Chiến tranh tiền tệ đe dọa thương mại thế giới
Nhân cuộc họp Bộ trưởng nhóm G20 vào hôm nay, 22/10/2010, báo giới Pháp trở lại sự kiện mà tờ Le Monde phân tích trong hàng tựa : Đây sẽ là chủ đề trọng tâm của G20, họ sẽ cố gắng tránh việc các nước thành viên có những phản ứng đơn phương, lộn xộn để bảo vệ xuất khẩu của mình, tránh không để cuộc chiến tiền tệ hiện nay trở thành cuộc chiến tranh thương mại, tác động đến sự phục hồi kinh tế thế giới.
Đăng ngày:
Trong mấy ngày qua lãnh đạo chính trị cũng như kinh tế đưa ra những lời cảnh báo đáng ngại. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Quốc e ngại hoạt động kinh tế thế giới suy sụp như vào những năm 1930; Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tuyên bố "tình hình rất đáng lo ngại" và kêu gọi các cường quốc thế giới tiến tới sự đồng thuận.Cái gì gây lo ngại đến như vậy ? Đó là tình hình căng thẳng trên thị trường hối đoái hiện nay. Trong tình thần đó, tờ Le Figaro nhìn thấy là các Bộ trưởng nước nhóm G20 gặp nhau tại Seoul hôm nay để giải quyết các tranh chấp tiền tệ.
Tờ Le Monde giải thích : tại các quốc gia công nghiệp phát triển, trong tình hình kinh tế chưa phục hồi nhanh chóng, thất nghiệp cao, thâm thủng to lớn, thì đồng tiền yếu là một vũ khí rất hấp dẫn, nó giúp tăng xuất khẩu, vì giảm được giá sản phẩm bán ra ngoài. Một đồng tiền mạnh có tác động ngược lại, vì thế mà Nhật đã làm mọi cách để giám giá đồng yen của họ. Và như Phó thống đốc ngân hàng Trung ương Nhật, ông Kiyohiko Nishimura, tuyên bố gần đây, đồng yen mạnh làm xấu đi không khí kinh doanh.
Nhung không phải chỉ có các nước phát triển, kinh tế còn ì ạch là muốn bảo vệ thương mại của mình. Các nước đang vươn lên, kinh tế hồi phục mạnh, cũng phải bảo vệ xuất khẩu, động cơ tăng trưởng của họ, bảo vệ công việc làm của người dân.
Theo Le Monde, không khí hiện nay không mấy gì tốt lành : các quốc gia đang thi nhau tìm cách ghìm giá đồng tiền của mình. Ngân hàng Trung ương Nhật bản và Trung Quốc tung tiền ra mua ngoại tệ, Hoa Kỳ thì có thể in bạc. Những nước đang vươn lên cũng có biện pháp, như Brazil và Thái Lan tìm cách giảm luồng vốn đầu cơ bằng đánh thuế trên cổ phiếu mà các nhà đầu tư ngoại quốc mua vào.
Những lời chỉ trích tố cáo nhau ngày càng nhiều : ngoài Trung Quốc luôn bị từ Hoa Kỳ đến Châu Âu, Nhật Bản chỉ trích là thao túng đồng tiền của mình, thì vừa qua, Hàn Quốc bị Nhật tố cáo dìm giá đồng won. Châu Âu chỉ trích Trung Quốc nhưng cũng bực tức khi nhìn tỷ giá đồng euro quá cao so với đồng đô la.
Theo Le Monde, một cuộc chiến tiền tệ dễ dẫn đến chiến tranh thuơng mại. Để bảo vệ sản phẩm của mình và công việc làm của dân chúng, các nước sẽ sử dụng các vũ khí như hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời áp đặt thuế hải quan và quota để giới hạn nhập khẩu. Các bên sẽ trả đũa nhau.
Le Monde nhắc lại sự kiện vào năm 1930, luật Hawley-Smooth của Mỹ, thông qua ngày 17/06/1930, tăng thuế trên 20.000 mặt hàng nhập khẩu, khiến cho hàng nhập từ Châu Âu tụt giảm khoảng 70%. Ngược lại, hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Châu Âu, cũng giảm tuột tương tự vì bị Châu Âu trả đũa.
Ngày nay thì có Tổ chức Thương mại Thế giới, trên nguyên tắc, cấm những hành động đơn phương. Tuy nhiên Le Monde cũng nêu lên thí dụ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc : Hạ viện Mỹ vừa thông qua một dự luật hầu đánh thuế trên hàng nhập từ Trung Quốc, vì tỷ giá đồng yuan thấp bị xem như một hình thức hỗ trợ xuất khẩu trá hình. Phản hồi từ phía Bắc Kinh rất nhanh chóng : Trung Quốc đã triển hạn ngay lập tức thuế 105% đánh trên gà nhập từ Mỹ mà Trung Quốc áp đặt từ tháng giêng.
Trước mắt, theo báo cáo của WTO, những vụ này không đáng ngại vì chỉ ảnh hưởng đến 1% trao đổi thương mại. Nhưng Tổng giám đốc WTO, ông Pascal Lamy, phát biểu tại Genève, thứ ba vừa qua, đã cảnh báo các nước : ''Lịch sử sẽ đánh giá nghiêm khắc chúng ta nếu các nỗ lực chung để ngăn chặn khủng hoảng lại bị việc tìm kiếm đơn lẻ lợi nhuận ngắn hạn''.
Trung Quốc : tăng trưởng vẫn vững chắc
Bên cạnh vấn đề tiên tệ, tờ Le Figaro còn chú ý đến tăng trưởng của các nước Châu Á, trước tiên là Trung Quốc : tăng trưởng vẫn vững chắc . Vào quý 3 năm nay, GDP Trung Quốc tăng 9,6%, tuy có kém hơn so với 6 tháng đầu năm, nhưng nó cho thấy là đã tránh được sự hâm nóng. Mối lo ngại lớn đối với Bắc Kinh hiện giờ là lạm phát. Giá cả đã tăng 3,6% vào tháng 9, cao hơn so với tháng trước và vượt qua chỉ tiêu 3% chính quyền đề ra cho cả năm.
Le Figaro trích dẫn đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố hôm qua, cho là nhìn chung, Châu Á vẫn là đầu tàu vực dậy kinh tế thế giới, nhưng các nước phải thận trọng về mặt lạm phát và tác động của lượng vốn nước ngoài trên đồng tiền của họ.
Vào lúc tăng trưởng chậm lại ở các quốc gia phát triển vào năm 2011, thì nó vẫn rất mạnh ở Châu Á, ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Tuy nhiên mức tăng rất cao của xuất khẩu vào năm 2009 và đầu năm 2010 tại các quốc gia Châu Á sẽ yếu hơn trong thời gian tới. Điểm tích cực của sự kiện này là nó cân bằng hơn trao đổi thương mại thế giới, giảm thiểu được lo ngại bảo hộ mậu dịch.
Thách thức hiện nay đối với các quốc gia là làm sao chấm dứt được một cách khả dĩ các kế hoạch hỗ trợ kinh tế đưa ra vào lúc khủng hoảng.
Senkaku/Điếu Ngư : Mầm mống tranh cãi Tokyo - Bắc Kinh
Cũng về Châu Á, nhưng trên bình diện ngoại giao, lãnh thổ, Le Monde trở lại cuộc tranh chấp trên các đảo Điếu Ngư / Senkaku, mà tờ báo gọi một cách hóm hỉnh trong hàng tựa : "Các đảo Senkaku, nguồn gây cãi vã giữa Bắc Kinh và Tokyo". Theo tác giả bài báo, cho dù hai bên đều khẳng định ý muốn khôi phục lại quan hệ ngoại giao tốt đẹp, nhưng lời qua tiếng lại vẫn leo thang, từ chính khách cho đến báo chí hai bên.
Điều gây ngạc nhiên là các cuộc biểu tình cuối tuần qua, ở cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc. Và đặc biệt là tại Trung Quốc, ai tập hợp những người biểu tình ? Theo Le Monde người tham gia cuộc xuống đường giải thích là họ nhận được tin nhắn trên điện thoại di động. Các cuộc xuống đường lại diễn ra vào lúc Trung Quốc tiến hành hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản, tức là vào lúc mà an ninh đươc tăng cường nghiêm mật.
Giới quan sát nhận thấy là các sự kiện này ít ra là đã thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc, che khuất sự kiện giải Nobel Hòa bình trao cho Lưu Hiểu Ba.
Đạn Trung Quốc được dùng để tấn công lính Liên Hiệp Quốc tại Sudan
Tờ La Croix hôm nay nhìn thấy ảnh hưởng của Trung Quốc tận Sudan, trong bài báo ngắn tựa đề : "Hòa bình ở Soudan cũng phải thông qua Trung Quốc".
Sự vụ theo bài báo là Bắc Kinh hiện đang cố ngăn chặn việc công bố một báo cáo của Liên Hiệp Quốc tố cáo là đạn dược của Trung Quốc được sử dụng chống lại lính mũ xanh Liên Hiệp Quốc ở Darfur.
Theo La Croix một phái đoàn của Hội đồng Bảo an, trong một chuyến đi trong vùng vào đầu tháng 10, đã tỏ ý lo ngại trước hiện tượng vũ khí được đưa vào vùng này một cách bất hợp pháp. Đạn dược chế tạo ở Trung Quốc được tìm thấy vừa qua, trong lúc mà Liên Hiệp Quốc cấm bán vũ khí vào Darfur. Tệ hại hơn nữa là những vũ khí này được sử dụng trong các chiến dịch nhắm vào lính mũ xanh.
Tất cả các sự kiện trên được đề cập chi tiết trong một bản báo cáo mà Trung Quốc đang ngăn cản không cho công bố. Theo La Croix, Ủy ban đặc trách theo dõi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an đã họp lại hôm qua, xem cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên Châu Âu cũng như Hoa Kỳ không muốn đối đầu với Trung Quốc, họ cần trợ giúp của Bắc Kinh, trong các cuộc thảo luận với chính quyền Khartoum trên hồ sơ nhạy cảm : trưng cầu dân ý về quyền độc lập vùng Nam Soudan, dự kiến vào đầu năm tới đây.
Pháp : lo âu gia tăng về tác hại kinh tế của phong trào đình công
Các tờ Liberation và Le Figaro chú trọng trước tiên đến chiến lược của chính phủ Pháp, vẫn theo "đường lối cứng rắn", tựa của Libération bên trên ảnh chụp ông Sarkozy, trong lúc Le Figaro nhấn mạnh trên việc "chính phủ Pháp đang thúc đẩy Thượng viện nhanh chóng thông qua dự luật cải cách" - Tít trang đầu. Theo tờ báo có lẽ cuộc bỏ phiếu sẽ hoàn tất ngay hôm nay. Điều này khiến tờ L'Humanité rất bất bình trước sức ép ở Thượng viện.
Riêng hai tờ La Croix và Les Echos thì chú ý đến hậu quả các cuộc biểu tình đình công.Les Echos tóm lược tình hình trong hàng tít : "Phong trào chống đối tiếp diễn, trong lúc mối lo ngại về tác hại kinh tế gia tăng".
Đối với La Croix : "Nước Pháp bị tắc nghẽn'" Tờ báo nhìn thấy hậu quả đối với kinh tế Pháp khá nặng : khan hiếm xăng dầu làm tê liệt dần một nền kinh tế mà phân nửa nhu cầu hàng ngày được chuyển bằng đường bộ. Tờ báo còn cho biết là Pháp đã phải mua điện trong ba ngày đầu tuần này do việc nhân viên điện lực đã hưỏng ứng cuộc đình công. Vào hôm thứ hai, Pháp đã phải mua đến 6000 megawatt, tương đương với 9% tổng số lượng điện tiêu thụ, và mua tiếp một số lượng tương đương vào hai ngày thứ ba và thứ tư.
Nhưng điều mà La Croix và một số đồng nghiệp không khỏi nêu bật khi so sánh Pháp với Anh Quốc: tình hình sôi động ở Pháp trái ngược hẳn với không khí "yên tĩnh" tại Anh, nơi mà chính quyền vừa thông báo một kế hoạch thắt lưng buộc bụng chưa từng thấy.
La Croix nhắc lại chỉ có 3.000 người xuống đường ở Luân Đôn phản đối kế hoạch của chính phủ Anh vào hôm thứ tư. Đa số là sinh viên, thành viên công đoàn, và không có nơi nào thông báo đình công.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký