MỸ - TRUNG

Mỹ hoãn công bố báo cáo về tỉ giá nhân dân tệ

Hôm qua 15/10, chính quyền Obama cho biết Bộ Tài chính quyết định dời lại tới giữa tháng 11 việc cho công bố bản báo cáo về tỉ giá hối đoái của nhiều đơn vị tiền tệ so với đô la mà chủ yếu nhất là giá nhân dân tệ so với đô la. Lý do nêu ra là Washington không muốn gây thêm căng thẳng với Bắc Kinh trên vấn đề tiền tệ trước nhiều cuộc họp quan trọng sắp mở ra trong những tuần lễ tới.

Một nhân viên Ngân hàng Công Thương Trung Quốc tại Hồ Bắc đang đếm tiền.
Một nhân viên Ngân hàng Công Thương Trung Quốc tại Hồ Bắc đang đếm tiền. Reuters
Quảng cáo

Trong số này đáng chú ý hơn cả là hội nghị thượng đỉnh G20 sắp mở ra trong hai ngày 11 và 12/11 tại Seoul. Bộ Tài chính Mỹ giải thích : hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul sẽ là « cơ hội để lãnh đạo nhóm này cùng nghiên cứu về các khả năng duy trì thế cân bằng trong hệ thống tiền tệ quốc tế, (…). Đây không chỉ là bổn phận của riêng Hoa Kỳ hay Trung Quốc ».

Theo luật pháp Hoa Kỳ, hai năm một lần Bộ Tài chính cho công bố một bản báo cáo về chính sách hối đoái của các đối tác thương mại quan trọng đối với Hoa Kỳ. Nếu như một quốc gia bị coi là thao túng đơn vị tiền tệ thì Washington sẽ có biện pháp trả đũa.

Hiện nay Washington liên tục lên án Bắc Kinh cố tình ghìm giá nhân dân tệ để tạo lợi thế cho ngành xuất khẩu của Trung Quốc. Hạ viện Mỹ đang nghiên cứu một dự luật để gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh trên hồ sơ này. Ngoài Hoa Kỳ cả Liên hiệp Châu Âu đang nỗ lực đòi Bắc Kinh điều chỉnh tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ.

Theo giới phân tích, việc Bộ Tài chính Mỹ dời lại ngày công bố báo cáo về chính sách hối đoái của các đối tác thương mại, mà đứng đầu là Trung Quốc, cho thấy chính quyền Obama đang nghiêng về một giải pháp ngoại giao để giải quyết bất đồng về chính sách tiền tệ với Trung Quốc và Washington cũng muốn tránh để cuộc đọ sức tiền tệ trở thành một cuộc chiến mậu dịch giữa hai siêu cường kinh tế thế giới này. Thái độ mềm mỏng của Hoa Kỳ càng đáng chú ý hơn nữa khi biết rằng Trung Quốc hiện đang giữ tới 847 tỷ đô la công trái của Mỹ

Tháng trước, Bộ truởng Tài chính Mỹ, Timothy Geithner có những lời lẽ gay gắt lên án Bắc Kinh trực tiếp « can thiệp ồ ạt » vào mức định giá của đồng nhân dân tệ, song hôm qua, Bộ Tài chính nhìn nhận tính từ tháng sáu tới nay, nhân dân tệ đã tăng giá 3% so với đô la.

Vào tuần tới, (ngày 22 và 23/10) Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 sẽ có một cuộc họp trù bị tại thành phố Gyeongju, miền nam Hàn Quốc để chuẩn bi cho Thượng đỉnh G20. Kể từ thứ hai tuần tới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế chủ trì cuộc họp giữa các ngân hàng trung ương của nhóm G20 tại Thượng Hải để thảo luận về các biện pháp bảo đảm ổn định cho hệ thống tài chính toàn cầu.

Trung Quốc: Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Tại Bắc Kinh, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc thảo luận về kế hoạch kinh tế từ năm 2011 đến 2015 với trọng tâm đẩy mạnh mức tiêu thụ nội địa để phát triển. Thông tín viên Joris Zylberman từ Bắc Kinh gửi về bài tường trình :

« Cân bằng lại cơ cấu kinh tế của Trung Quốc với những công cụ đã có từ lâu nay. Có thể nói đó là nền tảng của chính sách kinh tế được các lãnh đạo Bắc Kinh thảo luận tại hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần này khi đề cập đến kế hoạch kinh tế 5 năm cho thời hạn 2011 - 2015.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng nhấn mạnh rằng kế hoạch phát triển kinh tế cho 5 năm sắp tới của Trung Quốc là sự tiếp nối của kế hoạch cải tổ đã được tiến hành từ năm 2008. Đó là : vĩnh viễn gạt qua mục tiêu tăng trưởng bằng bất cứ giá nào để chú trọng vào một mô hình phát triển cân bằng lấy nội lực làm chủ đạo ; nâng cao tầm mức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, gia tăng các khoản an sinh xã hội. Trong mắt các nhà lãnh đạo Trung Quốc đây là những điều kiện bảo đảm cho đất nước này một sự phát triển lâu bền.

Bắc Kinh cho rằng kinh tế của nước đông dân nhất địa cầu đang lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu do đó Trung Quốc cần kích thích mức tiêu thụ nội địa. Kế hoạch phát triển cho 5 năm sắp tới dự trù tăng lương cho giới lao động, bảo đảm các khoản an sinh xã hội cho tất cả mọi người như ông Hồ Cẩm Đào đã cam kết.

Dù vậy đảng Cộng sản Trung Quốc vận hành theo nhịp độ của họ với công cụ đã có từ thời Mao Trạch Đông cách nay 60 năm đó là các kế hoạch kinh tế 5 năm. Ngày nay hội nghị Ban chấp hành Trung ương đưa ra những đường lối chung. Thế nhưng việc thực hiện các chính sách của nhà nước còn tùy thuộc vào quyết tâm của cấp chính quyền địa phương, nhất là nếu đường hướng phát triển lấy nội lực làm chủ đạo mà Bắc Kinh đề ra không đem lại nhiều lợi lộc cho các lãnh đạo ở cấp địa phương, thì còn phải mất thêm thời gian để chính sách cân bằng hóa cơ cấu kinh tế của Trung Quốc mới được thực hiện."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế