Suy thoái lại đe dọa khu vực đồng euro
Kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu euro chưa thoát hiểm. Đối mặt với tình trạng thất nghiệp kéo dài và chính sách khắc khổ của chính phủ, người dân buộc phải giảm chi tiêu. Còn các công ty xuất khẩu thì lao đao do đồng euro tăng giá giữa lúc kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn. Trang kinh tế nhật báo Pháp Le Monde đã phản ánh tình trạng trong nhận định : « Năm 2011, khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ có thể lại bị suy thoái. »
Đăng ngày:
Theo Le Monde, cuộc chiến tiền tệ bắt đầu từ tháng 9 vừa rồi đã làm cho tình hình thêm phức tạp. Các nhà kinh tế thì nhìn nhận sự việc theo những hướng khác nhau.
Có người cảnh báo rằng cuối năm nay hoạt động thương mại của khu vực đồng euro sẽ yếu đi, và sẽ bị suy thoái nhẹ trong sáu tháng đầu năm 2011. Dự tính, mức tăng trưởng cả năm 2011 chỉ ở mức 0,7%. Việc thắt chặt chi tiêu ngân sách đã ảnh hưởng tiêu cực đến mức cầu ở người tiêu dùng, và gây khó khăn cho xuất khẩu của nhiều nước. Thêm vào đó, việc đồng euro tăng giá sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các nước thuộc khu vực này. Các nhà kinh tế cũng dự báo là Đức và Hà Lan là hai quốc gia có nhiều nguy cơ tái suy thoái nhất.
Cũng có những chuyên gia tỏ ra ít bi quan hơn. Thế nhưng nhận định của họ cũng không mấy sáng sủa. Theo những người này, năm 2011, kinh tế của khu vực đồng euro sẽ phát triển chậm. Việc đồng euro tăng giá, chính sách thắt lưng buộc bụng của các chính phủ, những khó khăn của các quốc gia Nam Âu… sẽ khiến cho tình hình thêm bấp bênh. Năm 2011, kinh tế sẽ tăng trưởng nhẹ, mức tăng GDP chỉ 1.3%. Thậm chí đối với những chuyên gia kinh tế lạc quan nhất, con số này cũng chỉ ở mức 2%. Tuy nhiên, nếu đồng euro tiếp tục ở mức cao như hiện nay, thì mức tăng trưởng này sẽ giảm đi 0.4 điểm.
Tình hình rất bấp bênh, các chuyên gia cho rằng hiện tại không thể báo trước được chính xác nền kinh tế sẽ đi về đâu.Trong khi đó, viễn cảnh cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Pháp và bầu cử quốc hội ở Tây Ban Nha có thể sẽ khơi lại cuộc tranh luận giữa phe ủng hộ chính sách khắc khổ và phe ủng hộ chính sách lạm phát.
Cuối cùng, tác giả cảnh báo : Cuộc chiến tiền tệ có thể sẽ lan đến nội bộ khu vực đồng euro.
Chính trị Đức : thủ tướng Merkel phá bỏ cấm kỵ về Hồi giáo
Theo Le Monde, ngày 16/10/10, thủ tướng Angela Merkel, tuyên bố : « Chúng ta gắn bó với những giá trị Thiên chúa giáo. Ai không chấp nhận điều đó, sẽ không có chỗ đứng nơi đây ». Le Monde cho biết, kể từ 10 năm nay, không một vị lãnh đạo nào của Đức dám vạch ranh giới một cách thẳng thừng như vậy : ranh giới giữa cái mà bà gọi là « chúng ta » (tức những người theo Thiên chúa giáo) và « người kia » (tức những người Hồi Giáo ). Bà cho rằng những người Hồi Giáo nhập cư này « quên » một điều quan trọng : ở Đức, mọi người sống theo hiến pháp, chứ không phải luật Sharia Hồi giáo.
Bà Merkel cũng cho rằng : người nhập cư luôn được hoan nghênh đến Đức với điều kiện phải thừa nhận những giá trị của nước Đức Thiên chúa giáo.
Từ hai tháng nay, về chủ đề nhập cư và hội nhập của người Hồi Giáo, truyền hình trong Đức liên tục phát sóng các cuộc tranh luận của những đảng viên phe bảo thủ, những người có tư tưởng tiến bộ, những nhà trí thức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, những người đại diện cho các cộng đồng tôn giáo …
Le Monde nhận định : Trong một nước Đức luôn bị ám ảnh bởi quá khứ « Quốc xã », một đất nước luôn tha thiết xây dựng thể chế dân chủ, một đất nước mà ở đó những từ « người nước ngoài » hay « dân thiểu số » luôn nhạy cảm , thì cuộc luận chiến khốc liệt giữa các tầng lớp xã hội và các đảng phái chính trị cho thấy sự « kiêng kỵ » đã bị phá vỡ.
Sự « huyên náo » này bắt nguồn từ quyển sách mang tựa : « Nước Đức đang bị tổn thất ». Tác giả quyển sách là một nhân vật có tầm cỡ : ông Thilo Sarrazin, thành viên ban điều hành Ngân hàng Trung ương Đức, một trong những nhân vật chủ chốt của Đảng Xã Hội Dân Chủ. Thilo Sarrazin cảnh báo nguy cơ bản sắc văn hóa Đức bị xuống dốc và sự xâm nhập của Hồi Giáo.
Theo ông, nguyên nhân là do trình độ văn hóa và khả năng hội nhập của người nhập cư thấp. Quyển sách cũng đề cập đến tình trạng lão hóa dân số của người Đức, trong khi dân nhập cư Hồi Giáo lại trẻ. Đã có 600.000 bản được bán và 5.000 bức thư ủng hộ được gửi đến Thilo Sarrazin.
Một nhà văn Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét : « Một bộ phận người nhập cư không chấp nhận những giá trị dân chủ, họ muốn sống theo luật lệ Hồi giáo». Mộ sử gia cho rằng « chính sách nhập cư quá dễ dãi, không buộc người nhập cư phải biết tiếng Đức hoặc có những chuẩn bị cần thiết để hội nhập.
Theo một nghiên cứu gần đây, 1/3 người Đức cảm thấy « bị ngộp » vì « người nước ngoài » và muốn họ rời khỏi Đức.
Tờ báo kết luận : Nước Đức vốn đã được tái lập nền dân chủ và luôn cảnh giác cao độ với chủ nghĩa bài ngoại, dường như đang chực lao vào chủ nghĩa dân túy, một lối làm chính trị đang ngự trị Châu Âu.
Pháp : dùng chíp điện tử theo dõi trẻ sơ sinh
Đây một thông tin thú vị liên quan đến trẻ em. Với bài viết mang dòng tựa : « Trẻ con dưới mắt quan sát điện tử », Le Monde cho biết, hiện tại có khoảng 30 bệnh viện phụ sản ở Pháp tiến hành đeo chíp điện tử cho trẻ con để có thể theo dõi các em một cách tự động.
Theo thống kê, năm 2009, có 50.000 trẻ sơ sinh được đeo chíp điện tử. Đã có 30 bệnh viện ở Pháp gắn chíp cho trẻ. Chíp điện tử được trang bị ăng ten, dùng sóng radio, cho phép cung cấp thông tin từ xa.
Thế nhưng, tờ báo cho hay, vấn đề này vẫn còn là một « cấm kỵ ». Dư luận Pháp tỏ ra không thống nhất : Người ủng hộ thì viện lẽ an toàn cho con trẻ, người phản đối thì lo việc quá lạm dụng công nghệ và những rắc rối mà chíp điện tử có thể gây ra.
Từ tháng giêng năm nay, việc đeo chíp đã được đề nghị, nhưng dựa trên sự tự nguyện. Một lãnh đạo bệnh viện cho biết cứ 2 phụ nữ, thì có 1 người yêu cầu gắn chíp cho con họ.
Ông Alex Turk, chủ tịch Ban tin học quốc gia Pháp, nói : « Nghị viện Pháp cần quan tâm đến vấn đề này, và nên tổ chức thảo luận trên phạm vi quốc gia và quốc tế ».
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký