Nhiều rủi ro đang đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu (IMF)
Trong bản báo cáo mới nhất công bố hngày 6/10/2010, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm tới. Lý do là kinh tế Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản vẫn chưa thực sự bình phục, riêng Trung Quốc còn quá lệ thuộc vào khu vực xuất khẩu.
Đăng ngày:
Kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard nhấn mạnh là kinh tế thế giới hiện nay « không tăng trưởng nhanh, và cũng không phát triển một cách cân bằng ». GDP toàn cầu vào năm tới sẽ chỉ tăng 4,2% thay vì 4,8 % như IMF đã loan báo hồi mùa hè vừa qua.
Về tỷ lệ tăng trưởng của năm nay, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cũng đã hạ thấp 0,2 điểm dự báo, chủ yếu do các chính sách kích cầu được tung ra hồi cuối 2008 đầu 2009 bắt đầu hết hiệu lực.
Bên cạnh đó IMF nêu lên « một số rủi ro đang đè nặng lên đà phục hồi kinh tế của thế giới ». Cụ thể hơn : IMF hạ dự phóng tăng trưởng của Mỹ theo mức 0,7 điểm so với báo cáo đã công bố vào tháng 07/2010. Theo định chế tài chính đa quốc gia này, « giai đoạn phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ sau khủng hoảng tài chính 2008/2009 đã thuộc về qúa khứ ». Đà vươn lên của nền kinh tế số 1 trên thế giới đang bị chậm lại và Hoa Kỳ giờ đây phải đối phó với vấn đề nợ công chồng chất.
Ngoài ra, mức tiêu thụ của tư nhân, vốn là đòn bẩy kinh tế của Mỹ, đang bị lung lay do thất nghiệp tăng cao và do các hộ gia đình tăng khả năng tiết kiệm. Thêm một yếu tố nữa đáng quan ngại : đó là các hoạt động trong ngành địa ốc chưa khởi sắc trở lại. IMF không loại trừ khả năng lĩnh vực kinh doanh bất động sản lại lâm vào khủng hoảng.
Liên quan đến khu vực châu Âu, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế vẫn lo ngại về vấn đề nợ công của nhiều thành viên trong khối sử dụng đồng euro, như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Cuối cùng, nhìn qua các quốc gia đang trỗi dậy, IMF dự báo tỷ lệ tăng trưởng trung bình của các nước thuộc khối này vào sang năm sẽ rơi xuống còn 6,4% thay vì 7,1% như năm nay. Liên quan đến Trung Quốc và Ấn Độ, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho rằng hai cường quốc kinh tế Á châu này nên cân bằng lại cơ cấu kinh tế để giới hạn mức độ lệ thuộc vào nhập khẩu của Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký