MỸ - TÂY TẠNG - TRUNG QUỐC

Mỹ: Một lãnh đạo chính trị Tây Tạng thăm Nhà Trắng lần đầu tiên trong 60 năm

Trong một động thái có thể khiến Trung Quốc nổi cơn thinh nộ, Nhà Trắng hôm qua, 20/11/2020 đã mở cửa đón người đứng đầu chính phủ Tây Tạng lưu vong hiện nay, lần đầu tiên trong vòng sáu thập kỷ.

Ảnh minh họa: Ông Lobsang Sangay, chủ tịch tổ chức Chính Quyền Trung Ương Tây Tạng, bên cạnh chân dung Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ảnh chụp ngày 02/09/2018.
Ảnh minh họa: Ông Lobsang Sangay, chủ tịch tổ chức Chính Quyền Trung Ương Tây Tạng, bên cạnh chân dung Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ảnh chụp ngày 02/09/2018. AP - Ashwini Bhatia
Quảng cáo

Hãng tin Anh Reuters, trích dẫn một thông cáo của tổ chức Chính Quyền Trung Ương Tây Tạng (Central Tibetan Administration CTA), tức là chính phủ Tây Tạng lưu vong, cho biết là ông Lobsang Sangay, chủ tịch CTA, đã được mời đến Nhà Trắng vào thứ Sáu 20/11, để gặp ông Robert Destro, điều phối viên đặc biệt mới được bổ nhiệm của Mỹ phụ trách các vấn đề Tây Tạng. Trụ sở của CTA đặt tại thành phố Dharamshalah ở Ấn Độ.

Theo CTA, đây là một “cuộc họp chưa từng có tiền lệ”, có khả năng mở đường cho quan hệ giữa chính phủ lưu vong Tây Tạng và các quan chức Hoa Kỳ, một quan hệ sẽ mang tính chính thức nhiều hơn trong những năm tới.

Tây Tạng đã trở thành một nguyên nhân tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào lúc quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào tháng 7 vừa qua đã cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và nói rằng Washington ủng hộ “quyền tự trị có ý nghĩa” cho khu vực.

Các quan chức Bắc Kinh từ đó đã cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng Tây Tạng để cố gắng thúc đẩy “chủ nghĩa ly khai” ở Trung Quốc, và Bắc Kinh đã từ chối tiếp xúc với ông Destro.

Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng vào năm 1950, xem hành động đó là một cuộc “giải phóng hòa bình” đã giúp nơi này loại bỏ “quá khứ phong kiến”. Tuy nhiên, những người chỉ trích, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng, hiện phải lưu vong, cho rằng chế độ cai trị của Bắc Kinh tương đương với “sự diệt chủng văn hóa”.

Chính quyền Trump đưa thêm 4 công ty Trung Quốc vào danh sách đen của Lầu Năm Góc

Cũng liên quan đến Trung Quốc, một số nguồn thạo tin cho biết, Washington chuẩn bị đưa thêm 4 công ty Trung Quốc vào danh sách các thực thể được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn, qua đó hạn chế khả năng tiếp cận của họ với các nhà đầu tư Mỹ.

Các công ty này sẽ làm dài thêm danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ, vốn đã gồm hơn 30 tên trong đó có các tập đoàn lớn như Hikvision, China Telecom và China Mobile, đã bị thêm vào hồi đầu năm nay.

Động thái mới nhất này sẽ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nhà Trắng ban hành môt sắc lệnh cấm các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu của các công ty trong danh sách đen kể từ tháng 11 năm 2021.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế