chỉ định đại cử tri. Kịch bản này tuy khó thực hiện, nhưng gây lo lắng cho phe Dân Chủ trong bối cảnh có đến 52% cử tri Cộng Hòa cho rằng Trump đã giành chiến thắng một cách chính đáng.

Trang ý kiến, cựu bộ trưởng Giáo Dục Pháp Luc Ferry  trả lời câu hỏi : Liệu Biden có khá hơn Trump hay không ?

Câu trả lời là « không chắc ». Tác giả chỉ trích báo chí Pháp gây tâm lý chống Trump. Đồng ý là chúng ta, 85% dân Pháp, có lý do hài lòng khi thấy Trump phải ra đi. Tuy nhiên, tác giả cảnh báo : sự kiện « cánh tả  » Mỹ trở lại chính quyền không phải là điều đáng mừng, bởi vì «  phe tả » trong đảng Dân Chủ bảo vệ những giá trị đi ngược lại mô hình chế độ Cộng hòa Pháp. Hãy nhìn hai nhật báo New York Times và Washington Post, thân với đảng Dân Chủ là thấy : họ cáo buộc chúng ta kỳ thị chủng tộc, là chế độ Apartheid của Nam Phi ngày trước,  các vụ khủng bố thì quá đáng, nhưng là phản ứng dễ hiểu, nếu không muốn nói là chính đáng chống lại chính sách bài  Hồi giáo của chính quyền Pháp. New York Times  chế nhạo Pháp buộc dân chúng đeo khẩu trang chống dịch trong khi cấm khăn che mặt trùm đầu của đạo Hồi, một quyết định kỳ thị.

Cựu bộ trưởng chính phủ Chirac khuyến cáo : không phải một người xấu ra đi, mà người thay thế sẽ là một người tốt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế