Cộng Hòa Serbia tại Bosnia-Herzegovina kỷ niệm 30 năm thành lập
Đăng ngày:
Hôm nay, 09/01/2021, tại Banja Luka, thủ phủ của Cộng Hoà Serbia (RS) thuộc Liên Bang Bosnia-Herzegovina, chính quyền nước cộng hòa tự trị tổ chức rầm rộ ngày tuyên bố độc lập cách đây 30 năm, từng là ngòi nổ dẫn đến chiến tranh tại nhiều vùng đất thuộc Nam Tư cũ đầu thập niên 1990.
Từ Sarajevo, thủ đô Bosnia-Herzegovina, thông tín viên RFI Louis Seiller gửi về bài phóng sự sau đây:
“Ba mươi năm trước, thị xã Pales được thế giới biết đến khi trở thành thủ phủ của cộng đồng người Serbia tại Bosnia, trong thời gian bốn năm thành phố Sarajevo bị vây hãm. Nikola, một người về hưu 60 tuổi tự hào về dịp kỉ niệm này.
Ông nói: ‘‘Ở đây là Republika Srpska (tên gọi nước cộng hòa của người Serbia ở Bosnia) 100%. Tất cả ở đây đều là người Serbia, và từ xưa đến nay là vậy. Việc chia tách là điều tự nhiên sẽ phải đến”.
Cách nay một tháng, một lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa cực đoan, Milorad Dodik, đã cho thông qua một loạt luật nhằm tách nước Cộng Hoà của người Serbia (Republika Srpska - RS) ra khỏi nhà nước liên bang. Bà Milena, một nhà giáo, lo ngại bạo lực giữa các cộng đồng trở lại với quyết định ly khai này.
Bà nói : “Tôi đã trải qua chiến tranh. Và giờ đây tôi phải chứng kiến thường xuyên các tranh luận về nguy cơ chiến tranh trên truyền hình. Thật là chán nản. Quá chán nản”.
Tại một số khu vực nhỏ của người Hồi Giáo trong vùng đất thuộc Republika Srpska, nhiều cư dân mong đợi phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Theo ông Hamet, 64 tuổi: “Cần phải trừng phạt những kẻ muốn phá hủy nhà nước liên bang Bosnia-Herzegovina. Tôi nghĩ đến những nước láng giềng của chúng tôi, là Serbia và Croatia. Tất cả vẫn có thể tiếp tục tồn tại, mà không có nguy cơ xung đột thực sự”.
Trước những căng thẳng mới tại Bosnia-Herzegovina, tại Sarajevo, một số nhà bình luận coi năm 2022 này như một năm bản lề, nhưng không có ảo tưởng gì về khả năng ảnh hưởng của Liên Hiệp Châu Âu, đang bị chia rẽ còn hơn cách nay 30 năm”.
Chính phủ Pháp, đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, coi bán đảo Balkan là một trong các ưu tiên, trong bối cảnh nhiều thế lực khu vực (Nga, Thổ Nhĩ Kỹ) cũng như Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại vùng cửa ngõ này của Liên Âu. Tháng 6/2022, Liên Hiệp Châu Âu dưới sự chủ tọa của Pháp sẽ tổ chức một hội nghị Liên Âu - Sáu quốc gia khu vực miền tây bán đảo Balkan, trong đó có Bosnia-Herzegovina.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký