CHILÊ

Thợ mỏ Chi lê : Một cuộc sống mới bắt đầu

Tổng thống Chilê, ông Sebastian Pinera (hàng ngồi, thứ tư từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm với 33 thợ mỏ sống sót tại bệnh viện Copiapo, nơi họ phải trải qua hàng loạt xét nghiệm y khoa ngày 14/10/2010.
Tổng thống Chilê, ông Sebastian Pinera (hàng ngồi, thứ tư từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm với 33 thợ mỏ sống sót tại bệnh viện Copiapo, nơi họ phải trải qua hàng loạt xét nghiệm y khoa ngày 14/10/2010. Reuters

Các thợ mỏ sống sót có nguy cơ bị «stress hậu chấn thương », ngay khi lên khỏi mặt đất sẽ được đưa vào nằm viện trong 48 giờ, và làm một loạt các xét nghiệm để xác định tình trạng thể chất cũng như tâm thần. Nhưng phức tạp nhất vẫn là làm sao tự chủ được trước những áp lực của báo chí, những đề nghị hấp dẫn... Những con người bình thường nay bỗng chốc trở thành những người hùng sẽ khó tránh được cái bẫy của ánh hào quang danh vọng. 

Quảng cáo

Sự kiện các thợ mỏ Chilê được đưa lên mặt đất sau nhiều ngày bị kẹt dưới lòng đất được các báo tiếp tục đưa tin. Bên cạnh những hình ảnh đoàn tụ với gia đình rất cảm động, có một khía cạnh khác cũng được báo chí Pháp chú ý, đó là sau tai nạn vừa qua, một cuộc sống mới đã bắt đầu đối với những người thợ mỏ bình thường, nay đã được cả thế giới biết đến.

Le Monde trích lời một nhà tâm lý học Chilê, cho rằng « cuộc sống trước đây đã chấm dứt » đối với 33 người thợ mỏ cuối cùng được đưa lên mặt đất sau 69 ngày bị nạn. Họ đang phải đối mặt với một thử thách lớn, đó là việc tái hòa nhập trong một giai đoạn hậu khủng hoảng tâm lý đầy những nguy cơ. Một nhà tâm lý học khác nhận xét : « Một con người khi đối mặt với cái chết sẽ suy ngẫm về tình trạng của mình, những gì mình đã làm và chưa làm được trong cuộc sống ».

Các thợ mỏ sống sót có nguy cơ bị « stress hậu chấn thương » ngay khi lên khỏi mặt đất sẽ được đưa vào nằm viện trong 48 giờ, và làm một loạt các xét nghiệm để xác định tình trạng thể chất cũng như tâm thần. Họ còn được các nhà chuyên môn theo dõi về tâm lý trong vòng sáu tháng sau đó.

Bộ trưởng Bộ Y tế Chilê cho biết, sáu giờ trước khi được đưa lên, các thợ mỏ phải ăn kiêng với những thức ăn lỏng giàu đường, khoáng chất và kali, được các chuyên gia của NASA, cơ quan hàng không Hoa Kỳ chuẩn bị. Họ được cho uống thuốc nhức đầu, sử dụng quần áo bằng sợi đồng, mang dây nịt đặc biệt giúp máu di chuyển điều hòa đến não nhằm tránh bị đông huyết.
Về thể chất, các mối nguy đang chờ đợi họ là võng mạc có thể bị hư hại khi trở lại với ánh sáng ban ngày, rối loạn nhịp độ thức – ngủ, bệnh ngoài da, nghiện rượu, thuốc hoặc các loại ma túy…

Nhưng phức tạp nhất vẫn là làm sao tự chủ được trước những áp lực, những đề nghị hấp dẫn dành cho họ - những con người bình thường nay bỗng chốc trở thành những người hùng. Ngay từ hồi tháng 9, các chuyên gia của NASA đã cảnh báo về hậu quả của sự nổi tiếng, áp lực từ các phương tiện thông tin đại chúng cũng như từ quần chúng. Một nhà xã hội học đã dự báo : « Nhiều người sẽ bị tràn ngập với các đề nghị của truyền hình, thậm chí có thể được mời rất thường xuyên, nhưng chỉ kéo dài có vài tháng thôi. Đến tháng ba tới, tất cả sẽ chỉ còn là kỷ niệm ».

Nhật báo Libération cho biết, 33 thợ mỏ bị nạn đã nhận được vô số đề nghị phỏng vấn trong đó nhiều cuộc có thù lao, được mời đi Hy Lạp, đi Tây Ban Nha xem một trận đá banh của đội Real Madrid, một tỉ phú Chilê là chủ mỏ kế cận tặng cho mỗi gia đình 7 500 euro…Tờ Le Figaro nói thêm, họ còn được Tổng thống mời, nhiều đề nghị viết sách, quay phim…trong đó họ là các nhân vật trung tâm. Nhóm thợ mỏ bị nạn đã dự kiến thành lập một quỹ để cùng « bán » các câu chuyện của mình – một số báo chí sẵn sàng chi hàng chục ngàn euro để được độc quyền.

Khoảng hai ngàn nhà báo từ khắp thế giới đang có mặt tại Chilê, và trước mỗi ngôi nhà của gia đình các thợ mỏ bị nạn, có ít nhất hàng chục máy quay phim và ống kính phóng viên chờ chực. Từ vài ngày qua, một nhà báo kỳ cựu đã huấn luyện cho 33 người thợ mỏ cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn « kể cả những câu khó chịu, thô bỉ và thiếu tế nhị nhất ».

Theo Le Figaro, có hai yếu tố thuận lợi cho sự hòa nhập của họ. Trước hết, tất cả đều là những thợ mỏ chuyên nghiệp từng làm việc dưới lòng đất nhiều năm. Kế đến là liên lạc với thế giới bên ngoài đã được thiết lập kể từ ngày 22/8 giúp họ an tâm hơn, và có lịch hành động cụ thể. Họ tổ chức thành từng nhóm ba người để giúp đỡ lẫn nhau, nhờ đó mà tránh được một sự hỗn loạn tập thể và bạo lực. Có người mỗi ngày cùng cầu nguyện với thân nhân trên mặt đất, có người viết nhật ký, như một sự giải thoát.

Le Monde nói thêm, trong những giờ phút cuối cùng chờ được giải cứu, 33 người thợ mỏ đã cùng hát và cầu nguyện với nhau. Ai cũng muốn là người cuối cùng ra khỏi mỏ, để được ghi tên vào kỷ lục Guiness là người sống dưới mặt đất lâu nhất thế giới, nhưng rốt cuộc, họ đã điều đình với những người có trách nhiệm của Guiness để cả nhóm được ghi vào kỷ lục tập thể.

Nobel Hòa bình 2010 làm dấy lên phong trào đòi tự do ngôn luận ở Trung Quốc

Nhìn sang châu Á, nhà ly khai Trung Quốc được tặng giải Nobel Hòa bình 2010, ông Lưu Hiểu Ba vẫn là đề tài được tiếp tục bàn tán.

Trong bài viết mang tựa đề « Theo gót giải Nobel là ước muốn được tự do », thông tín viên của nhật báo Libération tại Bắc Kinh nhận định, giải Nobel Hòa bình cho tù nhân chính trị Lưu Hiểu Ba đã đánh thức tinh thần phản kháng tại Trung Quốc. Một lá thư ngỏ gởi đến Quốc hội đã được công bố trên mạng vào hôm qua, đòi hỏi phải có tự do ngôn luận và bãi bỏ chế độ kiểm duyệt. Hai mươi ba người ký tên đều là những cán bộ lão thành, trong đó có ông Lý Nhuệ, 94 tuổi, cựu bí thư của ông Mao Trạch Đông, hoặc một cựu giám đốc Nhân dân nhật báo. Một trong số họ nói : « Những gì chúng tôi cần là rất đơn giản, đó là tự do ngôn luận vốn được Hiến pháp bảo đảm trên lý thuyết nhưng trên thực tế thì lại không có ». Tuy không nêu cụ thể trường hợp giải Nobel Hòa bình 2010, nhưng lá thư viết : « Mức độ tự do ngôn luận hiện nay còn thấp hơn ở Hồng Kông thời hòn đảo này còn là thuộc địa ». Họ hy vọng vào lời tuyên bố đáng ngạc nhiên của Thủ tướng Ôn Gia Bảo trên CNN ngày 3/10 là « Tự do ngôn luận là cần thiết cho cả nước » - lời tuyên bố này đã bị kiểm duyệt ngay tại Trung Quốc.

Theo một nhà văn ở Bắc Kinh, thì hiện nay đang có một « Phong trào công dân ở Trung Quốc, gồm nhiều giới rất khác nhau. Dưới những hình thức, tên gọi khác nhau, ở những địa điểm khác nhau, họ đều chiến đấu chống lại một kẻ thù chung là chế độ độc tài và những kẻ trị vì độc tài…Họ là những đảng viên kỳ cựu, nhà giáo, luật sư, nhà văn nhà báo, nghệ sĩ và rất nhiều thanh niên…Tuy có những khác biệt về mục tiêu trước mắt, nhưng mọi người đều cùng nhìn vê một hướng ».

Libération thông tin thêm, không chỉ có bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba bị quản thúc, mà hàng chục người khác ở Bắc Kinh đa số là blogger cũng cùng chung số phận, hoặc bị phạt giam giữ hành chính một tuần, thậm chí có người còn bị mất tích.

Còn trên nhật báo công giáo La Croix, chủ tịch hiệp hội Trung Hoa Liên đới, bà Marie Holzman nhận định, không thể có việc nhà cầm quyền Trung Quốc trả tự do ngay cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba. Cần phải có thời gian để Bắc Kinh khỏi mất mặt, mà theo bà thì ít nhất cũng là sáu tháng.

Cả hai vợ chồng giải Nobel Hòa bình 2010, người ở tù, người bị quản thúc, vậy thì ai sẽ đi nhận giải ở Oslo vào ngày 10/12 tới ? Theo tác giả bài viết, rất có thể người thay mặt sẽ là cựu tổng thống Cộng hòa Séc Vaclav Havel, vốn từ lâu vẫn ủng hộ ông Lưu Hiểu Ba.

Câu hỏi còn lại, nếu Lưu Hiểu Ba được tự do thì trong những điều kiện nào ? Trước đây nhiều nhà ly khai Trung Quốc đã từng được trả tự do trước thời hạn nhờ vào thương lượng của các nhà chính trị. Chẳng hạn ông Ngụy Kinh Sinh bị trục xuất sang Mỹ năm 1997 ngay sau chuyến viếng thăm Washington của ông Giang Trạch Dân, hay Ngoại trưởng Mỹ Condolezza Rice khi thăm Bắc Kinh năm 2005 đã điều đình để nhà ly khai người Duy Ngô Nhĩ Rebiya Kadeer được thả. Nhưng ngày nay bối cảnh có khác, từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và sau Thế vận hội Bắc Kinh, không còn có việc thả tù chính trị trước hạn. Theo tác giả, bây giờ chỉ còn trông cậy vào sự tiến bộ ngay trong đảng Cộng sản Trung Quốc, và cho biết thêm, ngay sau khi ông Lưu Hiểu Ba lãnh bản án 11 năm tù, nội bộ đảng đã có những tranh cãi kịch liệt.

Pháp: Hồ sơ hưu bổng tiếp tục nóng bỏng

Quay lại với thời sự nước Pháp, hôm nay các nhật báo lớn ở Paris đều dành nhiều trang báo cho phong trào đấu tranh chống cải cách chế độ hưu bổng.

Nhật báo cánh tả Libération coi các cuộc biểu tình phản kháng là một « Cú sốc ». Tờ báo theo chân những người biểu tình từ các tỉnh cho đến Paris « để tiếp xúc với một nước Pháp đầy quyết tâm, sau thành công của ngày hành động hôm thứ ba, để thách thức một chính phủ không hề muốn nhượng bộ ». Tờ báo cộng sản L’Humanité thì dành toàn bộ số báo hôm nay cho chủ đề này, và khẳng định « Cuộc chiến đấu lan rộng và kéo dài ». Ngược lại, tờ báo cánh hữu Le Figaro cho rằng « Phong trào đã xẹp xuống », khẳng định số người đình công trong khu vực nhà nước, đặc biệt là ngành vận chuyển công cộng đã giảm hẳn. Nhật báo Le Monde chạy tựa trên trang nhất : « Hưu bổng : các ván cờ chính trị của cuộc đấu tranh xã hội » và nhận định, với số người tham gia phong trào đông đảo trong những ngày qua, các công đoàn đang phân vân về một chiến dịch vận động đình công kéo dài.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế